Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định Geneva, hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa tại khu vực Đông Nam châu Á. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp tại Hà Nội, xác định con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực; chủ trương nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cùng với việc tổ chức Đoàn 559 mở tuyến vận tải theo dãy Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị mọi mặt, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 với mật danh “Đoàn tàu không số” (ngày 29-1-1964 đổi thành Đoàn 125) có nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược quan trọng-Đường Hồ Chí Minh trên biển, để vận chuyển người, vũ khí, trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam, những nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới được. Đây là quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh; đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn đại biểu trò chuyện với cựu chiến binh Đoàn tàu không số. |
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, Đoàn 759 (Đoàn 125) đã khẩn trương làm công tác chuẩn bị, tổ chức xây dựng lực lượng, phương tiện, bến bãi đi và đến. Đồng thời, hết sức coi trọng phát huy nhân tố chính trị-tinh thần, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, bồi dưỡng lập trường giai cấp, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là quán triệt phương án chiến đấu trên biển khi có tình huống xảy ra. Với công tác chuẩn bị chu đáo, tinh thần chiến đấu cao, những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ vượt qua sóng to, gió lớn, bão táp của biển khơi; phá vỡ thế bao vây, ngăn chặn và lùng sục của lực lượng hải quân, không quân Mỹ-ngụy được trang bị hệ thống quan sát, cảnh giới từ xa và vũ khí hiện đại để đi đến các mặt trận của chiến trường miền Nam.
Mỗi chuyến đi của tàu không số là mỗi lần quyết tử, một cuộc đấu trí căng thẳng, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải vừa bình tĩnh, mưu trí, quả cảm lừa dụ địch để đến đích an toàn, vừa sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh, nhiều khi phải phá hủy cả con tàu để bảo vệ bí mật đường vận chuyển. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, địch phong tỏa đường trong, ta đi đường ngoài; địch phong tỏa biển gần, ta đi biển xa; địch phong tỏa theo tuyến biển dài, ta đi phân đoạn; địch ngăn chặn tuyến này, bến này, ta mở ra tuyến khác, bến khác; địch phát hiện ra phương thức vận chuyển này, ta tìm ra phương thức vận chuyển khác...Từ trong gian khổ, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã đề xuất, tổ chức tiếp nhận, hoán cải phương tiện để có trang bị phù hợp, hiệu quả; giữ nghiêm kỷ luật chiến trường; kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai, giữa du kích và chính quy, truyền thống và hiện đại, sáng tạo ra chiến thuật độc đáo trong vận tải. Đồng thời, biết khéo léo kết hợp cải dạng, ngụy trang, nghi binh với các biện pháp táo bạo, bí mật, bất ngờ, thọc sâu vào bến nhanh chóng, quay vòng tăng chuyến, bảo đảm hiệu quả và an toàn.
Theo tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vận tải quân sự trên biển ngày đầu chỉ có 4 tàu gỗ thô sơ gắn máy từ miền Nam đưa ra và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, sau một thời gian hoạt động đã phát triển thành lữ đoàn vận tải, đảm nhiệm hướng chi viện chiến lược trên biển, với những trang bị từng bước được hiện đại. Từ chỗ chỉ có tàu gỗ, hoạt động ven bờ đã phát triển lên những đội tàu vỏ sắt, hoạt động xa bờ, dài ngày, tận dụng đường hàng hải quốc tế và cả vùng biển nước bạn, đi bằng hàng hải thiên văn, trà trộn vào những tàu, thuyền của ngư dân hoạt động ven biển để cập bến an toàn, đưa vũ khí, đạn dược, cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường đúng lúc, đúng thời cơ. Mặc dù phải đối mặt với kẻ địch có ưu thế kiểm soát trên không, trên biển, nhưng với tinh thần quả cảm, tinh thông nghiệp vụ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số luôn làm tốt công tác tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng, kết hợp chiến thuật với kỹ thuật; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa sở chỉ huy với tàu, giữa tàu với các bến bãi...
