Việc có thêm nhiều tuyến đường cao tốc và các dự án giao thông trọng điểm thông xe trong dịp nghỉ lễ vừa qua giúp người dân về quê hay đi du lịch bớt cảnh vật vã vì ùn tắc. Đặc biệt, khi đường cao tốc vươn đến các vùng miền cũng sẽ là đòn bẩy đánh thức tiềm năng kinh tế, phát triển du lịch ở vùng sâu, vùng xa.
Trong công điện gửi các bộ ngành, tỉnh thành ngày 3/9, Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ sự tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và việc chủ đầu tư, nhà thầu tích cực là ‘3 ca, 4 kíp’, nhiều công trình thi công cả trong các ngày lễ, tết, đến nay cả nước đã có 1.822 km đường bộ cao tốc đang khai thác và đang tích cực triển khai xây dựng.
Để có khoảng 3.000 km đến 5.000 km đường cao tốc trong giai đoạn 2025-2030, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung xử lý tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng vật liệu xây dựng. Các bộ ngành, tỉnh thành đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Đòn bẩy đánh thức tiềm năng kinh tế, du lịch
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, với ưu thế cho phép vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh, ít tai nạn giao thông, khi đường cao tốc vươn đến vùng miền nào sẽ góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế, du lịch.
“Vùng sâu, vùng xa có lợi thế về đất đai, lao động giá rẻ, nhưng nếu đường sá còn khó khăn thì ngay cả nhà đầu tư trong nước chứ chưa nói các tập đoàn nước ngoài cũng không muốn bỏ tiền ra để đầu tư. Do vậy, việc phát triển đường cao tốc, các dự án giao thông trọng điểm sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế mỗi vùng miền”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nguồn lực tài chính dành cho các dự án đường bộ cao tốc và công trình giao thông trọng điểm đều được bố trí đầy đủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có tình trạng ì ạch làm đường. Nguyên nhân là do gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng.
Do vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị lãnh các tỉnh thành phải tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đường cao tốc và đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm. Ngoài ra, các bộ ngành cùng phối hợp với địa phương tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác, cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng như cát, đất, đá làm nền đường.
Dự án trọng điểm phải đúng tiến độ và về đích trước hạn
Theo PGS.TS. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT, ‘giao thông đi trước’ sẽ mở lối cho các ngành nghề khác theo sau. Do vậy, việc người dân phấn khởi khi về quê, đi du lịch trong dịp nghỉ lễ vừa qua không phải chịu cảnh ‘hành xác’ trên các tuyến đường là điều dễ hiểu.
“Bức tranh đầu tiên chúng ta thấy rõ hiệu quả của tuyến đường cao tốc là tai nạn giao thông ít khi xảy ra. Khi đường cao tốc đã vươn đến các vùng miền, hàng hóa sẽ được lưu thông, bà con cũng đi lại nhiều hơn. Điều đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương”, ông Doãn Minh Tâm chia sẻ.
Theo PGS. Doãn Minh Tâm, làm đường cao tốc để giảm thời gian đi lại giữa các tỉnh thành. Nhưng để phương tiện từ đường cao tốc vào được các tỉnh thành thì tuyến đường nhánh phải đảm bảo thuận lợi.
“Điển hình như hiện nay, người dân từ các tỉnh thành đi lại rất thuận tiện trên cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ, Quốc lộ 5, Quốc lộ 1… Nhưng cứ về đến gần nội thành Hà Nội là tắc, đặc biệt là vào dịp lễ tết. Nguyên nhân là do phương án tổ chức giao thông và các đường nội bộ chưa hoàn thiện”, ông Doãn Minh Tâm nói.
Để giải bài toán trên, theo ông Doãn Minh Tâm, TP Hà Nội cần phải đảm bảo tiến độ xây dựng các dự án giao thông trọng điểm đã được Quốc hội và HĐND TP bố trí nguồn vốn như đường Vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị như Nhổn - ga Hà Nội, cùng với đó là hoàn thiện các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2,5 còn đang xây dựng dở dang.
“Trong những năm qua, TP Hà Nội đã nỗ lực hoàn thiện rất nhiều tuyến đường, dự án giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra cũng có một phần là khâu tổ chức giao thông chưa hợp lý, hầu hết các nút giao đồng mức dễ dẫn đến xung đột giữa các làn xe”, ông Doãn Minh Tâm phân tích thêm.
Thêm 1.000 km đường cao tốc trong 2 năm tới
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho rằng, so với các nước phát triển, quy mô đường cao tốc của Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn. Điều đó làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của đất nước.
“Trong những năm qua, chúng ta đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng đường cao tốc, trong đó nhiều đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã thông xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cũng như phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, việc Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có khoảng 3.000 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi. “Các dự án đã được bố trí nguồn vốn, đã được khởi công, nếu bộ ngành, tỉnh thành giải quyết được những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu xây dựng, thì việc có thêm hơn 1.000 km đường cao tốc vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi”, ông Trương Xuân Cừ nói.