Tại Thái Lan, đường sá cũng được phân bậc và người nghèo thường dễ chết vì tai nạn xe hơn, báo New York Times nhận định.
Một phụ nữ Thái đang lái xe máy đến chỗ làm thì một chiếc xe bán tải bất ngờ quẹt phải cô. Tài xế xe bán tải là một cảnh sát và anh này say rượu. Orathai Chanhom, người phụ nữ lái xe máy, đã ngã khỏi xe và thiệt mạng gần như ngay tức khắc vì vụ va chạm.
Người gây tai nạn cho cô hiện vẫn làm cảnh sát. Giấy phép lái xe của anh này không bị thu hồi và toà án từ chối kết án tù.
Nhiều cái chết tương tự như vậy đã xảy ra. Thái Lan là nước có tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông tính trên đầu người cao thứ hai thế giới. Tỷ lệ này ở Thái Lan chỉ thấp hơn Libya, quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, báo cáo năm 2015 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay. Khi tính tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông trên đầu người, Libya hiện đứng đầu thế giới.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ về những cái chết do tai nạn giao thông, cho tới khi nó xảy ra với mẹ tôi”, Chularat Chanhom, con gái lớn của cô Orathai nói. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một vấn đề lớn ở Thái Lan”.
Năm 2015, tại một diễn đàn của Liên Hợp Quốc, Thái Lan cam kết sẽ giảm một nửa số ca tử vong do tai nạn đường sá vào năm 2020. Tuy nhiên, Thái Lan hiện vẫn còn xa mới thực hiện được cam kết khi mà đường sá ở nước này vẫn ở trong nhóm 10 nơi nguy hiểm nhất giới.
Từ 2015 tới nay, Thái Lan đã áp dụng nhiều luật lệ cần thiết để đảm bảo đường sá an toàn hơn. Tuy nhiên, những gì chính phủ nước này chưa thể giải quyết được, là khoảng cách cực lớn về giàu nghèo. Đây là một vấn đề then chốt, không chỉ khiến các con đường trở nên chết chóc mà còn chia đất nước thành hai nhóm rõ ràng.
Bất bình đẳng trong cuộc sống và cả cái chết
Không giống các nước nghèo hơn, đường sá ở Thái Lan đều rất đẹp và dành cho tốc độ cao. Xe ô tô mà người giàu và tầng lớp trung lưu đang phát triển ở nước này sử dụng đều mới và đi nhanh.
Tuy nhiên, phần lớn các gia đình ở Thái Lan chỉ có thể mua một chiếc xe máy và một chiếc mũ bảo hiểm chất lượng tốt là thứ xa xỉ với nhiều người. Thái Lan quy định người đi xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
Các tai nạn liên quan tới xe máy thường gây nhiều thương vong. Do giao thông công cộng ở ngoài các thành phố lớn rất hạn chế nên không khó bắt gặp hình ảnh hai người lớn cùng một hoặc hai đứa trẻ ngồi giữa họ, cùng đi trên một chiếc xe máy.
Tại Thái Lan, chỉ có 12% số ca tử vong do tai nạn giao thông liên quan tới người đi ô tô hoặc các xe hạng nhẹ khác, báo cáo về an toàn đường sá năm 2018 của WHO cho thấy. Hầu hết những người thiệt mạng vì tai nạn liên quan tới đường sá là người đi xe máy và người đi bộ.
Tại nhiều thành phố ở Thái Lan, chỉ có vài con đường có vỉa hè rộng, dễ đi lại. Các nhà chỉ trích cho hay, đường có vỉa hè không phải là ưu tiên của người giàu và có ảnh hưởng, những người chả mấy khi đi bộ dưới cái nắng thiêu đốt.
Tuy nhiên, cũng có nơi có vỉa hè rộng, nhưng nó thường tràn ngập các quầy hàng và xe cộ đi lại, khiến nhiều người phải đi bộ dưới lòng đường.
Sự bất bình đẳng về kinh tế không phải lý do duy nhất khiến tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông xảy ra một cách chênh lệch. Công lý cũng vậy, được thực hiện một cách không đồng đều.
Với những người siêu giàu hoặc những người có địa vị, các quy định đường sá có thể không áp dụng hết. Nhóm người này biết họ có thể được miễn trừng phạt đi lại và có thể uống say rượu rồi vẫn lái xe mà không sợ hậu quả.
Năm 2012, một thanh niên lái xe Ferrari, là người thừa kế tập đoàn nước uống năng lượng Red Bull, đâm vào một cảnh sát rồi kéo lê người này tới chết. Tài xế này là Vorayuth Yoovidhaya lúc đó đã say xỉn, theo kết quả kiểm tra. Song, 7 năm sau, anh ta vẫn không bị xét xử.
“Có một điều rõ ràng là ở Thái Lan, đường sá không an toàn với tất cả những người dùng nó”, Evelyn Murphy, chuyên gia ngăn ngừa thương tích không chủ ý ở WHO cho hay. “Cho dù là lái ô tô, xe máy hay đi bộ, sự an toàn của mọi người đều phải được xem xét, bất kể mức thu nhập”.
Hành pháp yếu kém lại tham nhũng
Đi quá tốc độ, lái xe khi say rượu và không đội mũ bảo hiểm thích hợp là các nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông chết người ở Thái Lan, giới chức nước này cho hay.
Trong khi có những luật lệ để chống các yếu tố trên, song việc thực thi lại bị hổng. Việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là bắt buộc song việc phạt hiếm khi xảy ra, trừ khi cảnh sát phải đáp ứng chỉ tiêu trong một giai đoạn triệt phá nào đó.
Tiếp đó là tham nhũng. Người giàu hoặc những người có quan hệ thường hối lộ nếu bị bắt quả tang phạm luật giao thông.
Thủ đô Bangkok có khoảng 3.000 cảnh sát giao thông, được trả lương khoảng 600 USD/tháng cho những ngày làm việc nóng như thiêu đốt hoặc mưa như trú và khói ngạt thở. Vì thế, một khoản tiền hối lộ nhỏ cũng khiến họ mủi lòng.
Hoài Linh