Trong suốt 15 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong những hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, ác liệt. Hàng nghìn lượt tàu ra khơi, về đích; hàng trăm nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh; hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Con đường vận tải trên biển đã trở thành một kỳ tích huyền thoại, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975).
Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) huấn luyện chiến đấu phòng không trên biển. |
Đường Hồ Chí Minh trên biển đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20 như một thiên anh hùng ca bất tử, một chiến công chói lọi trên mặt trận chi viện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng mở đường vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ chiến tranh ác liệt, lực lượng vận tải quân sự đường biển đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng: 1. Trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân; nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm; khát vọng độc lập, tự do và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng; sẵn sàng xả thân chiến đấu, hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 2. Phát huy sức mạnh tổng hợp, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền nhân dân các địa phương và bạn bè quốc tế để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 3. Nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; đoàn kết, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; nắm vững khoa học-kỹ thuật; khắc phục khó khăn, phá thế bao vây của địch; linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, liên tục tiến công, quyết chiến, quyết thắng; tìm ra nhiều phương thức vận chuyển có hiệu quả cho cách mạng miền Nam. Truyền thống đó luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần, ý chí, quyết tâm cao độ của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đất nước thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ trọng tâm của Hải quân nhân dân Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh mới, Hải quân nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, chấp hành nghiêm mệnh lệnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, từng bước xây dựng, hoàn thiện thế bố trí chiến lược trên biển, đảo. Lực lượng vận tải quân sự đường biển của hải quân có bước phát triển nhanh chóng cả về tổ chức, biên chế, quân số, vũ khí, trang bị, luôn phát huy truyền thống của Đoàn tàu không số năm xưa, cán bộ, chiến sĩ vận tải hải quân luôn mưu trí, sáng tạo, thực hiện đúng đối sách, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường ổn định, đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc các tuyến biển, đảo của Tổ quốc.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị-xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo ngày càng gay gắt; Hiệp hội các nước ASEAN tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn thế giới. Những thành tựu, kinh nghiệm của công cuộc đổi mới đã tạo ra cho đất nước ta thế và lực mới. Tuy nhiên, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt; các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn quân, trực tiếp là hải quân và các lực lượng tác chiến trên biển cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống của Đoàn tàu không số năm xưa; quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả quan điểm, mục tiêu: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(*) mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Trước hết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cần thống nhất nhận thức rằng: Chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không thể đánh đổi và nhân nhượng. Để bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải: “Kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược”; mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, song cũng phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý các tình huống; lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước làm mục tiêu tối thượng. Đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nòng cốt, trực tiếp là Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các địa phương có biển tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; trọng tâm là: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Biển Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045..., phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thấy được tính chất phức tạp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay để xác định trách nhiệm, củng cố niềm tin, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, truyền thống, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ; tinh thần quả cảm của người chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa, cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển phải luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”, đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, thực sự là điểm tựa tin cậy cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế. Nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; chủ động, sáng tạo trong công tác; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí mới, hiện đại, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) huấn luyện hiệp đồng vận tải đổ bộ với lực lượng không quân. |
Thứ hai, tập trung xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện; lực lượng Đặc công nước tinh nhuệ, lực lượng Kiểm ngư vững mạnh; dân quân tự vệ biển vững mạnh, rộng khắp,... có chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.
Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; cảnh giác, tinh thông nghiệp vụ, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Để hoàn thành trọng trách được giao, việc tổ chức biên chế các lực lượng phải có cơ cấu hợp lý, cân đối, đồng bộ theo hướng tinh, gọn, mạnh. Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh bố trí các lực lượng cho phù hợp với thế trận tác chiến phòng thủ biển, đảo, yêu cầu của Chiến lược phát triển kinh tế biển và điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn ở từng vùng, từng khu vực cụ thể trên biển; hình thành thế bố trí lực lượng quốc phòng tổng thể, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo trong thời bình và khi có tình huống.
