Trong 5 năm trốn truy nã, Giang Kim Đạt đã di chuyển qua nhiều nước Châu Á sinh sống. Còn cuộc "đào tẩu" của Dương Chí Dũng ngắn hơn, dù có nhiều người giúp sức.

Ba tháng rời ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lên làm Cục trưởng Hàng hải, ông Dương Chí Dũng bị nhà chức trách phát hiện có nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế khi điều hành Vinalines.

Tháng 5/2012, cơ quan điều tra khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Dũng về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các quyết định tố tụng đã không thể tống đạt do thời điểm này ông ta đột nhiên "biến mất". Lệnh truy nã đặc biệt và lệnh truy nã quốc tế Dương Chí Dũng sau đó được Bộ Công an phát đi.

Cuộc "đào tẩu" của Dương Chí Dũng

Chiều 17/5/2012, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng được cho là nghe thông tin sẽ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Dũng báo cho em trai là Dương Tự Trọng (Phó giám đốc Công an Hải Phòng lúc đó) và được hướng dẫn tạm thời đến trốn ở nhà người quen tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Dương Tự Trọng sau đó triệu tập một số đồng đội thân tín gồm Vũ Tiến Sơn (khi đó là Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng), Hoàng Văn Thắng (cán bộ Công an Hải Phòng), đến phòng làm việc thông báo tình hình. Họ cùng nghiên cứu phương án đưa Dương Chí Dũng xuất ngoại.

Để tránh sự để mắt của cơ quan điều tra, ông Trọng giao Phó trưởng phòng cảnh sát hình sự Vũ Tiến Sơn đứng ra xử lý mọi việc, từ liên lạc, tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các đồng phạm.

{keywords}

Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình trong phiên tòa phúc thẩm năm 2014.

Nhận việc từ ông Trọng, Sơn lệnh cho các chiến hữu tập kết tại nhà bố mẹ đẻ của mình ở quận Kiến An, Hải Phòng để lên kế hoạch.

Trưa 19/5/2012, nhóm Sơn gặp nhau và thống nhất tìm mọi cách để Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sau đó sang Mỹ. Quá trình di chuyển, nhóm này liên tục thay đổi địa điểm, phương tiện, sim điện thoại... để tránh sự truy lùng của cơ quan điều tra.

Sau khi nhập cảnh trót lọt vào Campuchia, trưa 23/5/2012, các thuộc cấp của Phó giám đốc Công an Hải Phòng đặt phòng cho Dương Chí Dũng ở khách sạn, chờ hôm sau bay qua Singapore, rồi nhập cảnh vào Mỹ.

Do không được nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5/2012, ông Dũng buộc phải quay lại Campuchia. Trước tình thế đó, Dương Tự Trọng tiếp tục triệu tập Vũ Tiến Sơn yêu cầu bố trí chỗ để Dương Chí Dũng ăn ở an toàn. Trước khi chia tay Sơn, ông Trọng gửi 30.000 USD cho anh trai.

Sau thời gian truy tìm ông Dũng ở trong nước không có kết quả, cơ quan điều tra đã liên hệ với Interpol phát lệnh truy nã quốc tế.

Ngày 4/9/2012, ông Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ. 5 tháng sau (ngày 22/2/2013), ông Trọng bị bắt khi đang giữ chức Phó cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội, Bộ Công an.

Giang Kim Đạt bỏ trốn cùng “núi tiền”

Trung tuần tháng 7/2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thông báo kết luận ông Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.

Một tháng sau đó, Tổng cục An ninh, Bộ công an xác lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin. Qua đó, cơ quan chức năng đã khởi tố tổng cộng 12 vụ án, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã 2 người.

{keywords}

Đạt tham ô 18 triệu USD rồi bỏ trốn nhiều năm.

Kết thúc điều tra giai đoạn một, nhà chức trách xác định còn một số người giữ vai trò mắt xích quan trọng trong vụ án đang bỏ trốn cùng tiền, tài sản lớn của Nhà nước chưa được thu hồi. Trong số này có Giang Kim Đạt, quê ở Thái Thụy, Thái Bình, tạm trú ở quận 2, TP.HCM.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Đạt nguyên là quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vinashinlines.

Tài liệu điều tra thể hiện, Giang Kim Đạt có hành vi cố ý làm trái và “rút ruột” trong vụ mua tàu Hoa Sen. Đáng chú ý, trước khi vụ án được khởi tố, Đạt đã đoán được nên lẩn trốn ra nước ngoài.

Từ tháng 8-11/2010, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can Giang Kim Đạt, ra quyết định truy nã, gửi thông báo đến Interpol.

Quá trình truy xét, cơ quan điều tra đã dựng được hành trình trốn chạy truy nã 5 năm của Đạt. Theo đó bị can đã di chuyển từ Việt Nam sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nước khác. Trong 5 năm đó, điểm dừng chân lâu nhất của Đạt là Singapore.

Được sự phối hợp của cơ quan an ninh nước bạn và Tổ chức cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), Ban chuyên án phát hiện Giang Kim Đạt sống trong một căn hộ cao cấp trị giá hơn 3 triệu USD ở Singapore. Ngày 7/7/2015, sau hơn 5 năm trốn truy nã, Giang Kim Đạt sa lưới.

Tại cơ quan điều tra, Đạt đã thừa nhận hành vi phạm tội Tham ô tài sản. Trong thời gian làm việc ở Vinashinlines (2006-2008), Đạt đảm nhiệm quyền Trưởng phòng Kinh doanh, chức năng tham mưu cho Tổng giám đốc (Trần Văn Liêm) kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty.

Đạt đã thông đồng, cấu kết với nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng. Theo đó, Đạt đòi hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch khi cho thuê tàu từ 1 đến 2 giá. Nhà chức trách xác định Đạt trực tiếp tham gia quá trình đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen).

Tổng số tiền Đạt hưởng lợi từ các giao dịch mua 7 tàu lên đến 1 triệu USD. Cùng với đó, Đạt đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê 9 tàu; thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch, với tổng số tiền khoảng 17,6 triệu USD.

Nhận thức số tiền được hưởng chênh lệch trên là thu nhập bất chính, vi phạm pháp luật và để tránh cơ quan chức năng phát hiện, Đạt không tự đứng ra mở tài khoản nhận tiền mà thông qua người thân trong gia đình (ông Giang Văn Hiển - bố đẻ Đạt), mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Chờ khi tiền về, Đạt báo ông Hiển rút và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân. Đạt sử dụng số tiền này chi tiêu cá nhân, mua bất động sản và gần 10 xe ôtô đứng tên người thân. Ngoài căn hộ trị giá 3,6 triệu USD tại Singapore do Đạt đứng tên, trước đó bị can còn đầu tư một căn hộ tại đảo Sentosa, Singapore và đã bán.

(Theo Zing)