Gần đây, nhiều người truyền tai nhau, tại một số tỉnh vùng biên, thịt lợn chết được chào bán với giá siêu rẻ. Điều lo là loại thịt này đã có mặt ở Hà Nội và một số tỉnh phụ cận.
Lợn chết giá bèo và sự khôn lỏi của dân buôn Trung Quốc
Trong vai người đi tìm thực phẩm giá rẻ để phục vụ cho công nhân một số xưởng may ở Hà Nội, chúng tôi đã tiếp nhận được thông tin giật mình này.
Theo một đồ tể từng một thời thu mua lợn chết ở ngoại thành Hà Nội thì lên biên giới, mua bao nhiêu cũng có và giá thì rất mềm, chỉ chừng 30 nghìn đồng/kg.
Từ lời chỉ dẫn của đồ tể này, chúng tôi đã ngược lên Lạng Sơn, nơi được cho là có nhiều đầu mối chuyên cung cấp thịt lợn… giá bèo.
Cửa ngõ vào thành phố Lạng Sơn mấy năm nay có nghề đặc biệt: Tắm, mông má lợn. Nghề này dành cho những gia đình ở gần quốc lộ và có đất rộng.
Xe tải cỡ lớn chở hơn trăm con lợn từ tỉnh xa về thì đều dừng ở những điểm này để những đệ tử của lão Trư được làm đẹp, chau chuốt trước khi xuất qua biên giới.
Một điểm tân trang lợn ở cửa ngõ Lạng Sơn. |
Ở biên giới Lạng Sơn, lợn được xuất qua một đường duy nhất ấy là cửa khẩu Chi Ma thuộc huyện Lộc Bình. Nguồn tin chúng tôi có được, thịt lợn siêu rẻ cũng từ cửa khẩu này mà đổ về xuôi.
Chúng tôi đến Chi Ma khi xế chiều. Lúc này, những xe tải dài đuỗn vẫn nối đuôi nhau kìn kìn tiến vào cửa khẩu.
Tạt vào một quán ăn chuyên phục vụ cho cánh lái xe đường dài, vẫn trong vai người cần mua lượng lớn thịt lợn giá rẻ để phục vụ các xưởng may công nghiệp ở Hà Nội, tôi dò hỏi về nguồn gốc loại hàng siêu rẻ này.
Chủ quán là một chị người bản địa, chị kể vanh vách về những đầu mối mà tôi có thể liên hệ để nhập hàng.
Theo chủ quán này, thịt lợn siêu rẻ không phải là lợn Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng. Đó là lợn của ta và sở dĩ rẻ là bởi chúng đã chết trên đường vận chuyển đến đây.
“Những ngày xe về nhiều, lợn chết người đưa ra cả đống ấy chứ. Ngày thường, mỗi con lợn chết nặng cả tạ người ta bán với giá 500-600 nghìn thì ngày đông xe chỉ còn 200-300 nghìn thôi. Thậm chí người ta còn cho không ấy chứ.
Không cho thì để làm gì, mang đi chôn vừa mất thời gian vừa mất tiền để làm thủ tục. Bán được đồng nào tốt đồng đấy mà”, bà chủ quán ăn cho biết.
Tìm hiểu rõ hơn về “thị trường lợn chết” ở đây, chúng tôi đã bám theo một xe tải chở cả trăm con lợn đang nặc nè tiến vào sát biên giới. Và, có vào sát biên mới thấy người Trung Quốc khôn ngoan thế nào trong việc thu nhập... đệ tử lão Trư.
Không biết những hoạt động kiểm dịch họ làm như thế nào, nghiêm ngặt đến đâu nhưng cái cách họ “nhập hàng” thì thì cũng đủ thấy họ có thừa sự… khôn lỏi.
Họ nhập hàng bằng cách lùa lợn qua núi.
Qua trạm kiểm soát liên ngành, xe chở lợn cứ nhắm cung đường bê tông chạy dọc theo biên giới thẳng tiến.
Cung đường này có nhiều bãi tập kết lợn. Theo quan sát của chúng tôi, tại mỗi điểm tập kết ấy người ta đều đào những giao thông hào sâu ngang ngực người để đưa lợn vượt biên.
Đến điểm tập kết, lợn trên xe được lùa xuống và cứ theo những giao thông hào ấy mà bò ngược lên núi để sang bên kia biên giới.
Chỉ những con lợn khỏe khoắn, trường sức mới có thể vượt qua được “cửa ải” này. Những con bị nhồi no, hoặc có “chất lạ” thì không thể lết qua, thậm chí bỏ mạng giữa đường.
Chân dung ông trùm buôn bán lợn chết Hải "quạ" |
Không “vượt vũ môn” thì các thương lái bên kia đương nhiên là không mua nữa.
Theo quy định, những đệ tử lão Trư vắn số ấy phải được đưa đi tiêu hủy. Tuy nhiên, ở đây người ta không làm như vậy.
Lợn chết, thậm chí chết nhiều ngày vẫn được người ta thu mua rồi tuồn ra thị trường mà chủ yếu về Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam…
Diện kiến “ông trùm lợn chết”
Quay trở lại khu vực bên ngoài khu kiểm soát liên ngành, chúng tôi dò hỏi đường dây thu mua lợn chết. Và tại các điểm “tắm lợn” ở ngay cạnh cửa khẩu chúng tôi dễ dàng có được tung tích của những đầu mối này.
