Trước ngày 10/10, pano, biểu ngữ, áp phích và cờ, hoa đã được dựng lên ở nhiều tuyến phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Hình ảnh tại nút giao Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng - Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
Xung quanh khu vực Cột cờ Hà Nội cũng xuất hiện nhiều hình ảnh ý nghĩa. 70 năm trước, vào chiều 10/10/1954, tại sân Cột Cờ diễn ra lễ chào cờ đầu tiên ngay sau khi Thủ đô được giải phóng.
Bầu không khí vui tươi được thấy rõ qua các biển trang trí, áp phích cổ động có biểu tượng vừa quen thuộc mà mang đậm ý nghĩa lịch sử như hình ảnh của Bác Hồ, cầu Long Biên, những người lính bộ đội, biểu tượng cánh chim hòa bình...
Vào ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã gắn liền với Hà Nội suốt 25 năm qua.
Người dân thích thú khi đi qua khu vực hồ Gươm. Thời điểm này, thời tiết Hà Nội mát mẻ, nắng vàng nhẹ, thuận lợi cho các cuộc vui chơi hưởng ứng ngày lễ lớn của thành phố.
Tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng, người dân qua lại dễ dàng nhìn thấy hình ảnh đoàn xe chở các chiến sĩ tiến vào Thủ đô sáng 10/10/1954.
Màn hình lớn ở góc dễ quan sát của một trung tâm thương mại trình chiếu nhiều bức ảnh mang ý nghĩa lịch sử, nói về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tình yêu với Hà Nội của người dân Việt Nam.
Một biển hiệu tại đường Đại Cồ Việt tái hiện hình ảnh gương mặt rạng rỡ của các chiến sĩ khi về tiếp quản Thủ đô năm 1954.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa lên áp phích khổ lớn tại nhiều ngã tư.
Đi bất kỳ đâu trên phố Hà Nội những ngày này, người dân đều có thể thấy nhiều hình ảnh lịch sử về Hà Nội cách đây tròn 70 năm.
Biển hiệu nhấn mạnh ý nghĩa của hoà bình và hạnh phúc dành cho Thủ đô trên phố Nghi Tàm.
Hoạt động trang trí thành phố bằng các biển hiệu, áp phích mang ý nghĩa thời đại rất lớn. Đây vừa là dịp kỷ niệm, đồng thời là lời nhắc nhở hàng năm dành cho tất cả thế hệ người dân về thời gian mà Thủ đô cùng đất nước bước về tương lai phát triển, mở ra chương mới cho nhân dân lao động được làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội.