UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc trả lời kiến nghị của cử tri đối với hệ thống đường sắt đô thị.
Cụ thể, cử tri TP Hà Nội băn khoăn về “tình trạng thua lỗ của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”. Trả lời nội dung này, UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có 1 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng (tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông).
Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng vẫn còn thấp, mới chỉ đạt được 19,5%. Việc sử dụng phương tiện cá nhân phục vụ nhu cầu đi lại vẫn là chủ yếu, phổ biến của người dân trong đô thị.
“Thực tế qua 2 năm đi vào vận hành (từ ngày 6/11/2021) đến nay, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt, kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh, hiện đại và là giải pháp cơ bản để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong tương lai”, UBND TP Hà Nội thông tin.
Theo UBND TP Hà Nội, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị là dịch vụ công ích, giá vé cho tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đang hướng tới mục tiêu khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung, đường sắt đô thị nói riêng, giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Do đó, UBND TP Hà Nội khẳng định “doanh thu từ bán vé không có khả năng bù đắp chi phí và được nhà nước trợ giá”.
Ngoài nội dung trên, liên quan đến việc TP Hà Nội đề xuất xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, cử tri Thủ đô kiến nghị: “Quốc hội trước khi phê duyệt xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm cần yêu cầu Chính phủ, TP Hà Nội báo cáo phương án kinh doanh, công bố số tiền phải bù lỗ, trợ giá từng tuyến để người dân được biết”.
Trả lời kiến nghị này, UBND TP Hà Nội cho biết, việc đầu tư, xây dựng mới các tuyến đường sắt, chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu lập dự án đầu tư, trong đó phải đánh giá sự cần thiết đầu tư, nguồn vốn theo quy định trước khi tổ chức phê phê duyệt.
Hiện nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang chủ trì tham mưu cho UBND thành phố xây dựng đề án tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo Kết luận 49 ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị. Trong đề án có đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đầu tư phát triển cũng như tăng cường hấp dẫn, thu hút người dân tham gia vận tải hành khách bằng đường sắt đô thị.
Ngày 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 điều chỉnh và bổ sung thêm nhiều chính sách đột phá mạnh mẽ cho TP Hà Nội ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo đột phá trong phát triển đường sắt đô thị.
"Đặc biệt Luật Thủ đô cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội theo mô hình định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (TOD).
Đây là mô hình phổ biến ở các nước trong khu vực và các nước phát triển, bảo đảm hiện đại, đồng bộ bền vững. Theo đó, trong khu vực TOD, thành phố được thực hiện chính sách sử dụng nguồn tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với vận tải hành khách công cộng", UBND TP Hà Nội thông tin.