Hai người giàu nhất hành tinh tiếp tục tranh cãi liên quan tới các dự án vệ tinh Internet mà mình đang phát triển. Hôm 26/1, CEO Elon Musk của SpaceX đăng đàn trên Twitter, trong khi công ty của mình thuyết phục các quan chức Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) cho phép chuyển một số vệ tinh Startlink xuống thấp hơn kế hoạch ban đầu. Musk khẳng định “kìm hãm Startlink ngày nay, vì hệ thống vệ tinh Amazon còn vài năm nữa mới vận hành” không có lợi cho công chúng.
Elon Musk và Jeff Bezos - 2 tỷ phú giàu nhất thế giới tranh cãi về “bất động sản” vũ trụ |
Đáp lại, Amazon trả lời trên CNBC: “Sự thật rất đơn giản. Chúng tôi thiết kế Kuiper System để tránh xen vào Startlink và nay SpaceX lại muốn thay đổi thiết kế hệ thống của họ. Những thay đổi ấy không chỉ tạo ra môi trường nguy hiểm cho các vụ va chạm trong không gian mà còn tăng khả năng can nhiễu tần số vô tuyến cho khách hàng. Dù SpaceX đăng gì trên Twitter, đề xuất thay đổi của SpaceX mới là thứ cản trở cạnh tranh giữa các hệ thống vệ tinh. Rõ ràng mong muốn của SpaceX là bóp chết cạnh tranh ngay từ trong nôi nếu có thể, song chắc chắn nó không phải là mong muốn của công chúng”.
Starlink là kế hoạch xây dựng mạng lưới Internet siêu kết nối của SpaceX với sự tham gia của khoảng 12.000 vệ tinh, được thiết kế nhằm cung cấp Internet tốc độ cao đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Với hơn 1.000 vệ tinh đã phóng lên quỹ đạo, SpaceX bắt đầu chương trình thử nghiệm từ tháng 10/2020. Giá dịch vụ ban đầu là 99 USD/tháng, chưa bao gồm 499 USD mua đứt bộ Starlink Kit, bao gồm một bộ định tuyến Wi-Fi và thiết bị đầu cuối để kết nối với vệ tinh.
Trong khi đó, Amazon cũng phát triển hệ thống Internet vệ tinh có tên Project Kuiper. Công ty dự định phóng 3.236 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái đất (cách mặt đất 590km). Hệ thống này sẽ cạnh tranh với Starlink. Tuy nhiên, Amazon vẫn chưa sản xuất hay phóng vệ tinh. Tháng 7/2020, FCC phê duyệt dự án Kuiper của Amazon.
Tháng 12/2020, đại diện Amazon thảo luận với Chủ tịch FCC Ajit Pai về yêu cầu thay đổi kế hoạch Starlink. Amazon đề nghị FCC giới hạn vệ tinh của SpaceX ở độ cao tối thiểu 580km cho đến khi nhà chức trách đánh giá đầy đủ nguy cơ can thiệp nếu thay đổi.
Vì vậy, đề xuất đưa gần 3.000 vệ tinh xuống độ cao từ 540 đến 570km của SpaceX bị Amazon xem là quá gần. Tuy nhiên, Giám đốc chính sách vệ tinh SpaceX David Goldman cho rằng, Amazon chỉ đang đưa ra kết luận dựa trên những dữ liệu mà họ quan tâm, không nhìn tới bức tranh tổng thể mà SpaceX đưa ra.
Về phần mình, SpaceX xem đề xuất thay đổi với hệ thống Starlink như một cách tốt hơn để quản lý “giao thông” và các vụ va chạm trong không gian. Vệ tinh và tên lửa giá rẻ dẫn tới số lượng vật thể đưa vào quỹ đạo tăng vọt, phần lớn là do các công ty như Amazon và SpaceX muốn triển khai hàng ngàn vệ tinh vào quỹ đạo dưới 2.000km vốn là khu vực đông đúc nhất.
Đưa vệ tinh xuống quỹ đạo thấp hơn được xem là thực hành tốt nhất, vì nếu vệ tinh hỏng, lực hấp dẫn của Trái đất sẽ kéo nó ra khỏi quỹ đạo nhanh hơn, tránh các vệ tinh khác. Vệ tinh trục trặc ở độ cao cao hơn có thể trở thành vũ khí lơ lửng trong quỹ đạo hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ. Chẳng hạn, một vệ tinh liên lạc hỏng của Nga va chạm với vệ tinh của hãng viễn thông Mỹ Iridium năm 2009 ở độ cao 789km, tạo ra một trường mảnh vỡ khổng lồ, là mối đe dọa với các vệ tinh lân cận.
Vệ tinh Internet là dự án đầy tham vọng của cả SpaceX lẫn Amazon, tốn khoảng 10 tỷ USD xây dựng. Dù vậy, SpaceX ước tính Startlink có thể mang về 30 tỷ USD/năm, gấp hơn 10 lần doanh thu thường niên của kinh doanh tên lửa. Đầu tháng này, SpaceX mở rộng chương trình thử nghiệm sang Anh và Canada. Công ty mong muốn mở rộng trên thị trường quốc tế và đã đăng ký tại Áo, Australia, Argentina, Brazil, Pháp, Chile, Colombia, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italy, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Philippines, Nam Phi và Tây Ban Nha.
Du Lam (Theo CNBC, CNN)
Amazon tham vọng lật đổ đế chế 'vũ trụ Internet' của Elon Musk
Quyết định gia nhập vào cuộc đua Internet vệ tinh của Amazon đã thổi bùng cuộc chiến khốc liệt với gã khổng lồ công nghệ của Elon Musk.