Cách đây hai tháng, trước Tết Nguyên đán, có lúc tôi đi trong sân bay mà lòng phải tự nhủ: 'Cố lên, đừng ngất xỉu ở đây nhé. Người ta lấy mất đồ thì sao? Ai sẽ đưa mình ra bệnh viện?'.
Tuổi trẻ háo thắng, bán sức khoẻ để lấy đồng tiền để mua nhẫn, mua túi xách, mua quần áo, mua vui. Tôi bị cuốn vào vòng xoáy của công việc và cứ đinh ninh: Mình làm được mà.
Thật sự đại dịch này là một sự cảnh tỉnh. Không thể bàn cãi đây là một đại họa mà nhân loại phải đối mặt nhưng hãy cố gắng tìm góc nhìn tích cực.
'Đại dịch giúp ta nhận ra có những điều mình tưởng quan trọng nhưng lại không to tát đến thế, ví dụ như cái túi xách mắc tiền, hay chiếc xe xịn…'. |
Tôi thấy khó chịu khi phải tự nhốt mình trong nhà, không gặp ai. Mấy ngày đầu như địa ngục. Bình thường, tôi ở trên máy bay và khách sạn còn nhiều hơn nhà, làm sao có thể dễ chịu với cảm giác bị 'trói chân'? Nhưng rồi vì bắt buộc, tôi tự cách ly. Ngày qua ngày, tôi bắt đầu chấp nhận và tìm những hoạt động để 'điền vào chỗ trống'.
Tôi bắt đầu dậy sớm hơn. Sau khi cho chó mèo ăn, tôi ăn sáng, tưới cây, tập thể dục, sau đó mở tivi xem những tin tức mới nhất.
Lên facebook xem bạn bè mình ra sao, trả lời tin nhắn... và rồi tôi kiếm gì ăn. Nếu ngày nào lười biếng, tôi sẽ gọi giao hàng, ngày cảm thấy khoẻ tôi sẽ nấu gì đó.
Sau khi nghỉ ngơi, tôi bắt đầu dọn dẹp. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi không thể để người giúp việc hay bất kỳ ai vào nhà nên đã trách nhiệm hơn với không gian sống của mình.
Tôi thích dọn dẹp và đó cũng là một cách tôi thiền. Không gian sạch sẽ, tâm hồn sẽ thoải mái. Tôi nhận ra có những điều tôi muốn làm cả năm nay nhưng vì bận rộn nên không làm được. Từ đây, tôi thấy tâm hồn cũng như sức khoẻ mình tốt hơn nhiều.
Thế hệ nào cũng sẽ có thử thách, cha mẹ tôi thì chiến tranh, anh chị tôi là thay đổi môi trường sống, khủng hoảng kinh tế.
Đến tôi và các bạn là đại dịch này. Nó bắt ép chúng ta thay đổi nếp sống, mê cafe cũng phải ở nhà, mê nhậu cũng phải ở nhà, quên gia đình cũng phải gặp gia đình…
Nó cho ta nhận ra có những điều mình tưởng quan trọng nhưng lại không to tát đến thế ví dụ như cái túi xách mắc tiền, hay chiếc xe xịn… Nó bắt chúng ta phải biết trân trọng những điều quá đỗi “tầm thường” như đi xem phim, gặp gỡ bạn bè hay chỉ đơn giản lang thang đường phố Sài Gòn.
Nó bắt những người giàu phải đau đầu, người nghèo phải đau đầu, người tiền vừa đủ cũng đau đầu… để nhận thấy chúng ta quá nhỏ bé, để những người tưởng mình là vua phải cúi đầu, để những người tưởng mình trên cả thế giới biết họ cũng phải chết.
Chồi non mọc ra từ những thân cây cháy đen sau thảm họa cháy rừng tại bang New South Wales, Australia. Ảnh: Daily Mail |
Chúng ta học bài học khiêm nhường và bài học này tuy đắt giá, nhưng khi chúng ta vượt qua được nó sẽ rất giá trị để mình biết niềm vui có thể nằm ở những điều rất nhỏ, không cần phải quá cố gắng mới tìm được.
Đầu năm, trận cháy kinh hoàng tại Australia đã xảy ra, hơn triệu động vật đã chết nhưng rồi mọi thứ lại tiếp tục sinh sôi. Chúng ta cũng sẽ vậy, hãy mạnh mẽ và bình tĩnh để đối diện với thử thách vì sự sống sẽ không bao giờ kết thúc.
Ca sĩ Dương Triệu Vũ sinh năm 1983, tên thật Võ Nguyễn Tuấn Linh, là em trai ruột của nghệ sĩ Hoài Linh. Anh từng ra mắt các album: "Thiên đàng đánh mất" (2007), "Em ở đâu" (2009), "Mãi mãi bên em" (2010), "Siêu nhân" (2011)... Anh từng đoạt giải "Ca sĩ được công chúng yêu thích" của Mai Vàng năm 2011. 15 năm đi theo đuổi con đường ca hát, Dương Triệu Vũ đạt được nhiều tiếng vang và sở hữu lượng fan hùng hậu. |
Lo ngại dịch Covid-19, bà nội trợ Hà Nội 'bật chế độ' gia đình online
Từ ngày xuất hiện các ca dương tính với Covid-19 tại Hà Nội, gia đình chị Hoài đã ‘bật chế độ' online cho cuộc sống của mình.
Ca sĩ Dương Triệu Vũ