- "Em có thể vẫn làm khán giả cười vui còn bản thân mình thì như đứt từng khúc ruột. Làm diễn viên hài, nghề nghiệp mang đến cho mình rất nhiều niềm vui và bạn bè nhưng vẫn không thể giúp mình xóa đi những nỗi buồn, những vất vả trong cuộc sống và éo le nhất là khi mình đang buồn nhưng vẫn phải làm cho mọi người cười vui".

Hỏi chuyện Hà Linh, tôi mới phát hiện ra rằng, nỗi đau mất mát không gì sánh nổi đã đè nặng lên cuộc đời của anh.

Anh nhiều lần nói “không muốn nhắc lại” kể cả 2 đứa con gái của mình. Hình như, chỉ trên sấn khấu, Hà Linh mới có nụ cười vui vẻ, sảng khoái. Còn lại, Hà Linh trầm tư, kín đáo lắm.

Di ảnh NSƯT Thanh Nga, bà bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga, vợ chồng NSƯT Thanh Nga Ảnh: Tuổi trẻ

Thỉnh thoảng, tôi nhìn thẳng vào đôi mắt của anh sau cặp kính trắng, mắt đỏ hoe khiến tôi vô cùng áy náy, vừa muốn “khám phá” thêm những sâu kín của anh vì nghề nghiệp; vừa không muốn hỏi nữa vì làm đau lòng anh.

Mất mát của anh đã quá sức chịu đựng, quá sức tưởng tượng rồi

Nhưng cuối cùng thì cuộc phỏng vấn cũng hoàn thành…

- Là con của nghệ sĩ Thanh Nga tài sắc vẹn toàn, Hà Linh sẽ được lợi thế rất lớn nếu theo nghề của mẹ, sao Hà Linh không theo cải lương?

Em hát không được, không đủ hơi để hát!

- Cơ duyên nào đã đưa Hà Linh đến với nghề diễn viên hài?

Học xong phổ thông, năm 1990 em thi đậu trường nghệ thuật sân khấu, lúc ấy chỉ mới là cao đẳng thôi. Gia đình em có truyền thống nghệ thuật. Có nhiều người là nghệ sĩ tên tuổi như cậu Bảo Quốc, anh Hữu Châu, Hữu Lộc, em Hồng Loan, Gia Bảo…

Trước đó, em đã tham gia một số vai diễn. Hồi 7 – 8 tuổi đã tham gia vai con cháu trong đoàn của bà ngoại.

Sau rồi tham gia diễn ở Nhà thiếu nhi TP. Năm 1993, trong dịp Noel em đóng hoạt cảnh đấu kiếm trong vở Romeo và Juliet…

Em là diễn viên kịch nhưng đi về hướng hài nhiều hơn. Các đạo diễn đều thích chọn em ở những vài hài.

- Con của một nghệ sĩ lớn, được tất cả mọi người yêu mến, chắc Hà Linh không đến nỗi khúc khuỷu gập ghềnh trên con đường nghệ thuật?

Truyền thống gia đình chỉ là hỗ trợ thôi, giống như cung cấp vật liệu, còn lại mình phải tự bươn trải. Không có khả năng, đưa vào vai hay cũng chết, mình tự giết mình thôi.

Hồi đi học trường sân khấu, em đã đi làm thêm bằng các công việc như bán vé, xếp ghế và hậu đài.

Khi nhóm hài “Tuổi đôi mươi” thành lập do anh Công Ninh làm chủ nhiệm, các anh Hồng Sơn, Nhật Cường còn trẻ, chưa nổi tiếng như bây giờ tham gia vào. Em cũng được gọi vào để …phụ bán vé!

- Không lẽ con của nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn được yêu quý vậy mà Linh không được chút ưu ái nào à?

Cũng có thuận lợi là nhiều anh chị đạo diễn thương, quan tâm. Nhưng cũng khổ là ai cũng ngại sai bảo hay la mắng như những diễn viên khác nên họ…thôi!

- Vậy con đường nghệ thuật của Linh có bằng phẳng không?

Em đi trên con đường không được bằng phẳng chứ không phải khó khăn, có cảm giác bị ùn ứ chứ không phải ùn tắc. Nhiều anh chị đạo diễn và diễn viên cũng nhận xét như vậy.

- Hà Linh hãy nói một chút về gia đình riêng của mình?

Tốt nghiệp ra trường một thời gian thì em lấy vợ, vợ em cũng là dân trong nghề, là nghệ sĩ Ánh Loan, học cùng trường, sau em một khóa.

