Vùng duyên hải miền Trung trải dài từ Quảng Trị tới Bình Thuận, có chiều dài bờ biển hơn 1.400km và sở hữu hàng loạt đảo, quần đảo, vịnh, đầm phá cũng như nhiều khu kinh tế, khu bảo tồn quan trọng. Chính vì vậy, theo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2024, xác định đây là vùng “đầu tàu” của cả nước về kinh tế biển.
Một trong những yếu tố quan trọng để kinh tế biển phát triển bền vững đó là việc bảo tồn đa dạng sinh học biển nhằm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển nói chung và vùng biển miền Trung nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức như hoạt động khai thác tận diệt, khai thác bằng các ngư cụ trái phép khiến nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái thuỷ sản đang ngày càng suy giảm; vấn đề ô nhiễm môi trường biển trong nuôi trồng thuỷ sản, nhất là ở vùng ven bờ; nhiều khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển suy giảm mạnh khó phục hồi .v.v…
Theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, việc phát triển bền vững kinh tế vùng biển duyên hải miền Trung có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế biển của cả nước. Bởi đây là khu vực có nhiều tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước.
Khu vực duyên hải miền Trung có nhiều bãi biển, vùng biển đảo rất đẹp, cùng hệ sinh thái đa dạng, có vùng thềm lục địa, có ngư trường đánh bắt, nuôi trồng thủy sản rộng lớn với nhiều khu bảo tồn có giá trị, tập trung nhiều kinh tế ven biển quan trọng. Đây là lợi thế để các tỉnh miền Trung phát triển mạnh kinh tế biển.
Việc bảo tồn biển cũng nhằm góp phần hiện thực hoá Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xác định tầm quan trọng của bảo tồn biển trong phát triển bền vững kinh tế biển, thời gian qua, nhiều địa phương ở vùng duyên hải miền Trung đã chú trọng công tác bảo tồn biển, bảo tồn hệ sinh thái biển.
Quảng Trị là địa phương có nhiều hệ sinh cảnh khác nhau từ rừng phòng hộ ven biển, rạn san hô,... là nơi cư ngụ của nhiều động vật đặc hữu quý hiếm. Tại đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị có hơn 70% diện tích rừng nguyên sinh, có hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng. Đây là nơi sinh sống, trú ngụ, sinh sản của nhiều loại thủy sản quý hiếm và san hô.
Để bảo tồn đa dạng sinh học về loài và gen quý, tỉnh Quảng Trị đã thành lập hai khu bảo tồn tự nhiên, trong đó có khu bảo tồn biển, đảo Cồn Cỏ. Khu Bảo tồn biển, đảo Cồn Cỏ được thành lập vào tháng 10/2009. Đây cũng là 1 trong 4 khu bảo tồn biển đầu tiên được thành lập ở Việt Nam với diện tích 4.532 ha. Khu Bảo tồn biển, đảo Cồn Cỏ không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn biển, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển, đảo Cồn Cỏ, như tổ chức nghiên cứu nuôi cấy san hô; điều tra đánh giá nguồn lợi và đa dạng sinh học nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản; nghiên cứu hệ sinh thái biển đảo; ngăn chặn nạn đánh bắt tận diệt các loài thuỷ sản trên biển…; đặc biệt là việc bảo tồn, cứu hộ giống rùa biển trên đảo nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt, mua bán rùa biển.
Hiện nay, hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng của đảo được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Đặc biệt là rạn san hô nơi đây được đánh giá là khá tốt và còn tương đối nguyên vẹn, có mức độ đa dạng loài cao trong khu vực vịnh Bắc Bộ...
Bình Định cũng là một trong những tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung, có bờ biển dài 134 km với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rạn san hô…., trong đó, hệ sinh thái rạn san hô phân bố đa dạng, tập trung ở các khu vực ven biển của tỉnh. Theo đó, những nơi có hệ sinh thái san hô phát triển thường là nơi tập trung lớn nguồn lợi thuỷ sản, bao gồm cả các loài có giá trị kinh tế và cần bảo tồn như loài tôm hùm giống. Điều này đã tạo ra nguồn nguyên liệu quý báu để phục vụ ngành nuôi trồng tôm hùm, đồng thời hỗ trợ cho việc nuôi tôm hùm thương phẩm tại khu vực này.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, công tác bảo tồn biển với các hoạt động bảo tồn san hô, cứu hộ rùa biển, bảo vệ và phát triển diện tích rừng ngập mặn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản... được tỉnh Bình Định đẩy mạnh triển khai nhằm nỗ lực bảo tồn các hệ sinh thái biển tại địa phương.
Theo thống kê, vùng duyên hải miền Trung hiện nay có 14 khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển và có tới 9 khu bảo tồn biển, như Khu bảo tồn biển, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Khu bảo tồn biển Hòn Mun (Khánh Hòa), Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam)…
Việc bảo tồn biển, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học biển góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh thái trong lòng biển, từ đó giúp phát triển bền vững kinh tế biển, sớm đưa duyên hải miền Trung sớm trở thành vùng “đầu tàu”, mạnh về biển, giàu về biến như Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây.