Ở phần thi Kiếm thuật, dù đã đạt điểm số 9,700 (cao hơn điểm số từng đạt tại SEA Games 32 và chỉ kém 0,01 điểm ở phần thi 9 năm về trước tại Asiad 2014), Thúy Vi chỉ đứng thứ 6, kém đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc (9,800), Iran (9,720), Hong Kong-Trung Quốc (9,716)...
"Ở phần thi kiếm thuật, tôi không xem VĐV nào thi đấu vì là người đầu tiên biểu diễn. Việc được thi đấu đầu tiên cũng có cái lợi bởi không phải chờ ai.
Tôi hoàn thành xuất sắc bài thi và cảm thấy mãn nguyện, còn bài thương thuật nữa và tự nhủ cố lên. Tôi cũng không để ý bị rớt xuống thứ 6 ở phần thi buổi sáng, chỉ biết tôi hoàn thành bài thi tốt", Thuý Vi cho biết.
Trong bài thương thuật, Dương Thúy Vi dẫn đầu sau khi có 7 VĐV thi với 9,726 điểm. Nữ võ sĩ sinh năm 1993 chờ đợi các phần thi còn lại trong sự hồi hộp. Với tổng điểm 19,426, Thúy Vi vượt qua cựu vô địch thế giới Seo Hee Ju của Hàn Quốc và giành HCĐ.
"Tôi không nghĩ tới giành HCV, chỉ tập trung biểu diễn. Nếu đặt mục tiêu như vậy sẽ quên hết. Giành huy chương này không dễ dàng", Thúy Vi khẳng định.
Ở tuổi 30, nhiều người dự đoán Thúy Vi có thể giải nghệ sau Asiad 19, nhưng cô lại có quan điểm khác: "Lần trước giành HCV Asiad cách đây 9 năm, nhiều người khuyên giải nghệ vì tôi không thiếu gì trong tay, có thể nghỉ ngơi. Nhưng sợ mất mặt thì tôi đã không thi đấu tới ngày hôm nay.
Tôi nghĩ 21 và 30 tuổi chỉ là con số, kiên trì đến bây giờ là điều không dễ dàng. Đây không phải là kỳ Asiad cuối, có thể tôi còn theo wushu ở vị trí khác. Theo wushu đến bây giờ, chẳng có lý do gì để chia tay.
Mọi người không nghĩ tôi lớn tuổi, chỉ là VĐV thi đấu lâu năm mới biết. Sắp tới, tôi tiếp tục tham gia thi đấu ở cúp toàn quốc, cuối tháng 10 thi đấu ở Saudi Arabia và giải vô địch thế giới ở Mỹ. Tôi hoàn thành mục tiêu năm nay, còn năm sau tính tiếp. Có giành HCV Asiad thì 4 năm nữa cũng tính lại, phải gạt bỏ mọi áp lực bên ngoài".