Tụi em đã có 2 cháu gái. Cháu lớn sinh năm 1996, nay học lớp 11; cháu nhỏ sinh năm 2005, nay học lớp 2.

- Có cháu nào thừa hưởng gene nghệ thuật của truyền thống gia đình không?

Cháu nhỏ rất thích diễn. Một số vở em viết, cháu diễn khá đạt, Nhưng em muốn cháu phải học xong lớp 12 trước đã rồi mới tính tiếp.

- Các con của Linh có biết gì về ông bà nội không?

Các cháu đi học, thầy cô có hỏi thăm nhiều. Nhưng em không muốn nhắc lại làm gì. Hãy để cho qua, không để tuổi thơ của con mình nặng nề…

- Vợ chồng cùng nghề diễn viên, có đảm bảo cuộc sống gia đình không?

Sống bằng nghề thì chết đói mất anh ạ. Vợ chồng em đều phải làm thêm cả. Em phải làm thêm những công việc liên quan đến sân khấu, vợ em thì làm kinh doanh thêm.

- Xin được hỏi lại điều Hà Linh “không muốn nhắc”: là người phải gánh chịu thiệt thòi, mồ côi cha mẹ trong hoàn cảnh vô cùng đớn đau, ám ảnh suốt cuộc đời. Vậy mà Hà Linh lại là diễn viên hài, đem tiếng cười sảng khoái, lạc quan đến cho mọi người! Có gì đó là trớ trêu không? Có lúc nào Linh rơi vào tình huống éo le như nhận vật trong truyện “Kép Tư Bền” của nhà văn Nguyễn Côn Hoan không?

Hạnh phúc nhất của nghệ sĩ hài là đem lại tiếng cười cho khán giả. Nhưng là con người vẫn có những lúc vui buồn, em không giỏi như các anh chị khác có thể vẫn diễn trọn vai khi tâm sự đang chất chứa trong lòng.

Em có thể vẫn làm khán giả cười vui còn bản thân mình thì như đứt từng khúc ruột. Làm diễn viên hài, nghề nghiệp mang đến cho mình rất nhiều niềm vui và bạn bè nhưng vẫn không thể giúp mình xóa đi những nỗi buồn, những vất vả trong cuộc sống và éo le nhất là khi mình đang buồn nhưng vẫn phải làm cho mọi người cười vui.

Em đã ngộ được 2 câu này: “Bỏ được thì bỏ, chấp niệm càng sầu bi; Buông được thì buông, sân si càng thêm khổ”. Nên em cố quên đi là vậy!

- Giờ cũng đã có vị trí nhất định trên sân khấu, lại có gia đình đầm ấm, con ngoan, vợ đẹp. Nếu ai cho một ước mơ, thì Linh ước mơ điều gì?

Ngày xưa em cũng nhiều ước mơ lắm. Ước mơ lớn nhất, khao khát mãnh liệt nhất lúc em còn nhỏ là bố mẹ em còn sống, không xảy ra cái đêm kinh hoàng ấy. Nhưng ước mơ qua đi và chỉ là ước mơ.

Hình ảnh bố mẹ ra đi thảm khốc cứ hiện về từng đêm. Rồi bước vào nghề, vào đời với biết bao chuyện, em biết rằng, mình phải cố gắng thôi. Và em đang cố gắng đây.

Em giờ chỉ mong muốn là làm sao 2 đứa con gái sẽ thành đạt, nên người anh ạ. Mong cho con em không bất hạnh, đau khổ như em là mừng rồi!

Nghệ sĩ Hà Linh và NSUT Bảo Quốc

- Với tất cả những gì đã xảy ra, giờ đây tâm hồn Linh đã có được sự bình an chưa?

Ngày anh Hữu Lộc mất, em rất hụt hẫng. Là anh em gắn bó với nhau, em hiểu anh ấy. Em đã khóc rất nhiều. Nhưng, cái chết là sự giải thoát cho anh ấy. Dấn thân vào con đường nghệ thuật, có nhiều vinh quang nhưng cũng phải nhận nhiều cái khổ anh ạ.

Giờ đây, em phải cố gắng sống cho tốt. Những bất hạnh, đau đớn xảy ra đã là sự an bài rồi.

- Chắc là Linh hay đi chùa lắm?

Cũng ít thôi anh ạ. Thỉnh thoảng cùng anh em, bè bạn ghé vào thắp hương cho nhẹ lòng. Pháp danh của em là Giác Lâm em chưa đổi nữa mà. Pháp danh đó dành cho trẻ em thôi, em giờ đã trưởng thành rồi, lẽ ra phải đổi từ lâu.

- Xin cảm ơn Hà Linh!

Duy Chiến