Nhiều bất cập trên các tuyến đường cao tốc
Được gắn mác “cao tốc” nhưng hiện nay nhiều tuyến đường mới đưa vào khai thác được thiết kế mỗi bên chỉ có 1-2 làn xe, bộc lộ nhiều bất cập về tốc độ lưu thông, độ an toàn và tính tiện ích.
Các tuyến cao tốc: Cao Bồ - Mai Sơn – QL45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây… được thiết kế có 4 làn xe (mỗi bên 2 làn đường, mỗi làn rộng 3,5 m), không có làn dừng khẩn cấp.
Điển hình như tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được đưa vào khai thác từ tháng 4/2022 đã góp phần giảm tải cho QL1 qua tỉnh Tiền Giang. Thế nhưng đường được thiết kế chỉ rộng 17 m với 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, do vậy khi tham gia giao thông trên đường chỉ cần một sự cố nhỏ là phương tiện lập tức bị ùn ứ vài cây số là chuyện thường.
Đối với cao tốc 4 làn hạn chế không có làm dừng khẩn cấp, thì phải 4-5 km có điểm dừng. Vấn đề là không phải lúc nào xe gặp sự cố cũng có thể di chuyển về điểm dừng này. Do không có làn dừng khẩn cấp liên tục nên việc cứu hộ xe gặp nạn rất khó khăn…
Trong khi đó, các tuyến cao tốc 2 làn như: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn – Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai… được gắn biển cao tốc, tốc độ xe chạy tối đa 80km/h, nhưng với 1 làn xe mỗi chiều, không có dải phân cách cứng chỉ kẻ vạch sơn liền để phân làn. Do vậy, khi xe phía trước đi với tốc độ chậm thì các xe đi sau phải chấp nhận “bò theo” vì không có vị trí vượt. Trường hợp tài xế muốn vượt chỉ còn cách phải lấn sang làn ngược chiều, tiềm ẩn nguy tai nạn giao thông rất lớn.
Trên thực tế đã diễn ra những vụ tai nạn nghiêm trọng tại cao tốc 2 làn không có dải phân cách cứng, mà nguyên nhân chính là do tài xế lấn làn vượt sai quy định, khi không làm chủ được tình huống rồi đâm vào phương tiện đi ngược chiều.
Bên cạnh bất cập thiết kế thì việc các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác chưa hoàn thiện, thiếu trạm dừng nghỉ cũng gây khó khăn cho chủ phương tiện.
Tại cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo, dù đường dài hơn 250 km nhưng chỉ có 1 trạm dừng nghỉ trên tuyến cũ (đoạn Dầu Giây - Vĩnh Hảo chưa có), vì thế người đi cao tốc phải xếp hàng dài chờ tới lượt đi vệ sinh.
Phân kỳ đầu tư phải hợp lý
Bộ GTVT lý giải về việc phải phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam do khó khăn về nguồn vốn. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc cần nguồn vốn khoảng 813.000 tỷ đồng. Thế nhưng, thực tế đến năm 2020 mới bố trí được 395.000 đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí được thêm khoảng 370.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, kêu gọi vốn tư nhân khó khăn, thì phân bổ nguồn lực, phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp trong giai đoạn vừa qua nhằm xây dựng hệ thống đường cao tốc thông tuyến Bắc Nam, tạo sự lan toả kết nối các vùng, miền.
Nhưng vốn là một phần và có thể giải quyết. Đáng tiếc, vấn đề nằm ở tầm nhìn và tư duy phát triển.
Tuy vậy, việc phân kỳ đầu tư cần được tính toán kỹ dựa trên nhu cầu lưu lượng dự báo phù hợp. Đúng ra, với tuyến đường cao tốc trục xương sống Bắc - Nam ( đặc biệt là tuyến trung Lương - Mỹ Thuận, Cao Bồ - Mai Sơn - QL45) có lưu lượng xe tăng nhanh cần được đầu tư đúng tiêu chuẩn cao tốc hoàn thiện 4-6 làn xe, có làn dừng khẩn cấp ngay từ đầu. Đầu tư như vậy sẽ tránh xảy ra tình trạng đường vừa đưa vào khai thác chưa lâu đã mãn tải.
Ngược lại, đối với các tuyến cao tốc được xây dựng để phát triển kinh tế vùng, có lưu lượng xe thấp có thể đầu tư cao tốc hạn chế, dành nguồn vốn cho các tuyến cao tốc khác.
