“Một người bệnh tan máu bẩm sinh đang mang trong mình mầm sống bé nhỏ. Tình trạng thiếu máu ngày càng nặng, đe dọa sức khỏe của mẹ và đặc biệt là sự sống của thai nhi.
Chúng ta có thể phòng ngừa dịch Covid-19 bằng cách tự bảo vệ bản thân. Nhưng người mẹ này không thể bảo vệ con và chính mình nếu như không có máu!”.
Bài viết này được đăng tải trên Fanpage của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ngày 14/3. Thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, người dân rất hoang mang, lo lắng. Các điểm hiến máu vắng lặng, ngân hàng máu cạn kiệt. Rất nhiều bệnh nhân chờ máu trong vô vọng.
“Em muốn hiến máu tặng chị”, “Ngày 28/3 này em đủ điều kiện hiến máu, em chắc chắn có mặt tại viện”, “Tôi ở Bắc Giang, muốn hiến thì khu vực nào gần nhất?”, “Mình mới sinh 2 tháng có đi hiến máu được không?”…
Hàng trăm bình luận ngỏ ý được giúp đỡ. Hơn 700 lượt người chia sẻ, cùng kêu gọi. Thai phụ sau đó đã may mắn có đủ máu truyền, sức khỏe của mẹ và bé đều được đảm bảo. Những người chị Tân không biết tên, không biết mặt ấy chính là ân nhân mà mẹ con chị suốt đời mang ơn.
Chị Nguyễn Thị Minh Tân khi mang bầu tháng thứ 5. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Chị Nguyễn Thị Minh Tân, sinh năm 1986, trú tại Tam Điệp, Ninh Bình là nhân vật chính trong bài kêu gọi nói trên. Chị Tân là bệnh nhân tan máu bẩm sinh, thời điểm ấy đang mang bầu tháng thứ 6. Để đảm bảo sự phát triển của thai nhi, mỗi tháng, chị phải truyền từ 4 đến 5 đơn vị máu (tương đương 1,2 lít).
Khi thai được 4 tháng, chị Tân nhận thông báo bệnh viện không còn máu dự trữ cho nhóm O của mình. Nhờ tất cả người thân, bạn bè giúp đỡ, chị cầm cự thêm được 2 tháng. Tới tháng 6 của thai kỳ, chị Tân chỉ có thể chờ đợi nguồn máu hiến từ cộng đồng khi mọi mối quan hệ quen biết đều đã nhờ cậy.
Nhiều ngày không được truyền máu, cơ thể người mẹ trẻ rệu rã tới nỗi không thể bước đi.
“Lúc nào tay chân cũng run rẩy, nói chuyện một chút lại thấy hụt hơi, kiệt sức, đến thở cũng thấy mệt mỏi. Giai đoạn ấy, tôi hầu như chỉ có thể nằm một chỗ”, chị Tân tâm sự. Bác sĩ cho biết, nếu mẹ không được truyền máu, em bé sẽ không thể phát triển và sống sót.
Thời điểm tưởng như tuyệt vọng nhất, chị Tân đã nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Người mẹ trẻ cho biết, chị rất xúc động và bất ngờ trước tình cảm từ những người xa lạ.
Số máu được hiến tặng sau đó đã giúp chị an toàn vượt qua những tháng tiếp theo của thai kỳ và cứu sống rất nhiều sản phụ, bệnh nhân cần máu khác.
11h trưa ngày 2/6, bé trai kháu khỉnh khỏe mạnh chào đời trong niềm hạnh phúc vô cùng của vợ chồng chị Tân. Trước và sau ca mổ lấy thai, chị Tân được truyền máu để đảm bảo an toàn. Em bé đã được khám sàng lọc, không mang các gen bệnh.
