Đường băng bị nứt, vỏ chai nước bị đánh rơi trên đường băng hay một con bò đi lạc... là những sự cố đã xảy ra và đều trở thành những mối nguy đe dọa tới an toàn bay, tới sinh mạng của hàng trăm hành khách trên chuyến bay.

Bò chắn đường máy bay

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đoàn Hữu Gia - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam phân tích: "Có rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn, an ninh bay. Đó có thể là do yếu tố con người hay khách quan, từ những trường hợp bất cẩn rất nhỏ cũng uy hiếp đến an toàn bay. Khi máy bay cất hạ cánh bất ngờ phát hiện súc vật xâm phạm đường băng hay phi công và kiểm soát viên không lưu trao đổi nhưng không hiểu hết ý của nhau. Thậm chí, nhiều chuyến bay bị chim bay trên trời va đập vào buồng lái, động cơ máy bay...".

{keywords}
Ngày 23.7.2012, một con bò tót đã đi lạc vào sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) khiến 12 chuyến bay phải đình chỉ. Ảnh: T.L

Ông Gia dẫn chứng bằng câu chuyện tưởng như không thể có nhưng đã xảy ra vào cuối năm 2014 tại sân bay Đà Nẵng. Khi đó, chuyến bay VJ508 của Hãng hàng không VietJet Air đang lăn ra đường băng để cất cánh đi Hà Nội thì phi công phát hiện có một con bò trên đường cất hạ cánh. Tất nhiên, chuyến bay buộc phải hoãn lại để chờ đuổi bò ra khỏi đường băng. 

Hay như cuối tháng 5 vừa qua, Cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng) đã phải đóng cửa tạm thời khi lực lượng an ninh cảng hàng không phát hiện một mảng bê tông tại đường cất hạ cánh bị lột. Ngay trước khi phát hiện sự cố, một chuyến bay của Hãng hàng không VietJet Air vừa cất cánh tại đường băng này. Rất may, đã không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

Cũng vẫn tại Cảng hàng không Cát Bi, ngày 7.6 mưa dông kèm theo sét đã làm hư hại một số hệ thống trang thiết bị tại cảng. Về sự cố này, ông Nguyễn Phước Thắng - Chánh văn phòng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá là “bất khả kháng”: “Sự cố xảy ra khi thời giết xấu và đã được tiên lượng trước. Ngay sau đó, sân bay Cát Bi đã triển khai các hệ thống trang thiết bị dự phòng để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Một chuyến bay đã phải chuyển về hạ cánh tại sân bay dự bị”.

Lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định có bộ phận luôn rà soát lại tất cả các quy trình, quy định an toàn bay liên quan đến tất cả các đơn vị để phát hiện ra các sai sót, nguy cơ sai sót, đánh giá kiểm tra quản lý. Sau đó, tổng công ty sẽ trình Cục Hàng không xem xét sửa đổi. Tất cả, đều phục vụ mục tiêu an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.

Còn nhiều vấn đề khó lường

Về sự cố bị can nhiễu sóng tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) mà cho đến nay, nguồn gây can nhiễu sóng vẫn là một bí ẩn với cơ quan chức năng, phóng viên NTNN đã tìm tới TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI.

TS Phúc đánh giá: Cục Hàng không Việt Nam cho rằng sự cố can nhiễu sóng điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất không nguy hiểm, không ảnh hưởng an toàn bay... thì tôi không đồng ý. Bởi khi tần số bị mất điều khiển thì máy bay biết bay đi đâu, hạ cánh ở đâu?

Theo TS Phúc, trong sự cố ngày 16.6, ban đầu Cục Hàng không Việt Nam nói rằng có “sóng lạ đè lên”. Tuy nhiên, đường truyền của hệ thống điều khiển không lưu được bảo vệ rất tốt, phải có một nguồn phát “sóng lạ” cực mạnh, cùng tần số, với năng lượng rất lớn, mới có thể “đè” sóng chính được. Như vậy đây không thể là một loại nhiễu ngẫu nhiên, mà phải từ một nguồn phát rất mạnh... Nhưng trên thực tế thì Cục Tần số Vô tuyến điện cũng như lực lượng an ninh không hề tìm thấy một nguồn phát sóng lạ nào bên ngoài sân bay. 

“Rõ ràng, việc Cục Hàng không cho rằng có nguồn “sóng lạ đè lên” cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc” - ông Phúc khẳng định.

Như vậy, trong khi chờ câu giải đáp “nguồn sóng gây can nhiễu hệ thống điều khiển bay ở sân bay Tân Sơn Nhất có thực sự lạ không?” thì an toàn bay vẫn gặp phải nhiều vấn đề khó lường khác, nhất là những chuyện do thời tiết gây ra.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một hội nghị về an ninh hàng không dân dụng quốc gia tổ chức vào tháng 2.2015, đã trích dẫn lại báo cáo quốc tế cho biết: “Đánh giá khách quan của các tổ chức chuyên môn thế giới cho biết, xếp hạng hàng không Việt Nam đang đứng ở mức khá trên thế giới. Quy mô, doanh thu, cơ cấu độ hiện đại máy bay... của Việt Nam nằm trong top 20. Còn về độ an toàn an ninh hàng không thì Việt Nam xếp hạng 50/145”.  

(Theo Dân Việt)