Theo Insider, SpaceX đã chi 250.000 USD cho một nữ tiếp viên hàng không để giữ im lặng về hành vi quấy rối tình dục của Elon Musk vào năm 2018. Theo đó, nữ tiếp viên hàng không, từng làm việc trong phi hành đoàn của đội bay SpaceX, cáo buộc Musk có hành vi động chạm cơ thể không đúng mực, đồng thời đề nghị “tặng 1 con ngựa” nếu nhân viên này thực hiện “mát-xa kích dục”.
Ngay lập tức, Elon Musk đã đáp trả rằng “còn rất nhiều điều về câu chuyện này” nhưng không đi sâu vào chi tiết và cho rằng những lời tố cáo là “hoàn toàn không đúng sự thật”. Ông cũng cho rằng đây là một cáo buộc mang động cơ chính trị.
Liệu cáo buộc này có ảnh hưởng đến việc tiếp quản Twitter của Elon Musk?
Trên thực tế, hội đồng quản trị của Twitter có thể thay đổi quan điểm của mình về thỏa thuận bằng cách viện dẫn những cáo buộc quấy rối tình dục này.
Cụ thể, hội đồng quản trị sẽ nhấn mạnh điều khoản “Sự kiện can thiệp”, về cơ bản liên quan đến những scandal phát sinh bất ngờ sau khi thỏa thuận được ký kết.
Hoặc họ có thể sử dụng điều khoản được gọi là “Tác động bất lợi” có nghĩa nếu bên mua lại (trong trường hợp này là Musk) đã che giấu một sự thật có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chốt giao dịch, người bán (Twitter) có thể đơn phương từ bỏ thỏa thuận.
Matteo Gatti, giáo sư luật của Đại học Rutgers, chuyên về kiện tụng doanh nghiệp, cho biết: “Hội đồng quản trị có thể thay đổi đề xuất của mình. Họ sẽ cân nhắc tầm quan trọng của cáo buộc để tối đa hóa giá trị cổ đông trong thương vụ mua bán. Nhưng cũng có thể họ có thể sẽ không làm điều này vì Twitter chưa nhận được lời đề nghị mua lại công ty nào với mức giá tốt như Elon Musk đề nghị. Hơn nữa, nếu hội đồng quản trị làm như vậy, họ sẽ phải trả cho Musk khoản phí chia tay trị giá 1 tỷ USD”.
Tuy nhiên, cáo buộc lần này có thể ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu của cổ đông về vấn đề sáp nhập sẽ diễn ra ngày 25/5. Nếu cáo buộc nhận được quá nhiều sự phẫn nộ, các cổ đông có thể sẽ từ chối thỏa thuận, ngay cả khi hội đồng quản trị không thay đổi đề xuất của mình.
Mới đây, Musk đã xác nhận rằng ông sẽ không thực hiện thỏa thuận với mức đề nghị ban đầu là 54,2 USD/cổ phiếu, đồng thời nhấn mạnh rằng Twitter đã gian dối khi nói rằng các tài khoản giả mạo hoặc spam chiếm dưới 5% số người dùng trên nền tảng. Twitter phủ nhận điều này và nói rằng công ty sẽ không thương lượng lại, vì vậy có vẻ như tình hình đang trở nên ngày càng căng thẳng và sẽ phải cần luật pháp can thiệp. Twitter sẽ có thể kiện Musk bằng cách cho rằng tỷ phú đang vi phạm điều khoản “hiệu suất cụ thể” trong thỏa thuận sáp nhập bằng cách bỏ đi mức giá 54,2 USD đã thỏa thuận một cách vô cớ.
Tuy nhiên, kiện tụng thường mất nhiều thời gian có thể kéo dài từ 3-4 năm. Twitter là một công ty đại chúng và các cổ đông của công ty thường không kiên nhẫn, chắc chắn họ sẽ không đợi tòa án quyết định tương lai của công ty trong vòng nhiều năm khi nó có nguy cơ tan rã trong tình trạng lấp lửng. Hơn nữa, Twitter đã từng là một doanh nghiệp gặp khó khăn trước khi Musk xuất hiện, chỉ đạt được lợi nhuận thấp và tăng trưởng doanh thu yếu trong suốt 16 năm. Đó là lý do tại sao Twitter được cho là “quá hời” khi nhận được mức giá Elon Musk đưa ra.
Trong khi đó, Musk sẽ không bị áp lực bởi những yêu cầu khắc nghiệt về thời gian. Tỷ phú có thể chờ đợi trên Twitter, có thể bỏ đi hoàn toàn hoặc đưa ra một mức giá thỏa thuận được thương lượng lại.
Mark Williamson, một luật sư trong lĩnh vực sáp nhập và mua lại tại Lathrop GRP cho biết: “Tôi nghĩ rằng sẽ có một số trở ngại và cuối cùng các bên sẽ cùng nhau sửa đổi thỏa thuận. Rất có thể hội đồng quản trị và các cổ đông của Twitter chọn phớt lờ những cáo buộc về hành vi sai trái khi cân nhắc việc bán công ty cho Musk nhưng vẫn không đạt được những gì họ muốn”.
Hương Dung (Theo Forbes)