Với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đường vành đai 2 Hà Nội có chiều dài trên 40km. Hiện nay, bên cạnh những đoạn đã hoàn thiện, vẫn còn một số điểm đang thi công đã trở thành nơi chứa rác, phế thải xây dựng.

{keywords}

Rác thải ngập vỉa hè, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường

Ô nhiễm và nhếch nhác

Có mặt tại đường vành đai 2 (đoạn từ đường Xuân La về đường Hoàng Quốc Việt) chiều 9-12, chúng tôi chứng kiến cảnh người và phương tiện qua lại khá tấp nập. Dù tuyến đường mới khá hiện đại song ở hai bên đường xuất hiện nhiều bãi rác, phế thải xây dựng… đổ tràn lan trên vỉa hè và tràn ra cả lòng đường. Hiện tượng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cản trở việc đi lại của người dân.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dịu, ở ngõ 191 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ chia sẻ, tuyến đường vành đai 2 thông xe đã giảm tải áp lực về giao thông cho các con đường lân cận, khiến việc đi lại của người dân trong khu vực thuận lợi hơn. Để có được con đường khang trang, nhiều người dân đã phải di dời đi nơi khác, các cơ quan chức năng phải mất khá nhiều thời gian, công sức và kinh phí để GPMB, triển khai thi công.

{keywords}

Tuyến đường đang trong quá trình hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, các phương tiện đã được phép lưu thông từ cầu Nhật Tân về Cầu Giấy và ngược lại. Tuy vậy, một số đối tượng đã đua nhau đổ trộm rác, phế thải xây dựng ra đường, khiến người đi bộ qua khu vực này phải đi xuống lòng đường. Vào những hôm gió to, túi chứa rác bay rợp trời, quấn vào người, vào phương tiện qua đường rất nguy hiểm.

Theo anh Đỗ Trung Thành, ở khu tập thể Bộ GD-ĐT (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), những điểm đổ trộm rác, phế thải xây dựng ngày càng nhiều thêm. Một số điểm đã chất thành đống cao, cản trở tầm nhìn, bốc mùi hôi thối khiến các hộ dân ở khu vực lân cận thường xuyên phải đóng cửa im ỉm.

{keywords}

Nạn đổ trộm phế thải xây dựng ngày càng táo tợn. Bên cạnh đó, một số hộ dân trong quá trình san lấp công trình cũng chở đất đến khu vực này đổ tạm làm vương vãi ra đường gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường. “Đây còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông. Muốn giải quyết tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm đối tượng vi phạm” - anh Thành đề xuất.

Khó phát hiện, bắt giữ

Trước phản ánh của người dân, ông Lê Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết, tuyến đường này hiện vừa thi công vừa vận hành nên đơn vị có trách nhiệm quản lý chính vẫn là Ban quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị thuộc Sở GTVT Hà Nội. Việc xuất hiện những đống đất đá, phế thải, rác thải trên đường một phần là do người dân trồng đào đổ đất bởi cốt đường mới cao hơn cốt cũ từ 80cm-1,6m.

Cùng với đó là phế thải xây dựng từ các công trình lân cận do một số đơn vị, cá nhân đổ trộm. Do khu vực này nằm ở địa bàn giáp ranh giữa phường Xuân La và phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chưa hoàn thành thi công, chưa được lắp đặt đèn chiếu sáng, các đối tượng thường đổ trộm vào ban đêm, lúc vắng người và rời đi rất nhanh nên lực lượng chức năng khó phát hiện, bắt giữ.

Để giải quyết tình trạng này, UBND phường Xuân La đã phối hợp với một số đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện đối tượng vi phạm. Song để khắc phục triệt để, điều quan trọng nhất là đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện các hạng mục còn lại trước Tết Dương lịch. Bên cạnh đó, UBND phường cũng yêu cầu các hộ dân có đất canh tác trong khu vực nhanh chóng thu gom đất để hoàn trả mặt bằng. Hiện nay, thành phố đã giao cho một đơn vị chuyên trách về vệ sinh môi trường có trách nhiệm thu gom đất đá, rác, phế thải tại khu vực.

Mới đây, UBND TP đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi đổ trộm phế thải, đất thải. UBND TP cũng đề nghị các ban ngành liên quan phối hợp, có biện pháp kiểm tra việc thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng, đất thải từ các công trình nhằm ngăn chặn các hành vi trên ngay từ nơi phát sinh. Hy vọng với chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, nạn đổ trộm rác, phế thải xây dựng trên tuyến đường vành đai 2 sẽ sớm được giải quyết.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm hành vi đổ trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường. Còn theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi đổ rác, phế thải ra đường phố không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng.

Theo ANTĐ