Xu hướng 5G và thách thức chính với các nhà mạng Việt
5G, thế hệ công nghệ di động tiếp theo sẽ kết nối không chỉ con người mà còn cả mọi thứ trong một mạng lưới rộng lớn, nơi lượng lớn dữ liệu thời gian thực được trao đổi gần như ngay lập tức: Internet Vạn vật (IoT). Theo các đánh giá, 5G có thể đóng góp tới 12,3 nghìn tỷ USD vào sản lượng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.
Trong ngành viễn thông, sự phát triển của mạng di động từ 4G lên 5G hứa hẹn sẽ tạo ra bước nhảy vọt về hiệu năng mạng. Khi so sánh với các mạng 4G LTE hiện nay, các mục tiêu giàu kỳ vọng của mạng 5G được quảng cáo bao gồm mức độ cải thiện theo cấp số nhân về mặt dung lượng, độ trễ và các thiết bị kết nối, chủ yếu là thiết bị IoT.
Tại Việt Nam, các nhà mạng đang nhanh chóng thử nghiệm và chuẩn bị kịch bản chuyển đổi hạ tầng bắt kịp xu hướng 5G. Tuy nhiên, các nhà mạng Việt cũng cần đối mặt với những thách thức chung. Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng khi triển khai xây dựng mạng 5G. Hầu hết trạm di động hiện nay đều đã được lắp đặt rất nhiều thiết bị 2G, 3G, 4G nên không đủ không gian để lắp đặt 5G và các hạ tầng, như nguồn điện, ăng-ten cần phải nâng cấp để đáp ứng yêu cầu cho mạng 5G. Do đó sẽ dễ phát sinh chi phí lớn.
Thứ hai là thời gian triển khai cung cấp dịch vụ, các nhà mạng ra sau sẽ bị thiệt thòi hơn và đánh mất thị phần. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian triển khai cung cấp dịch vụ. Các nhà mạng nên lựa chọn chiến lược phù hợp để rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường.
Thứ ba là khả năng tối ưu hóa chi phí để tăng hiệu quả đầu tư. Bởi chi phí thiết bị mạng 5G cao và yêu cầu triển khai số lượng trạm lớn, nên chi phí thiết bị và vận hành mạng sẽ rất lớn.
Giải pháp nào cho các nhà mạng trong truyền dẫn 5G?
Tại hội thảo, ông Dương Xuân Trường - Giám đốc Ciena Việt Nam đã chia sẻ thiết bị truyền dẫn 5G xHaul thế hệ mới của Ciena sẽ mang đến giải pháp tối ưu cho mạng truyền tải 5G với các kết nối Fronthaul, Midhaul, Backhaul, đồng thời đáp ứng những yêu cầu về kiến trúc mới cho mạng di động 5G nhằm cung cấp những dịch vụ băng thông cao với độ trễ cực thấp.
Giải pháp này sẽ giúp triển khai và vận hành mạng 5G một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng việc triển khai các dịch vụ hiện đại trên mạng 5G như eMBB, URLLC và mMTC.
Bên cạnh đó, Ciena đã giới thiệu các giải pháp toàn diện bao gồm: 5G xHaul Transport, Network Slicing, Coherent Optics, Ciena MCP, Ciena Adaptive IP Apps, giải pháp Universal Access với XGS PON nhằm hỗ trợ triển khai và vận hành một mạng 5G hội tụ và đơn giản hơn, giảm thiểu chi phí đầu tư và vận hành cho các nhà mạng.
Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm kết nối và mang lại giá trị cho đối tác - khách hàng của Elcom và Ciena. Sự kiện đã giúp cho khách tham dự có một cái nhìn chi tiết về thách thức cần đối mặt trong chuyển đổi hạ tầng đáp ứng truyền dẫn 5G cũng như tham khảo thêm giải pháp kỹ thuật từ Ciena.
Với kinh nghiệm hơn 27 năm cung cấp hạ tầng cho các tập đoàn viễn thông lớn tại Việt Nam, đại diện Elcom cũng chia sẻ thêm đơn vị sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với Ciena, đồng hành cùng các nhà mạng. Từ đó góp phần nhanh chóng đưa 5G thương mại hoá tại Việt Nam, giúp người dân tiếp cận những trải nghiệm số hiện đại nhất và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Quỳnh Anh