Người dân tộc Dao đỏ Khuổng Tẳng (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) sống ở thẳm sâu nơi đại ngàn thâm u vẫn luôn tự hào về một loài vật tồn tại ở đây từ hàng ngàn năm. Chúng “thống trị” bằng sức mạnh của âm thanh và mùi hương quyến rũ. Đó là loài ếch hương Mẫu Sơn hay còn gọi bằng tên gọi khác là ếch đại gia, ếch vương, ếch công nương…
Mùa sinh sản của ếch hương vào khoảng tháng 5, tháng 6. Tới khoảng tháng 10, tháng 11 là thời điểm ếch đạt trọng lượng và chất lượng cao nhất. Tại các tỉnh miền Bắc, chỉ duy nhất tại Lạng Sơn người ta mới tìm thấy giống ếch này.
Ếch "đại gia" có dáng vẻ bệ vệ oai phong, to con, dáng đậm hơn và rắn chắc gấp bội ếch thường. |
Cơ thể loài ếch hương tỏa ra một mùi hương đặc trưng và rất lạ. Nguời dân tộc Dao đỏ thường tự hào mà nói rằng thực khách khi ăn một miếng thịt ếch này sẽ có cảm giác giống như da thịt của một công nương cổ xưa, nồng nàn và dịu, hương vị ngây ngất, rất dễ khiến con người ta say đắm.
Ếch đại gia mang màu da đậm nâu của đá pha lẫn với màu cánh gián. Con đực có gai ở cổ dưới. Nhiều người cho rằng, đấy là vương miện bị đeo lệch từ trên đầu xuống dưới của loài ếch này. Đặc biệt, chỉ cần chạm nhẹ vào lớp gai, ếch sẽ tự khoanh tay lại. Cặp đùi của ếch hương lớn hơn hẳn ếch đồng và to như đùi gà ri.
Xưa, ếch hương là đặc sản dùng cống nạp lên vua chúa, chỉ những phần thừa sau đợt cống nạp người dân mới được phép ăn nên người ta còn gọi là ếch tiến vua. Ngày nay, ếch hương vẫn là món ăn quý hiếm nên người địa phương thường chỉ sử dụng trong những dịp lễ lạt trọng đại hoặc dành đãi khách quý.
Ếch hương xưa kia là món ăn để dâng lên vua chúa. |
Ếch đại gia Mẫu Sơn được người dân tộc Dao đỏ đặt tên là Tồng Keng (theo tiếng người Dao đỏ tức là ếch lớn). Chúng thường sinh sống trong các hang đá ở cao nguyên núi cao, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn thường là cào cào, châu chấu, sâu bọ và thậm chí cả rắn và loài rết chúa- loại rết to bằng ngón tay cái hoặc ngón chân cái, có chiều dài từ khoảng 20 đến gần 30cm…
Dụng cụ bắt ếch của người dân tộc Dao đỏ chỉ cần duy nhất một chiếc thuổng nhỏ. Theo kinh nghiệm của người dân, săn ếch ban ngày thì tìm trong mấy khe đá hoặc mấy hốc đất, hễ chỗ nào nghi có ếch thì đào. Còn nếu săn ếch vào ban đêm thì cần trang bị thêm một cái đèn pin hoặc bó đuốc để soi. Tuy nhiên, hiệu quả nhất vẫn là săn ếch về đêm. Lúc đó, ếch ra khỏi hang đá đi kiếm ăn, chúng ngồi trên những mỏm đá, mô đất bằng phẳng kêu ộp oạp, khi soi đèn thì thấy mắt ếch đỏ au giống như mắt mèo, mắt trâu. Ếch hương rất hiền, chúng thấy người không chạy nên chỉ cần túm lấy con ếch bỏ bao tải là xong.
Ếch đại gia còn được biết đến như “con mắt thần”, giúp dự báo thời tiết cho người bản địa, thể hiện màu sắc trên cơ thể của chúng. Hôm nào trời nắng ráo, đùi của chúng chuyển nhanh thành màu đỏ. Ngược lại, hôm nào đùi ếch chuyển sang màu đen là bầu trời xám xịt, mưa giông kéo về.Thịt ếch hương cũng giống như tên gọi, đặc biệt thơm, không hề tanh như ếch đồng. Người Dao vùng Mẫu Sơn thường kết hợp nhiều gia vị để chế biến ếch hương thành đủ món hấp dẫn như ếch chiên giòn, ếch nấu măng chua, lẩu ếch, ếch xào sả ớt, hầm thuốc bắc...nhưng trong tất thảy, món ếch hương nấu măng chua vẫn là món ăn độc đáo, đặc sắc hơn cả.
Măng nấu ếch là loại măng tre mọc ngay tại Mẫu Sơn, rất tươi và giòn. Chỉ cần 2-3 con ếch hương bắt được tại khe suối, rửa sạch, bỏ ruột cho vào chảo đảo vàng rồi dùng măng chua ủ vài ba tháng cho vào xào cùng thịt ếch, thêm gia vị đảo tới khi thịt ếch mềm, cho thêm bát nước là đã có món ếch nấu măng chua thơm ngon, bổ dưỡng.
Không chỉ độc đáo về hương vị, các món ăn từ ếch hư ơng có thể chữa bệnh và mang ý nghĩa về văn hóa. |
Thịt ếch kết hợp măng chua hợp vị vô cùng, dân dã mà hấp dẫn khó cưỡng. Đây cũng là một cách giao hòa âm dương hài hòa trong quy tắc ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và người Việt nói chung.
Là loại ếch có nhiều dưỡng chất đặc biệt, ếch hương được sử dụng kết hợp với món thảo dược được tìm kiếm từ nhiều loại cây rừng trong núi sâu, tạo nên bài thuốc đặc trị kích thích hoóc môn và tăng cường năng lượng, tăng sức dẻo dai cho phái mạnh.
(Theo Dân Việt)