Gần 2 tuần qua, người dùng Internet tại Việt Nam vẫn đang lao đao vì việc truy cập Internet bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố đứt cáp quang biển AAG. Điệp khúc nghẽn mạng được khắc phục vào cuối tháng 7 này song không ít người dùng lo ngại sẽ phải chịu đựng những tháng ngày Internet chập chờn nếu sự cố cáp quang AAG tiếp tục diễn ra.

Chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009, cáp quang biển AAG (Asia America Gate Way) là một trong những tuyến cáp chịu trách nhiệm cho hơn 60% lưu lượng băng thông ra quốc tế của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam. Điều này lý giải tại sao người dùng trong nước phải than trời mỗi lần cáp AAG gặp sự cố.

Điều đáng buồn là cáp quang biển AAG liên tục gặp sự cố từ khi đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009. Năm 2011, AAG đã 4 lần xảy ra sự cố. Năm 2013 con số này là 2 lần trong tháng 8 và 12. Năm  2014, AAG lại tiếp tục gây thất vọng cho khách hàng vào tháng 3 và sự cố ngày 15/7 vừa qua, hậu quả đến hôm nay vẫn chưa giải quyết triệt để.

Mỗi lần AAG đứt cáp, để tìm được điểm đứt của cáp quang biển thường kéo dài trong vòng 48 giờ (2 ngày). Tiếp đến là thời gian xin cấp giấy phép vào khu vực biển Việt Nam của đội tàu xử lý thường mất rất nhiều thời gian và thủ tục từ 1 - 2 tuần. Tiếp tục di chuyển đến điểm lỗi từ 2 - 5 ngày và mất đứt 5 - 7 ngày để trục vớt, tìm kiếm 2 đầu nối, cố định đầu nối, bó cáp, hàn nối... Chưa tính đến vấn đề nhân sự như thợ lặn hay thiết bị trục vớt, bó cáp hoặc đội xử lý gặp tình huống thời tiết xấu, không thể thi công. Nếu mỗi năm có tới 2 - 4 lần AAG bị sự cố và ít nhất 2 kỳ bảo dưỡng thì người dùng có thể mất tới 6 tháng dùng Internet với tốc độ “rùa bò”.

Theo số liệu thống kê từ We Are Social, tháng 1/2014 có hơn 36 triệu người dùng Internet tại Việt Nam. Trung bình mỗi ngày 1 người dùng Việt Nam truy cập Internet là 4 giờ 37 phút trên máy tính và 1 giờ 43 phút trên thiết bị di động. Vì vậy, dễ dàng nhận thấy, mỗi khi tuyến cáp AAG”bị tê liệt thì lập tức 39% dân số Việt Nam sẽ quay về “thời kỳ… dial up”.

Sự cố đứt cáp ngày 15/7 vừa qua dường như đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của cộng đồng hàng chục triệu người dùng Internet tại Việt Nam. Làn sóng “kêu khóc” nổi lên như cồn trên các trang mạng xã hội, những bài viết, những ảnh chế về hậu quả của đứt cáp quang biển xuất hiện khắp nơi… 

Truy cập vào các trang thông tin của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, chúng ta lập tức đọc được thông báo về sự kiện AAG bị đứt cáp. 100% các nhà mạng đều cam kết bù đầy đủ băng thông, khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng chiều quốc tế và hứa hỗ trợ khách hàng 24/7. Hàng loạt  hành động nhanh chóng và quyết liệt của các nhà mạng đưa ra để bù vào 60% băng thông thiếu hụt. Các nhà mạng thậm chí còn hỗ trợ nhau với mục đích duy nhất, đảm bảo kết nối thông suốt cho khách hàng.

Trong các nhà mạng lớn như VNPT, FPT, Viettel và CMC, có lẽ chỉ có CMC đang phục vụ khách hàng hộ gia đình với sản phẩm Internet trên truyền hình cáp là dường như ít bị tổn thất nhất. Ông Nguyễn Như Thành, Giám đốc Trung tâm Điều hành mạng CMC Telecom lý giải: “CMC Telecom đã không quá đặt niềm tin của mình vào tuyến AAG nên chỉ sử dụng duy nhất 15% lưu lượng quốc tế qua tuyến này. Lưu lượng còn lại, chúng tôi chủ động tự đầu tư đi theo các tuyến đất liền ra quốc tế nên khách hàng của CMC cả hộ gia đình lẫn các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ của CMC Teleom đã may mắn đứng ngoài thiệt hại.”

Theo một chuyên gia viễn thông, nếu tổng lưu lượng băng thông của nhà mạng bị giảm từ trên 30% trở lên thì người dùng Internet có thể cảm nhận ngay tốc độ truy cập mạng bị suy giảm. Chắc chắn trong thời gian tới, câu chuyện “AAG đứt cáp”, cộng đồng Internet than khổ vẫn là câu chuyện rất dài kỳ ở Việt Nam.