Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X hôm 11/9, ông Musk nhấn mạnh: “Tôi là công dân Mỹ và chỉ có hộ chiếu đó. Cho dù có chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ chiến đấu và chết ở Mỹ. Quốc hội Mỹ chưa tuyên chiến với Nga. Nếu có ai đó phản quốc, thì đấy chính là những người đã gọi tôi như vậy. Xin hãy nói với họ điều này thật rõ ràng”.
Tranh cãi bắt nguồn từ nội dung của một cuốn sách tiểu sử mới về ông Musk, trong đó tác giả Walter Isaacson viết, tỷ phú Mỹ năm ngoái từng bí mật ra lệnh ngắt mạng liên lạc vệ tinh Starlink để ngăn chặn một cuộc tập kích bằng UAV của Ukraine vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crưm.
Khi thông tin được hé lộ tuần trước, các phương tiện truyền thông Mỹ cáo buộc ông Musk là "kẻ phản bội", trong khi một trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích doanh nhân này “làm điều ác và khuyến khích cái ác”.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn CNN hôm 10/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từ chối lên án ông Musk, đồng thời chỉ ra rằng hệ thống Starlink đã trở thành một công cụ quan trọng giúp Ukraine phòng thủ.
Đài RT thống kê, ông Musk, giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla và cũng là người sáng lập công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX, đã cho Kiev sử dụng miễn phí hơn 20.000 thiết bị đầu - cuối Starlink sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này cuối tháng 2/2022. Mục đích của ông là giúp người Ukraine không bị mất khả năng truy cập Internet và liên lạc trong bối cảnh xung đột.
Song, ông Musk cũng bày tỏ lo ngại về việc hệ thống bị sử dụng cho mục đích tấn công và có khả năng góp phần gây ra xung đột rộng hơn. Do đó, ông từ chối yêu cầu của Kiev về việc mở rộng phạm vi phủ sóng Starlink tới tận thành phố Sevastopol ở tây nam Crưm, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014.