Thông tin trên được tiết lộ trong cuốn sách mới được xuất bản gần đây, với tiêu đề "Liftoff" của Eric Berger, biên tập viên cao cấp của trang công nghệ Ars Technica. Trong cuốn sách của mình, Eri Berger đã kể lại những câu chuyện chưa từng được biết đến về SpaceX, công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk thành lập vào năm 2002.
Theo đó, vào năm 2005, các kỹ sư tên lửa của SpaceX đã phải sống và làm việc trên hòn đảo Omelek, thuộc quần đảo Marshall, nằm ngoài khơi Thái Bình Dương, để xây dựng bệ phóng và tên lửa Falcon 1, thế hệ tên lửa đầu tiên của SpaceX.
Sở dĩ SpaceX lựa chọn hòn đảo này vì nơi đây không chịu sự kiểm soát của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, vốn gây nhiều khó khăn cho SpaceX khi công ty hoạt động tại bang California. Ngoài ra, hòn đảo Omelek nằm gần xích đạo, sẽ giúp tên lửa bay lên quỹ đạo được dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, trong năm đầu tiên trên đảo, khâu hậu cần của SpaceX rất kém. Việc giao hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết từ đất liền đến đảo thường bị trì hoãn và đôi khi các kỹ sư phải nhịn đói nhiều ngày vì không có thức ăn.
Một ngày mùa thu năm 2005, căng thẳng đã bùng lên thành một cuộc nổi loạn. Các kỹ sư của SpaceX đã đình công, không làm việc vì thiếu các nhu yếu phẩm và thức ăn. Sự giận dữ của các kỹ sư này chỉ được dập tắt sau khi hàng hóa gồm cánh gà và thuốc lá được đưa đến.
Giọt nước làm tràn ly
Trên thực tế, việc thiếu thức ăn và nhu yếu phẩm chỉ là "giọt nước làm tràn ly" cho cuộc nổi loạn của các kỹ sư SpaceX. Bulent Altan, một kỹ sư của SpaceX làm việc trên hòn đảo Omelek khi cuộc nổi loạn diễn ra, chia sẻ với Eric Berger rằng "chúng tôi có cảm giác như mình là nô lệ ở trên hòn đảo đó, với tất cả quyền hạn bị tước đoạt".
Vào ngày xảy ra cuộc nổi loạn, các nhà quản lý của SpaceX đã mắng mỏ các kỹ sư làm việc trên Omelek vì không ghi chú đầy đủ quá trình làm việc. Berger cho biết các kỹ sư của SpaceX vẫn làm đúng việc của mình, nhưng dường như chừng đó là vẫn chưa đủ để các nhà quản lý SpaceX cảm thấy hài lòng.
Cũng vào ngày hôm đó, theo kế hoạch, một con tàu sẽ cập bến đảo Omelek để cung cấp thực phẩm, bia và thuốc lá cho các kỹ sư SpaceX. Tuy nhiên, con tàu đã không xuất hiện như dự kiến và đó là giọt nước làm tràn ly, khiến các kỹ sư quyết định nổi loạn.
"Chúng tôi đã chờ đợi suốt ngày đêm", Jeremy Hollman, kỹ sư dẫn đầu nhóm làm việc tại Omelek, chia sẻ với Eric Berger. "Tại thời điểm đó, mọi người đều phát chán và quyết định rằng chúng tôi cần phải tìm cách để họ biết rằng chúng tôi cũng là một phần của công ty".
Hollman sau đó đã gọi điện cho Tim Buzza, giám đốc của SpaceX, và giải thích rằng các thành viên trong nhóm tại đảo Omelek sẽ không làm việc cho đến khi họ nhận được thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết. Hollman thông báo rằng các kỹ sư của SpaceX đã quyết định đình công.
"Chúng tôi giống như những con động vật hoang dã, chờ đợi thức ăn", Ed Thomas, Giám đốc kỹ thuật của SpaceX trên đảo Omelek vào thời điểm đó, cho biết.
Buzza nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, vì vậy ông đã quyết định thuê một chiếc trực thăng của quân đội để mang thức ăn và thuốc lá đến Omelek ngay trong đêm.
Kế hoạch ban đầu của Buzza đó là để trực thăng hạ cánh và cung cấp thực phẩm cho các kỹ sư. Tuy nhiên, phi công lái chiếc trực thăng từ chối hạ cánh vì cho rằng bãi đậu trên đảo không đủ an toàn. Buzza sau đó đã phải hứa mua tặng cho phi công một ít đồ uống, người này mới đồng ý hạ thấp độ cao máy bay và thả đồ tiếp tế ra khỏi cửa trực thăng.
Với đồ ăn và thức uống được tiếp tế, các kỹ sư của SpaceX đã chấp nhận quay trở lại làm việc.
SpaceX sau đó đã thử phóng tên lửa đầu tiên của mình từ bệ phóng tại đảo Omelek vào mùa thu năm 2005, tuy nhiên, vụ phóng thất bại, tên lửa đã bốc cháy sau khi rời bệ phóng và rơi xuống biển.
Để khích lệ tinh thần của nhân viên, Elon Musk đã thuê một chiếc máy bay Boeing 727 của tập đoàn Zero-G cho khoảng 30 kỹ sư đang làm việc tại đảo Omelek, giúp họ trải nghiệm cảm giác không trọng lực, tương tự như cảm giác của các phi hành gia ngoài không gian.
Elon Musk sau đó cũng đã cho xây dựng một khu hậu cần, với đầy đủ đồ ăn, bia và các nhu yếu phẩm cần thiết ngay trên đảo Omelek. Điều này đã khích lệ rất nhiều tinh thần cống hiến của các kỹ sư làm việc trên đảo.
Đến tháng 9/2008, lần phóng tên lửa thứ 4 từ bệ phóng trên đảo Omelek đã đạt được thành công khi đưa tên lửa Falcon 1 của SpaceX bay vào quỹ đạo trái đất.
Hiện tại, SpaceX không còn tiếp tục sử dụng đảo Omelek để thử nghiệm tên lửa. SpaceX hiện đang thử nghiệm các nguyên mẫu tên lửa mới của mình tại trụ sở ở Boca Chica (bang Texas).
(Theo Dân Trí Insider/DTrends)
Indonesia muốn trở thành nơi phóng tên lửa mới của SpaceX
Ngoài việc hợp tác phát triển pin năng lượng, Indonesia hy vọng sẽ là nơi phóng SpaceX, thuộc sở hữu của Elon Musk.