Hải “quạ”, ông trùm thu mua lợn chết là người đầu tiên chúng tôi được giới thiệu. “Ở đây hỏi Hải quạ thì ai chẳng biết. Ông này thu mua lợn chết lâu năm ở đây mà. Cần mua bao nhiêu thì cứ liên lạc với ông ấy”, chủ một điểm tắm lợn nói.
Sớm hôm sau, vẫn trong vai người đang tìm mối lợn siêu rẻ để nhập về phục vụ công nhân xưởng may ở Hà Nội, chúng tôi liên lạc với ông trùm Hải “quạ”.
Qua điện thoại, Hải quạ mời chúng tôi đến nhà ông ta ở thị trấn Lộc Bình để “bàn chuyện làm ăn”.
Lợn chết được mổ cấp tốc trong lò của Hải "quạ". |
Nhà Hải “quạ” ở ngay giữa chợ Lộc Bình. Nhà xây mấy tầng, rộng thênh thang. Khi nghe chúng tôi trình bày mục đích của mình, Hải “quạ” nói luôn: “Mua lợn chết thì chỉ có tôi là số một ở đất này. Nhiều đầu mối ở Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam vẫn lấy hàng của tôi”.
Vừa nói Hải quạ vừa tìm cuốn sổ ý khoe danh sách khách hàng của mình.
Theo “ông trùm lợn chết” này thì vài năm nay, việc làm ăn của ông ta lên như diều bởi lợn từ khắp nơi tụ về cửa khẩu nhiều. “Hàng thì cũng tùy hôm nhưng hôm ít vài tạ, hôm nhiều thì đến cả tấn cũng có”, Hải “quạ” thao thao.
“Nếu lấy hàng ở đây thì tôi bán đổ đồng là 30 nghìn/kg. Còn về Hà Nội thì 35 nghìn, hộp xốp đóng hàng tôi chịu, cước xe các chú chịu. Yên tâm, xe họ chở họ cũng lo thủ tục hết rồi, không sợ gì đâu”, Hải “quạ” khẳng định.
Theo ông trùm này “bán đổ đồng” nghĩa là trong lô hàng mà ông ta xuất đi có lẫn lộn cả lợn vừa mới chết và chết đã lâu. “Con mới chết thì thịt nó còn đỏ, con chết lâu thì thịt nó đã trắng ra rồi”, Hải “quạ” giải thích.
Theo lời Hải “quạ”, lợn vừa chết thì ăn vô tư, còn lợn chết lâu rồi thì cũng… hơi có mùi một tí.
“Yên tâm, ăn không chết được đâu! Cần thiết thì cho thêm tí chất khử mùi, loại này họ bán đầy ấy mà”, ông trùm này mách nước.
Tận thấy tổng kho thịt lợn chết ngay giữa chợ
Thấy chúng tôi vẫn còn băn khoăn về chất lượng của thịt siêu rẻ, “ông trùm lợn chết” bồi thêm: “Anh ở đây làm bao nhiêu năm, có uy tín rồi. Các chú cứ yên tâm, hàng của anh là hàng đảm bảo. Không tin lát nữa anh đưa các chú xuống lò xem”.
Nghe Hải “quạ” nói vậy, chúng tôi gật gù tỏ ý muốn xem hàng trước khi đưa ra quyết định.
Không chút nghi ngờ, Hải “quạ” lấy xe rồi cùng một “đồng nghiệp” của mình dẫn chúng tôi đi thăm lò mổ.
Lò mổ là khu ngôi nhà cấp 4, cũng ở ngay chợ Lộc Bình, cách nhà của ông trùm này chừng vài trăm mét.
Ngôi nhà luôn cửa đóng then cài và do một chiến hữu thân tín của ông trùm này trông coi.
Nếu không có cái mùi khó chịu bốc lên nồng nặc thì thoảng qua, không ai có thể biết ngôi nhà đó lại là nơi Hải “quạ” sơ chế lợn chết và cũng là kho đông lạnh để giữ hàng.
Trong nhà là mấy cái tủ cấp đông to bổ chảng. Hải “quạ” bảo, mấy chiếc tủ ấy để chuyên để trữ thịt khi chưa kịp chuyển đi cho khách.
“Bọn anh làm ăn chuyên nghiệp, hàng về đến đâu là chuyển ra xe đưa đi đến đấy. Cũng có nhiều hôm lợn chết nhiều, không bán hết thì phải trữ lại chờ hôm sau thôi”, vừa mở một lắp tủ, Hải “quạ” vừa giải thích.
“Đấy, hàng thế này thì có vấn đề gì đâu, để vài năm còn được nữa là”, vừa nhấc trong tủ ra những tảng thịt đông cứng to như cái nồi cơm điện rồi quẳng bôm bốp xuống sân ông trùm này giới thiệu.
Theo Hải “quạ”, những miếng thịt còn ngon, loại một thì còn màu đỏ, loại không ngon, ông trùm này thường gọi là loại hai thì trắng bệch.
“Làm bếp người ta khác biết chế biến, loại nào phù hợp với món gì, cứ yên tâm đi. Mà nói chung tiền nào của đấy cả thôi”, Hải “quạ” phân trần.
Bê ra một bọc thịt đã thái thành những miếng nhỏ cỡ hai đầu ngón tay, Hải “quạ” giới thiệu đó là thịt phục vụ cho những cửa hàng bún chả.
“Cứ tẩm ướp rồi nướng thơm lừng, đố ai biết được mình đang chén cái gì”, Hải “quạ” cười khoái trá.
Theo Trí thức trẻ