Trong tôi và một số người nghe nhạc Trịnh từ thế kỷ trước...

Cái cảm giác kết thúc phim, đèn bật sáng dòng người ra về, chúng tôi vẫn ngồi im. Chỉ khi những chị phục vụ vào mới đứng dậy đi rửa cái mặt cho tỉnh, để rõ ràng là Em và Trịnh đã thực sự kết thúc. 

Tiếng gọi của cậu em soát vé như kéo chúng tôi về với đúng thực tại: “Anh ơi có phải anh quên cái ca giữ nhiệt?” chợt nhìn lại thì đúng là mình quên thật! Một cảm giác thất vọng đúng như mình vừa mất một cái gì đó quá lớn, mất đi hình tượng của một thời thanh xuân.

Đó là cảm giác thực của tôi và người ngồi cạnh hôm ấy. Không thể tin được “Trịnh” mà chúng tôi được nghe từ thế kỷ trước lại là một người đàn ông bị động vậy sao? 

Cuộc tình với Diễm của Diễm xưa quá nhạt nhoà. Suốt thời kỳ ở Sài Gòn anh chỉ đến với nàng 1 lần, khi mà nàng cố tình không gặp, chạy theo anh nhưng anh cũng bước quá vội. Và dẫu nàng có đợi hay không thì cũng không thấy anh quay trở lại lần 2? để rồi “hồn anh xanh buốt cho mình xót xa”.

Cuộc tình của Trịnh Công Sơn bên những 'nàng thơ' vướng nhiều tranh cãi. 

Cuộc tình với nàng thơ Dao Ánh cùng 300 lá thư thì mọi thứ cũng chỉ trên giấy. Anh viết thư và chỉ đợi nàng bỏ mọi thứ, bỏ gia đình để từ Huế vào Sài Gòn với anh trong thời loạn lạc, để rồi không thấy nàng anh cũng chỉ là chờ đợi trong mòn mỏi tiếp bao nhiêu năm. Nguy hiểm vậy mà anh không dám quay về đón nàng hay ít nhất cũng hiện diện trước bố nàng để nói rõ về tình yêu của mình? 

Nhưng tiếc nhất là cuộc tình cuối cùng với Michiko - một cô gái trẻ sẵn sàng từ Nhật Bản sang Việt Nam chỉ vì anh. Qua bao tình tiết lãng mạn cùng nàng anh cũng phải đợi mẹ giật dây là cầu hôn nàng. Nhưng ngay khi nàng đồng ý anh lại không hề nể trọng khi “gian gian díu díu mập mờ” ngay trước mắt cô cùng nàng thơ cũ Dao Ánh “Người ngỡ đã xa xưa, nhưng người bỗng lại về“ của cuộc đời anh.

Điều này để Michiko đau lòng nhận ra người đàn ông trước mặt mình đã lấy một cuộc tình mới để quên đi cuộc tình cũ. Cô đã bỏ đi ngay khi chú rể Trịnh tay cầm hoa cưới đến đón cô về. Nhưng điều đáng tiếc là anh đã không có bất cứ một hành động nào để níu kéo tìm lại người mình yêu, chạy ra sân bay là điều tối thiểu? Mà người ấy đến từ Nhật vì anh, sao anh không sang Nhật để tìm lại, chẳng lẽ với anh chỉ là câu hỏi: "Màu nắng hay là màu mắt em?". Không dám đến tận cùng tìm hiểu màu đó ở mắt em hay là nắng? để rồi đau xót nhận ra “cuộc đời đó có bao lâu, mà hững hờ” nhưng đã quá muộn?... 

Thất vọng được đẩy lên cao trào cho nhân vật diễn viên Trần Lực đóng. Anh vừa buồn mất cô dâu nhưng ngay giây sau đó lại vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra và giới thiệu một người “yêu nhạc Trịnh” là “Bống” lên hát một bài rồi một cái kết như đúng cái đêm diễn mất điện trong phim mà không có bất cứ một lời hát Đêm chong đèn nào vang lên.

Vậy đó, một người đàn ông chỉ biết chờ đợi và đợi chờ, không dám đi đến cùng với tình yêu của mình, không dám đối diện với khó khăn và thực tại, thì trong cuộc sống vợ chồng với bao sóng gió sao anh có thể đi được đến cuối con đường? Một người bị động, thiếu sự quyết đoán ý chí và bản lĩnh trong tình yêu? Đó là Trịnh Công Sơn được sao? Một thần tượng của bao người? Chẳng lẽ ông chỉ đẹp trên những nốt nhạc? 

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã bắt Trịnh Công Sơn phải ra đi một lần nữa sau ngày 1/4/2001 của 21 năm về trước? Người đàn ông của “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng” đâu rồi? "Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh" cơ mà?

Rất may là từ đầu đạo diễn đã có dòng chữ nhiều tình tiết chỉ là hư cấu cho phù hợp với phim. Nói về một nhân vật mà anh Trần Lực cùng Avin Lu cố gắng khắc họa, dựa trên một con người thật là tác giả của “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

Không thể phủ nhận những cảnh quay quá đẹp, hình ảnh của Kha và Dao Ánh là hai nhân vật để lại dấu ấn đậm nét. Đêm nhạc Trịnh mất điện nhưng ca khúc Huyền thoại mẹ cất lên cùng những giọt nước mắt cả người trong phim và ngồi ngoài rạp.

Thật tiếc! Giá như tác giả khai thác sâu hơn, triệt để hơn một cuộc tình, hay bộ phim chỉ đơn giản là dừng lại với một kết thúc mở khi Trịnh Công Sơn tỏ tình với Michiko và được đồng ý.

Có lẽ các bạn của nghe nhạc Trịnh thế kỷ trước mà "khó tính" giống mình không nên xem sẽ tốt hơn hoặc lỡ xem thì đến đoạn cầu hôn Michiko mà thôi! Hoặc đơn thuần hãy coi như đi xem một bộ phim ca nhạc nhé, thật tiếc!

Độc giả Hà Anh Tuấn

Độc giả có thể gửi ý kiến về bộ phim Em và Trịnh theo địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn