Xin đừng hủy hoại những nét đẹp của văn hóa châu thổ sông Hồng. Xin đừng làm khó thêm cho đời sống dân quê chúng tôi!
Tượng đài, khu tưởng niệm, thường được xếp vào những hạng mục công trình văn hóa. Mấy tháng nay, tại làng Yên Phú (xã Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên), một công trình xây dựng, nâng cấp khu tưởng niệm đang được tiến hành. Cứ ngỡ rằng đã là một công trình văn hóa thì nhất định phải tôn thêm văn hóa.
Lợi bất cập hại
Nâng cấp đường ư? Tốt. Song, việc này không được phép làm hỏng việc khác. Xưa, đường làng nơi đây lát gạch nghiêng đã đủ rộng để hàng năm rước những cỗ kiệu đại chạy quanh làng. Không phải đến giờ làng Yên Phú mới có đường rộng, được hưởng “lộc” của khu tưởng niệm. Người lớn tuổi cho biết đường rộng đến mức những năm thời Pháp thuộc, những cỗ xe bọc thép của Pháp đã chạy trên đường làng trong những trận càn quét.
Đường lát gạch nghiêng đã có như thế qua bao thế hệ. Còn nhớ, khi người viết bài này còn nhỏ, sau mỗi trận mưa rào, con đường gồ sống trâu lại đỏ au, hai bên là những hàng tre hoặc những cây thị, cây sấu thân to hơn vòng tay người lớn, lối vào làng có cổng và điếm canh nên gọi là cổng Điếm. Còn nhớ, ngành giáo dục khi đó từng phát động phong trào học sinh làm “kế hoạch nhỏ” và thế là học sinh cậy gạch đường làng nộp cho trường để hoàn thành nhiệm vụ. May mắn sau đó “kế hoạch nhỏ” chuyển sang gom giấy vụn.
Phải công nhận rằng việc cải tạo đường thoát nước, hệ thống chiếu sáng và lát lối đi dạo quanh hồ làm cho những cái hồ đẹp thêm, làng xóm đẹp thêm. Cải tạo đường không có gì đáng phàn nàn nếu như nó đồng thời tạo thêm thuận lợi chứ không làm khó thêm cho người dân! Nhưng mấy tháng nay, đường làng đang yên đang lành bỗng bị đào bới, chỗ nào cũng dở dang, ngổn ngang những tảng bê-tông như cạm bẫy cho người đi đường, cát bụi ô nhiễm mù mịt, gây không ít khó khăn cho đời sống hàng ngày.
Với những làng quê khác, bê-tông hóa đường làng có thể là một may mắn, nhưng với nơi đây thì không hẳn như vậy, vì đường làng đã được lát gạch nghiêng từ cả trăm năm nay rồi. Nhiều nhà dân, bất kể xây từ những năm 1920 hoặc mới xây dựng gần đây, đều bỗng nhiên thấp hơn đường làng đang bị bê-tông hóa.
Con đường gạch rất đẹp ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Dulichvietnam.com.vn |
Hẳn ai cũng phải hiểu rằng đường làng trước hết là đường đi hàng ngày của người dân nơi đây qua nhiều thế kỉ. Về mặt văn hóa, đình chùa cổ kính, cây đa cổ thụ và dãy hồ dài nối hai ngôi đình với nhau cùng những đường lát gạch nghiêng làm nên nét đẹp đặc trưng của một làng quê châu thổ sông Hồng.
Điều đáng tiếc là người ta ồ ạt đổ bê-tông trùm lên những con đường làng được lát gạch nghiêng có cả trăm năm tuổi này. Họ đã hăm hở đổ bê-tông và đinh ninh rằng họ đang “gia ơn” cho văn hóa mà không biết rằng việc làm đó đang hủy hoại nét văn hóa có lẽ không bao giờ tìm lại được.
Sân đình Ngự, tên ngôi đình cổ của làng luôn ngào ngạt hương hoa đại, vốn mấy trăm năm vẫn cao hơn đường gạch đến nửa mét, sau hai lần bê-tông hóa, nay đã thấp đi hơn đường bê-tông của các “cán bộ văn hóa”. Mỗi trận mưa, các cụ liệu mang xô chậu ra mà tát nước hoặc mang vó ra kéo cá. Tảng đá xanh cao trên nửa mét xưa kia đặt trước cửa đình để chấn long mạch nay mất tăm dưới lớp bê-tông vô hồn.
Biết bao thế hệ trẻ thơ được cảm nhận cái cảm giác mát rượi mỗi khi nằm dài trên phiến lá xanh ấy những đêm hè. Các cụ già thường bảo nếu hòn đá đó bị xê dịch, làng có thể có động. Không biết điều đó đúng đến đâu, nhưng làng quê ngày càng hỗn loạn với nhiều tệ nạn. Làng Yên Phú, một cái tên thật đẹp, vừa yên vừa phú. Song nay đã không còn yên với những tiếng xe máy gầm rú trên đường bê-tông, còn phú hay không thì chưa biết.
Ngôi đình uy nghiêm đứng đó mấy trăm năm nay giờ gù thấp xuống tựa như một người già bị loãng xương không đứng thẳng được lên. Điều đáng buồn hơn nữa, các cán bộ văn hóa đã xếp hạng ngôi đình này đã và đang… hạ “cấp” nó.
Khi đường làng còn nguyên thủy, một vị quan chức cao cấp thi thoảng một mình vi hành về thăm chốn đây, mỗi chiều tối đã thả bộ trên những con đường này và rất khen những con đường gạch đẹp khi trò chuyện với dân làng. Nay thì còn đâu…
Số phận những “công trình chào mừng”
Dân làng tôi không biết kêu ai – hỏi huyện, huyện không biết, hỏi tỉnh, tỉnh không biết,… chỉ biết xe ủi, người đào đường cứ thế là đào, phá. Người nông dân quen sống an phận càng không biết nói với ai. Mọi người chỉ biết đoán già đoán non chắc là do cơ quan “văn hóa cấp trên”. Vậy xin hỏi, việc chôn vùi những con đường lát gạch nghiêng dưới lớp bê-tông vô hồn kia liệu có phải việc giữ gìn văn hóa hay không?
Về chất lượng công trình, người dân chứng kiến cảnh thợ nối các thanh bê-tông đổ bị hụt để làm mái nhà tưởng niệm. Khi được hỏi về độ an toàn, người thợ đang hàn nối trả lời: “Có gẫy cũng phải dăm bảy năm sau. Chúng cháu làm theo lệnh?” Nay họ không cho dân vào quan sát nữa. Không biết đến khi nào thì những thanh bê-tông nối kia sẽ gây thảm họa cho người tham quan? Đó là chưa kể đến việc lấp quấy quá những chỗ đào bới. Hẳn chủ đầu tư không thể không biết những việc này.
Chẳng lẽ mọi “công trình chào mừng” đều chung số phận mặc định ấy sao?
Dường như ở xứ mình, ai làm việc gì chỉ cần biết việc của mình, không cần biết việc đó ảnh hưởng đến người khác hay không. Vì thế đôi khi việc nọ… vô tình phá việc kia. Đơn cử, khi làm đường cắt ngang khu dân cư tồn tại cả trăm năm, người làm đường chỉ biết làm đường mà không cần quan tâm đến việc hai nửa làng ấy sang nhau bằng cách gì khi không có đường sang dù là trên cao hay chui ngầm. Mặc kệ! Thế là người dân bất đắc dĩ trở thành kẻ vi phạm pháp luật là phá rào hoặc vi phạm luật giao thông là băng qua đường bất chấp tính mạng.
Xin đừng hủy hoại những nét đẹp của văn hóa châu thổ sông Hồng… Xin đừng làm khó thêm cho đời sống dân quê chúng tôi!
Về văn hóa, hẳn nhiều người làm văn hóa đều biết xã Giai Phạm còn là quê hương của Hồng Hà Nữ sĩ. Cũng có lẽ chính từ bà mà Nguyễn Bình - Nguyễn Phương Thảo đã cảm thụ được nghệ thuật ngôn từ mà ông thể hiện cảnh buồn với bài thơ có tiêu đề tiếng Pháp của ông “Dans la Paillote”.
Chắc giờ đây, thấy cảnh này, Hồng Hà Nữ sĩ đang buồn bã tự vấn “Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?”
Nguyễn Phương