Để có đủ nguồn lực làm cao tốc hoàn chỉnh, ngoài việc “cởi trói”, tạo động lực để kêu gọi các nhà đầu tư BOT tham gia các dự án cao tốc, nhà nước nên sớm có chính sách bán quyền thu phí các tuyến cao tốc đầu tư công, lấy tiền làm thêm cao tốc mới.
Ngoài ra, nhất thiết phải cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng dự án đường cao tốc. Hiện nay thủ tục đầu tư còn rất rườm rà, giải phóng mặt bằng khó khăn, tình trạng dự án khởi công xong phải chờ mặt bằng, chờ vốn, chờ nguồn vật liệu làm cho dự án chậm tiến độ, tăng mức đầu tư.
Chính vì vậy, tại Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp 5 vừa qua, Quốc hội yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Cần giải pháp khai thác hiệu quả
Thực tiễn những bất cập của các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư chưa chuẩn “cao tốc”, đòi hỏi cần có giải pháp để khai thác an toàn, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 - 100km/h. Đồng thời phải có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc; không đầu tư đường cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.
Thẳng thắn mà nói, với nguồn lực và cách làm hiện nay, ít nhất trong 5 năm tới các tuyến cao tốc hạn chế may ra mới được đầu tư bổ sung để hoàn thiện “chuẩn cao tốc”. Vì vậy trong giai đoạn khai thác thời kỳ đầu, cần có phương án tổ chức giao thông phù hợp, đảm bảo an toàn, tiện ích cho chủ phương tiện.
Về tốc độ lưu thông, đối với các tuyến đường cao tốc 4 làn hạn chế nên quy định tốc độ tối đa 90 km/h thay vì chỉ được chạy 80 như hiện nay. Dù Bộ GTVT thận trọng chờ đánh giá từ thực tiễn, nhưng tốc độ cao tốc không bằng quốc lộ (90 km/h) vẫn là điều khó chấp nhận với chủ phương tiện khi phải mất phí để đi cao tốc với tốc độ xe chạy chậm hơn.
Ngoài ra, để đảm bảo các tuyến cao tốc “chưa đạt chuẩn” khai thác an toàn, hiệu quả cần có phương án cấm các xe có trọng tải lớn đi vào những tuyến đường này, nhất là những tuyến đường chỉ có 2 làn xe hai chiều.
Xe tải trọng lớn đi vào cao tốc thường lưu thông với tốc độ chậm, nên mỗi lần các xe tiêu chuẩn lưu thông với tốc độ cao rất khó vượt do đường hẹp (chỉ 3,5m). Khi cấm xe tải trọng lớn, các xe đồng tốc có thể lưu thông đảm bảo chạy 80 – 90 km/h an toàn, như vậy tổng số xe lưu hành trong một đơn vị thời gian trên cao tốc sẽ nhanh hơn.
Đối với các tuyến cao tốc không có làm dừng khẩn cấp liên tục nên bố trí khoảng cách 1-2 km một điểm dừng khẩn cấp thay vì 4-5 km như hiện nay. Tại các điểm dừng này cần bố trí lối thoát ra đường tránh để công tác cứu hộ dễ dàng hơn, tránh tình trạng xe tai nạn, gặp sự cố là cao tốc tắc không lối thoát.
Ngoài ra, đi cùng với việc sớm xây dựng trạm dừng nghỉ (bố trí nhà vệ sinh, cây xăng…) thì cần xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) giám sát, điều tiết giao thông trên các tuyến cao tốc mới.
Hệ thống ITS ngoài giám sát phát hiện sự cố mất an toàn giao thông thì còn giúp lực lượng chức năng phạt nguội các xe vi phạm (chạy sai làn đường, quá tốc độ…). Khi xảy ra sự cố cần cứu hộ, đơn vị vận hành cao tốc có thể ngồi một nơi điều hành cứu hộ nhanh chóng.
Cao tốc không làn dừng khẩn cấp liên tục cũng được xây dựng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng các điểm dừng được bố trí rất gần (chỉ 1-2 km một điểm). Khi xe gặp sự cố trên đường Trung tâm điều hành cao tốc thông qua hệ thống ITS để nhanh chóng cứu hộ kịp thời.
Vũ Điệp