- Đêm ngày 24/7, đường ống nước sông Đà lại bị nứt tại vị trí km 22+700, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội. Đây là lần thứ 12 đường ống dẫn nước sạch gặp sự cố kể từ tháng 12/2012 đến nay.

Tại vị trí nứt vỡ lần này, vết nứt dài khoảng 20cm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía Công ty Nước sạch Vinaconex đã huy động hơn 100 công nhân cùng máy ép cừ, 4 máy xúc xuống địa điểm ống nước sạch gặp sự cố để khắc phục.

Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex cho biết, sau hơn 6h khắc phục sự cố, đến 4h30 sáng ngày 25/7, nước sạch đã được cấp trở lại cho người dân Thủ đô.

{keywords}

Người dân thủ đô còn phải sống trong cảnh thấp thỏm vì vỡ ống, mất nước đến bao giờ? (Ảnh: Khắc phục sự cố vỡ ống lần thứ 11 ngày 21/7 - Báo Tiền phong)

Trước đó, ngày 21/07/2015, đường ống nước sông Đà cũng gặp sự cố rò rỉ trên tuyến ống tại Km 26+760 – Đại lộ Thăng Long. Như vậy, chỉ trong 4 ngày vừa qua, đường ống sông Đà liên tục gặp sự cố khiến cho hơn 70.000 hộ dân tại nhiều quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… bị ảnh hưởng.

Về nguyên nhân đường ống sông Đà liên tiếp bị nứt vỡ, ngày 19/6/2014, Bộ Xây dựng đã có văn bản cho biết nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà là do chất lượng ống không đồng đều, đường ống được làm bằng vật liệu composite, không chịu được lực uốn và biến dạng.

Trong khi đó, liên quan đến dự án đường ống số 2 dẫn nước từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội, theo kế hoạch thì việc khởi công đã chậm so với kế hoạch đề ra. Khi đường ống số 2 vẫn còn nằm trong dự kiến, đường ống nước sông Đà hiện nay vẫn có thể vỡ lần thứ 13, 14, 15…. Và hàng ngàn hộ dân thủ đô còn phải sống trong cảnh thấp thỏm ống vỡ, mất nước đến bao giờ?

Ngày 14.7.2015, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can 7 cán bộ thuộc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, Ban quản lý dự án (QLDA) cấp nước sông Đà, cùng một số đơn vị liên quan về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Việc đường ống nước sạch sông Đà liên tục vỡ tới 10 lần trong 3 năm qua (kể từ cuối năm 2012 - 2015) đã gây thất thoát gần 1,3 triệu m3 nước, phải mất hơn 9,3 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa.

Hồng Khanh