Ngày 14/10, chị Trần Thị Thơm (30 tuổi, trú tại Kim Bảng, Hà Nam) đưa con tới Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) thăm khám chuyên gia chỉnh hình nhi. Bé D.T.Đ.N (3 tuổi) bị dị tật cả tay và chân.
Trong suốt thai kỳ, chị Thơm có sức khỏe ổn định, siêu âm kiểm tra định kỳ không có bất thường. Ngày con chào đời, gia đình đã sốc khi nhìn thấy trẻ dị tật toàn bộ bàn tay và bàn chân.
“Khi con được bác sĩ bế lên, tôi thấy tay chân bé không rõ ngón. Tôi rất sốc, không thể ngờ rằng con bị dị tật nặng như vậy. Nằm trên bàn đẻ, tôi chỉ biết khóc”, chị Thơm nhớ lại.
Bàn tay của N. chỉ có 2 ngón út. Bàn chân xẻ hình chữ V, chỉ có ngón cái và ngón út bình thường khiến bé không thể xỏ dép. Vào mùa đông, em cũng gặp khó khăn khi đi tất.
Dị tật cả tay và chân nhưng N. vẫn khỏe mạnh, ít ốm vặt. Hằng ngày, bé tự ăn, học cách cầm đồ vật. Ở lớp, N. cố gắng đi lại dù bước còn nhiều khó khăn.
“Tháng 4, tôi đưa con tới đây khám, bác sĩ hẹn chờ dịp có chuyên gia nước ngoài tới đánh giá việc phẫu thuật cho trẻ. Gia đình tôi chỉ mong bác sĩ giúp con có thể đi dép”, người mẹ mong mỏi.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình chi trên và chi dưới, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, việc điều trị các dị tật bẩm sinh vẫn là thách thức lớn. Nhiều trẻ đến viện trong tình trạng dị tật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và cuộc sống của các em.
Bác sĩ Đức cho biết sàng lọc sớm và can thiệp kịp thời là yếu tố then chốt trong điều trị các dị tật phức tạp. Tuy nhiên, việc điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay, các biến dạng chi trên và các dị tật cơ xương khớp khác không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn yêu cầu sự tỉ mỉ và am hiểu sâu về giải phẫu.
Trong tháng 10, các bác sĩ Tây Ban Nha, Mỹ và Trung Quốc sẽ tham gia tư vấn, hội chẩn và phẫu thuật các ca bệnh khó tại bệnh viện. Các bệnh lý được khám và phẫu thuật như liệt đám rối thần kinh cánh tay, khớp giả xương chày bẩm sinh và đặc biệt là nhóm bệnh cứng đa khớp bẩm sinh.