Tuy mang tiếng là lấy chồng, dựa bóng tùng quân, nhưng có rất nhiều người vợ từ ngày cưới cho tới lúc sinh con đẻ cái, xây sửa nhà cửa, sắm sanh đồ đạc…, chưa hề được nghe đức ông chồng ngỏ lời: “Cho anh gánh vác với!”.

Vợ lương cao nên tự lo nuôi con

Không phải tới bây giờ khi sinh đứa con thứ hai, Nam mới nói với Trân như thế. Trước khi quyết định kết hôn một thời gian, Nam cho Trân biết rằng cha mẹ anh mất sớm, để lại cho hai anh em hai căn hộ tập thể. Em gái của Nam không may thiểu năng trí tuệ nên một căn hộ hai vợ chồng sẽ ở còn căn kia sẽ cho thuê đế lấy tiền nuôi, chữa bệnh cho em gái.

Khi đó, Trân đang làm ở một công ty nước ngoài lương tháng trên năm mươi triệu, còn Nam là công chức một bộ lương “ba cọc ba đồng” nên khi nghe Nam tính như vậy, Trân cũng phải và đồng ý. Lương cao nên Trân không bao giờ hỏi tiền lương của Nam và cũng tuyệt đối không đả động gì đến món tiền cho thuê nhà để nuôi em gái mà hai vợ chồng đã thỏa thuận lúc đầu.

Thấm thoắt, hai vợ chồng đã cưới nhau được chục năm. Hai đứa trẻ ra đời với rất nhiều nhu cầu về chi tiêu, học hành. Vì suy thoái kinh tế nên Trân mất việc ở công ty nước ngoài, quay về yên phận với chân kế toán ở một doanh nghiệp tư nhân lương chưa đến chục triệu. Cô em gái thiểu năng của Nam đã qua đời vì bệnh nặng nên Nam cũng không còn gánh nặng gì về kinh tế nữa. Nhưng mọi việc vẫn như ngày cách đây chục năm, tức là mọi chi phí ăn uống, sinh nở, nuôi con, sắm sanh trong gia đình… một tay Trân lo liệu.

Số tiền Trân dành dụm lúc đi làm lương cao đã gần cạn nhưng cô nói kiểu gì Nam vẫn tảng lờ không đưa cho vợ đồng nào. Bực quá, cô nặng lời với chồng, còn Nam thì thản nhiên tuyên bố: “Anh có nhiều việc phải làm nên không thể đưa lương hay đưa tiền thuê nhà cho em được. Bao năm nay em gánh vác chi tiêu có sao đâu mà giờ lại thế? Em kêu thiếu nhưng anh thấy em vẫn đẻ được, nuôi được đấy thôi, sao lại hỏi anh”.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Mẹ chồng bó tay với… con trai

Nhận được điện của con dâu, bà Dậu xin hiệu trưởng nghỉ phép mấy hôm đáp ngay chuyến xe chiều lên thành phố. Tới nơi, con trai đi làm chưa về, còn con dâu tuy vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh ở nhà nhưng không thấy dáng vẻ mỡ màng của người phụ nữ sau sinh nở. Thay vào đó là nét mặt buồn bã, bơ phờ. Chưa đợi mẹ chồng hỏi, con dâu bà Dậu đã òa khóc kể lể.

Lắng nghe câu chuyện của con dâu, bà Dậu hiểu con trai bà vừa có tuyên bố “động trời” với người vợ mới sinh của mình: “Em nghỉ sinh 4 tháng thế là đủ rồi đấy. Kiếm việc đi làm sớm đi để có lương mà tự nuôi bản thân, còn anh chỉ nuôi con thôi”. Trước khi sinh, con dâu bà Dậu cũng đi làm nhưng đến tháng thứ 6 bị động thai nên xin nghỉ hẳn để ở nhà tĩnh dưỡng.

Bà Dậu biết, do tính con dâu lo xa nên khi nghỉ cũng đã tích cóp được một khoản tiền để trang trải cuộc sống trong thời gian ở nhà và dự định sau khi con cứng cáp sẽ tiếp tục đi làm. Bởi thế, bà Dậu thấy ngạc nhiên với tuyên bố của con trai mình vì bà biết số tiền lương của con trai bà hiện nay thừa sức nuôi con, nuôi vợ và tận hưởng cuộc sống an nhàn vì lương con rất cao và gia đình bà cũng không yêu cầu con đóng góp gì.

Thế nhưng, theo lời con dâu kể, mỗi tháng con trai bà chỉ đưa cho con dâu 2 triệu tiền ăn cho cả nhà, còn các khoản chi dùng cho con đều tự mình đi sắm hết. Thời buổi đi chợ như mất cắp này, số tiền 2 triệu dè xẻn chỉ trong nửa tháng là hết, khi con dâu kêu ca thì con trai bà cau mày nhấm nhẳng với vợ: “Tiêu gì mà nhanh thế?”.

Tối đó đợi con trai về, bà Dậu nhẹ nhàng hỏi con trai về chuyện tiền nong hàng tháng và chi tiêu như thế nào. Bà không quên kể lể nỗi vất vả của một người vợ, người mẹ phải lo lắng cho chồng con, biết bao khoản phải chi tiêu mà người đàn ông không để ý.

Đoán được ý mẹ, con trai bà phản ứng lại: “Mẹ ạ, con và vợ con đều là người lớn cả, đều có tay làm, mồm ăn nên tự nuôi được bản thân. Sao con lại phải nuôi cô ấy, con chỉ nuôi con con thôi và đóng góp tiền chi tiêu phần con thôi. Thế là hợp lý rồi, mẹ đừng nghe vợ con nói sàm”. Vốn là người quen nếp sống xưa, bà Dậu chết sững vì cách “tính toán” của con trai mình với gia đình.

Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

Có câu ví von rằng: Gia đình như con thuyền đi trên biển cả, vợ và chồng là hai người cầm lái sao cho con thuyền luôn cân bằng và thẳng tiến vượt qua sóng dữ cuộc đời. Một trong những yếu đó để “con thuyền luôn cân bằng và thẳng tiến” là cả vợ và chồng đều phải có trách nhiệm với vấn đề nhu cầu thiếu yếu của gia đình, dù rằng khả năng về kinh tế của mỗi người có khác nhau.

Tuy nhiên, từ xưa đến nay, trách nhiệm đó của vợ chồng chưa hề được đề cập tới tromh luật dù rằng Việt Nam đã trải qua 3 “đời” Luật Hôn nhân – Gia đình vào các năm 1959, 1986, 2000.

Khác với những lần trước, Luật HN-GĐ năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015) quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, Điều 29 quy định: “Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”; Điều 30 quy định: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên”.

Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật (có hiệu lực từ 15/2/2015) trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia…

Như vậy, quy định mới của pháp luật hôn nhân gia đình cho thấy, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của vợ chồng với nhu cầu thiết yếu của gia đình đã được điều chỉnh. Có nghĩa rằng từ nay, những ông chồng/bà vợ nào mà cố tình quên nói, quên làm: “Cho anh/em gánh vác việc gia đình với!” chắc chắn sẽ bị luật sờ gáy.

 (Theo PLO)