Chị Tân chia sẻ, từ khi biết tin mang thai, chị vừa mừng, vừa lo lắng vì đã lớn tuổi lại đang mang bệnh. Chị mắc tan máu bẩm sinh thể trung bình, thông thường cần lên viện 2 tháng một lần để truyền máu, thải sắt. Tuy nhiên khi có bầu, sức khỏe yếu hơn, chị phải đều đặn lên viện 1 tháng một lần.
Suốt quá trình mang thai với vô vàn khó khăn, khoảnh khắc con cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng chị Tân đều không kìm được nước mắt.
Hiện tại, em bé đã được hơn 1 tháng, rất ngoan và đáng yêu. Sức khỏe của mẹ và bé đều rất tốt.
Em bé chào đời khỏe mạnh là niềm vui rất lớn cho vợ chồng chị Tân |
Chị Tân biết mình mắc bệnh tan máu bẩm sinh năm 2013. Trước đó, từ nhỏ, chị đã luôn thấy cơ thể yếu ớt, da xanh xao, không làm được việc nặng. Thậm chí, việc đi bộ cũng làm chị hụt hơi, mất sức rất nhiều. Khám tại bệnh viện địa phương, chị Tân được chẩn đoán thiếu máu, phải bổ sung thêm sắt.
Tới năm 2013, 2 năm sau khi sinh bé đầu tiên, các triệu chứng ngày càng nặng. Chị Tân đột ngột sụt tới 12 kg, yếu tới nỗi không thể tự làm những việc đơn giản nhất như quét nhà hay rửa bát. Tới khám tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chị mới biết rõ về bệnh tình của mình.
“Ban đầu, tôi không chấp nhận sự thật là mình có bệnh, không chịu uống thuốc, cơ thể cứ thế càng rệu rã. Đến một ngày, ngồi trong nhà và nhìn thấy mọi người đi lại, trẻ con chạy nhảy, cười đùa, tôi mới nhận ra mình chỉ đang tồn tại chứ không sống. Tôi cần thay đổi, vì bản thân và gia đình mình”, chị Tân tâm sự.
Từ đó, chị cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, quyết tâm ăn uống, tập thể dục thật nhiều. Sau mỗi đợt truyền máu, thải sắt, chị lại thấy cơ thể như được “hồi sinh”.
Ôm đứa con bé bỏng trong vòng tay, chị Tân chia sẻ, chị vừa có thêm một động lực lớn nữa để chiến đấu với bệnh tật.
“Có được ngày hôm nay, tôi rất biết ơn các bác sĩ và cộng đồng đã giúp đỡ mẹ con tôi. Con mang dòng máu của bố, của mẹ, nhưng cũng mang dòng máu của cả những tấm lòng nhân ái trong đại dịch Covid-19. Con được sống là nhờ mọi người”, chị Tân nói.
Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là nhóm bệnh gây tan máu thường xuyên dẫn đến thiếu máu mạn tính. Thalassemia được truyền từ cha mẹ sang con theo cơ chế di truyền lặn, trẻ sinh ra mắc bệnh chỉ khi cả bố và mẹ là người mang gen bệnh. Như vậy, người mang gen Thalassemia hoàn toàn có thể sinh ra con khỏe mạnh nếu kết hôn với người không mang gen. Bệnh Thalassemia có ba mức độ nặng, trung bình và nhẹ. Trong đó, thể nặng biểu hiện rõ nhất ở tháng thứ 4-6 của trẻ và ngày càng nặng hơn với tình trạng thiếu máu trầm trọng, da và củng mạc mắt vàng, lách to, chậm phát triển thể chất... Theo thống kê của Liên đoàn Thalassemia Thế giới, Việt Nam có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh (10% dân số) và mỗi năm có thêm 2.000 trẻ mới sinh ra mắc bệnh. |
Nguyễn Liên
Nghị lực của người phụ nữ 11 năm ung thư máu, 2 lần bị trả về
11 năm mắc trọng bệnh, chị Thắm đã không ít lần trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh. Thế nhưng, chị vẫn luôn sống tích cực, mạnh mẽ và có khát khao lan tỏa tình yêu thương.