Cùng với đó, cần quan tâm đến công tác bảo đảm vũ khí, trang bị cho từng lực lượng; bên cạnh việc khai thác, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, cần tích cực đầu tư nghiên cứu, cải tiến, mua sắm mới một số loại vũ khí hiện đại, phù hợp với điều kiện của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập quân sự, nghiên cứu phát triển phương thức, nghệ thuật tác chiến, nhất là tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng, không ngừng nâng cao khả năng làm chủ trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tích cực tham gia phát triển kinh tế quốc phòng trên biển, đảo ở lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên những vùng biển, đảo xa, tiền tiêu, còn nhiều khó khăn, góp phần tạo thế và lực bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Thứ ba, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Thế trận quốc phòng toàn dân trên biển là một bộ phận thế trận quốc phòng toàn dân, bộ phận quan trọng của thế trận phòng thủ đất nước cần được xây dựng, củng cố và tăng cường. Trước hết, cần tập trung xây dựng, củng cố thế bố trí lực lượng, phương tiện quốc phòng trên biển, đảo của Việt Nam theo một ý định chiến lược thống nhất, nhằm phát huy cao độ sức mạnh quốc phòng của đất nước trên hướng biển, tạo thế phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu lấn chiếm và sẵn sàng đánh bại mọi hành động tiến công xâm lược nước ta từ hướng biển. Trong quá trình xây dựng, phải xác định được các vùng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm, tầm quan trọng của từng vùng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; từ đó, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện, thiết bị chiến trường, công trình quốc phòng cho phù hợp với điều kiện địa hình, đối tượng tác chiến, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ để tạo lập thế trận vững chắc. Việc bố trí phải bảo đảm sự cân đối, hợp lý để phát huy được sở trường, thế mạnh của các lực lượng trong phối hợp, hiệp đồng, trong quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, phải hết sức coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là xây dựng các đảo, quần đảo, huyện đảo trở thành các pháo đài phòng thủ kiên cố, liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, nhiều tầng, nhiều tuyến từ biển vào bờ.
Quán triệt quan điểm mỗi bước phát triển kinh tế biển phải là một bước tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước trên biển, cần kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên hướng biển; coi đó là một mặt trọng yếu, phương châm chiến lược trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển. Thường xuyên chăm lo đầu tư xây dựng hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật chiến lược vững mạnh; nâng cao hiệu quả và năng lực vận tải biển nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời cơ sở vật chất, hậu cần, vũ khí, trang bị cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Đặc biệt, phải coi trọng yếu tố chính trị-tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, nhằm khơi dậy, huy động sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố và là sự kết hợp chặt chẽ trên tất cả các mặt trận, các lĩnh vực hoạt động: Quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp lý; trong đó, đối ngoại quốc phòng có vai trò hết sức quan trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bên cạnh việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, tăng cường hợp tác, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, “tạo sự đan xen lợi ích”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Các lực lượng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định. Thực hiện nhất quán phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định, kiên trì nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, đối ngoại quốc phòng phải thực sự là một trong những trụ cột quan trọng của ngoại giao Nhà nước, góp phần xây dựng lòng tin, tạo thế cân bằng chiến lược giữa các nước lớn, được triển khai linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tiễn đất nước, khả năng của từng lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đặc điểm của từng đối tác với mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển và hội nhập. Đồng thời, chủ động nắm, dự báo sớm tình hình, nhất là sự điều chỉnh chiến lược, sách lược của hải quân các nước lớn và các nước trong khu vực; đề xuất sáng kiến duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như phối hợp hoạt động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, hỗ trợ nhân đạo, bảo vệ môi trường biển, v.v.. kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng cũng như xử lý các vấn đề trên biển; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, không để bị động, bất ngờ hoặc bị cô lập về ngoại giao trong giải quyết những vấn đề liên quan đến biển, đảo, nhất là Biển Đông.
Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển là dịp để chúng ta ôn lại, tự hào và phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực để cán bộ, chiến sĩ quân đội tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xứng đáng với vai trò nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tướng, TS. PHAN VĂN GIANG
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng