Dư luận Việt Nam tiếp tục phản ứng dữ dội xung quanh nhiều thương hiệu thời trang có tiếng trên thế giới có chi nhánh, cửa hàng tại Trung Quốc chấp nhận sử dụng phần mềm bản đồ có "đường lưỡi bò - đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc trên các trang website phiên bản tiếng Trung.
Cụ thể, các sản phẩm gồm Chanel, Louis Vuitton, YSL, Gucci, Burberry, Saint Laurent... đều có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền vùng biển lãnh hải của Việt Nam và một số nước ASEAN, vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Xe Hanteng Trung Quốc có "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc bị tịch thu (Ảnh: Dân trí). |
Trước đó, thương hiệu H&M cũng dính đến nghi vấn bị Trung Quốc ép sửa chữa đưa bản đồ "đường lưỡi bò" vào website của hãng này tại Trung Quốc. Cộng đồng mạng tại Việt Nam lập tức phản đối, yêu cầu H&M tôn trọng các quy định pháp luật đã được quốc tế công nhận và đồng thời yêu cầu nhãn hàng này loại bỏ "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc.
Rất nhiều người trẻ tại Việt Nam đã lên tiếng sẵn sàng tẩy chay thương hiệu H&M tại Việt Nam nếu như hãng này đăng tải bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc ở Việt Nam, quốc gia thứ 3 hoặc trên trang website quốc tế của hãng này.
Thực tế, các thương hiệu trên bị tố đăng tải bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là do họ sử dụng các bản đồ Baidu, hoặc hệ điều hành riêng của Trung Quốc và bị chính quyền nước này cài cắm. Các hãng, thương hiệu bắt buộc sử dụng phần mềm này mới được bán hàng trên các sàn thương mại điện tử dùng hệ điều hành riêng của Trung Quốc.
Không chỉ các thương hiệu H&M, LV hay Chanel mà trước đây, một số sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc cũng có sử dụng phần mềm có bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc và sau đó bị tịch thu, tiêu hủy tại Việt Nam.
Cụ thể, tháng 11/2019, Dân trí đưa tin các loại xe Volkswagen Touareg, Zotye, Hanteng nhập vào Việt Nam với mục đích "tạm nhập tái xuất", nhập giới thiệu sản phẩm, trưng bày, bán thử nghiệm tại Việt Nam có sử dụng hệ điều hành nội địa Trung Quốc và được cài sẵn bản đồ "đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc.
Ngay lập tức cơ quan Hải quan đã tịch thu các mẫu xe trên, xung công quỹ đồng thời tiêu hủy phần mềm độc hại. Đến nay, việc nhập khẩu các loại ô tô mang thương hiệu nói trên vào Việt Nam đã bị kiểm soát rất gắt gao, đồng thời đối diện với sự tẩy chay của người tiêu dùng và không dễ gì thành công được.
Ngoài xe hơi, thiết bị điện tử, một số loại sách, truyện, tranh ảnh của Trung Quốc được phát hiện tại Việt Nam có in hình lưỡi bò cũng bị Việt Nam thu giữ, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Xe Volkswagen sản xuất ở Trung Quốc có bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp được nhập về Việt Nam trưng bày theo hình thức tạm nhập tái xuất bị phát hiện, tịch thu năm 2019 (Ảnh chụp màn hình, Dân trí). |
Theo các chuyên gia kinh tế, việc sản phẩm bị cài cắm chủ quyền, vấn đề tôn giáo, sắc tộc hoặc phân biệt chủng tộc là vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, vi phạm WTO. Các sản phẩm này sẽ bị thu giữ, tiêu hủy, cấm bán tại một hay nhiều quốc gia.
Việc Trung Quốc đưa ra bản đồ định vị điện tử, bắt buộc các hãng, thương hiệu nước ngoài sử dụng mới được quyền tham gia vào gian hàng trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc là hành vi nguy hiểm và cần bị cộng đồng quốc tế lên án.
Các sản phẩm có chứa thông điệp phi pháp này nếu có nhập vào Việt Nam cũng sẽ bị cấm, xử lý, tịch thu, thậm chí đối diện với sự quay lưng, tẩy chay ngay của cộng đồng, người tiêu dùng.
(Theo Dân Trí)