- Sau khi thông xe, những con đường đắt nhất hành tinh chỉ phơi ra thêm những sự nhếch nhác, thiếu tầm nhìn của quy hoạch đô thị thành phố Hà Nội.
Đường Trần Phú kéo dài khánh thành tháng 2/2015, sau hơn 20 năm quy hoạch treo. Để xây dựng con đường, Hà Nội đã thu hồi 11.750m2 của 187 hộ dân, tổng mức đầu tư tới 225 tỷ đồng, Có chi phí trung bình 0,5 tỷ/m.
Khi con đường này khánh thành, người ta cảm thấy ngạc nhiên với tòa chung cư này bỗng nhiên chễm chệ vị trị mặt đường đắc địa bậc nhất Hà Nội.
Tuy nhiên những gì thể hiện xung quanh thì vô cùng đáng thất vọng. Những hộ dân sống trên đường Trần Phú kéo dài tiếp tục phải chờ đợi quy hoạch và không được cấp phép xây dựng. Ông Bình, một công dân hơn 70 tuổi, sống trong khu phố này cho biết: "Nhìn đoạn đường này không khác gì thời máy bay Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc."
Khu nhà tập thể này theo quy hoạch thì bị lấy mất cái nhà vệ sinh công cộng của cả khu. Xây mới thì không được xây, mà cũng không có đất. Các hộ dân chỉ biết chung nhau làm cái thùng nhựa công cộng như vậy để "giải quyết nỗi buồn".
Con đường mới hình thành, thấp hơn nền móng cũ của các nhà dân gần 1m. Đôi vợ chồng già này bức xúc: "Giờ khu vực của chúng tôi thấy bảo tiếp tục quy hoạch vườn hoa. Các ông quy hoạch thế nào thì phải cho dân cái lịch hẹn, và thực hiện cho đàng hoàng. Giờ ông treo quy hoạch lên vài năm, thì chúng tôi cứ kê gạch mà vào nhà thế này mãi à?"
Nhà cao hơn mặt đường cũng là tình trạng của đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Con đường khánh thành tháng 2/2015, thu hồi 28.986 m2 đất, tổng mức đầu tư dự kiến 969 tỷ đồng, trung bình 1,7 tỷ/m.
Tuy nhiên, nhà dân nơi đây tình trạng chung là cao hơn mặt đường khoảng 1m, có nơi cao gần 2m. Và giữa con đường đắt nhất hành tinh này, người dân vẫn phải bắc cầu khỉ vào nhà.
Một chủ thầu xây dựng đang nhận công trình trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài cho biết những ngôi nhà ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng về kết cấu móng. Giờ chỉ có giải pháp gia cố bằng đổ thêm bê tông và người dân khoét nhà để làm cầu thang.
Ông Hoàng - người dân ở đây mỉa mai: "Nhìn phố này bây giờ cứ như mấy thành phố cổ châu Âu, nhà nào rồi cũng có cầu thang chênh vênh trước cửa. Hy vọng là đến lúc Hà Nội ngập, chắc chỉ có phố này là không bao giờ nước vào được đến nhà."
Con đường này còn phơi ra những ngôi nhà dị dạng khi sau giải tỏa chỉ còn vài mét vuông.
Thửa đất 1,7 m2 của ông Nguyễn Phương Châm là chút ít còn lại của diện tích 60,2 m2 trước khi mở đường thế nhưng ông vẫn kiến quyết rao bán với giá hàng trăm triệu đồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Không thiếu những ngôi nhà như chuồng chim này trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Trong khi đó, tại đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, có không ít hộ dân nhà thấp hơn mặt đường.
Theo Báo Đất Việt