Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tại Hội nghị “Sơ kết công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại 6 tháng đầu năm 2020” hôm nay (7/7), trong tháng 5 và 6 năm nay, ở vùng biển ngoài khơi, hoạt động buôn lậu xăng dầu, sang mạn xăng dầu trái phép giữa các tàu có quốc tịch nước ngoài với tàu cá Việt Nam vẫn diễn ra mặc dù dịch Covid-19 vẫn phức tạp trên thế giới.
Để qua mặt lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, các tàu này thường sang vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước để dễ dàng chạy về vùng biển nước ngoài tránh bị bắt giữ. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp và kinh nghiệm trong đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại trên biển, thời gian qua lực lượng cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã bắt giữ thành công nhiều vụ lớn.
Lực lượng Vùng CSB 1 kiểm đếm số thuốc lá “khủng” trong một lần bắt giữ trên biển. |
CSB tăng cường công tác trinh sát nắm tình hình
Sáu tháng đầu năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh Covid -19 có ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế của đất nước cũng như các hoạt động ở trên biển. Tình hình an ninh trật tự, an toàn, buôn lậu gian lận thương mại cũng bị ảnh hưởng.
Các tổ chức cá nhân sản xuất và kinh doanh, vận tải biển bị ảnh hưởng rất đáng kể. Do đó, mọi hoạt động sẽ bị đình trệ và tỷ lệ thuận với tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm ở trên biển sẽ giảm đi. Tuy nhiên, sau khi chúng ta cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, tình hình kinh tế và vận tải biển đã tốt lên thì CSB đã tăng cường công tác trinh sát nắm tình hình, đã phát hiện một số vụ buôn lậu, gian lận thương mại lớn, đặc biệt là về xăng dầu ở vùng biển Tây Nam có yếu tố nước ngoài.
Liên tục trong tháng 5 và 6 vừa qua, Bộ tư lệnh CSB đã chỉ đạo các đơn vị phía Nam sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tuần tra kiểm soát và đã phát hiện, bắt giữ được hai vụ lớn có yếu tố nước ngoài (02 tàu mang quốc tịch Mông Cổ) vận chuyển tới 1.700 m3 dầu DO và 1.000 m3 dầu DO. Có những vụ buôn lậu đường cát có xuất xứ từ nước ngoài về Việt Nam tới hơn 200 tấn.
Đó là những vụ việc diễn ra trên biển sau dịch bệnh Covid-19. BTL CSB đã chỉ đạo các đơn vị làm rất là tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian vừa qua.
Cảnh sát biển kiểm tra tàu chở dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam. |
Thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm
Trong bối cảnh đó, để đạt được những kết quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, sau đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm trước, trong và sau Têt Nguyên đán Canh Tý năm 2020, thì các cơ quan đơn vị CSB vẫn đồng loạt tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, kể cả công tác trinh sát kỹ thuật để nắm bắt các tình hình vùng biển từ sớm và từ xa để phát hiện các dấu hiệu của tội phạm.
Sau đó, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đặc biệt là ở các vùng biển trọng điểm nơi có nguy cơ xảy ra nhiều các vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm buôn lậu xăng dầu ở trên biển. Nhờ sự quyết liệt và tinh thần chiến đấu cao, Bộ tư lệnh CSB đã chỉ đạo các biên đội tàu hoạt động ở trên biển thực hiện rất tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm và duy trì an ninh, trật tự và an toàn.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, bên cạnh những khó khăn khách quan đã gặp phải như điều kiện về thời tiết, về khí hậu, sóng gió…đặc biệt là ban ngày tầm quan sát trên biển rất dễ (giữa cả lực lượng chức năng và các đối tượng) vì không bị cản trở bởi vật cản nào cả. Do đó các đối tượng đã phát hiện các tàu công vụ của Cảnh sát biển từ xa để tẩu thoát hoặc chạy trốn.
Về ban đêm, khi bị tàu Cảnh sát biển truy đuổi thì các phương tiện vi phạm cố tình chạy sang vùng biển nước ngoài, không chấp hành các mệnh lệnh dừng tàu của cơ quan chức năng. Do đó phải truy đuổi mất thời gian dài và mất nhiều thời gian để tập trung vây bắt.
Ảnh minh họa |
Có những tàu lực lượng cảnh sát biển đã phải truy đuổi đến 04 tiếng và đã phải sử dụng đến vũ khí để bắn đạn vạch đường để răn đe thì phương tiện vi phạm mới chịu dừng lại.
Hiện nay Cảnh sát biển được trang bị tàu có tốc độ cao, sức chịu sóng gió tốt… nên hoàn toàn có thể trấn áp được các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại mặc dù tội phạm cố tình chạy trốn, cố tình không chấp hành.
Thêm nữa, “trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại (nhất là vụ việc có yếu tố nước ngoài) thường phức tạp, liên quan đến nhiều nước và lĩnh vực thương mại quốc tế, giá trị tang vật lớn cũng là những khó khăn nhất định đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ nên quá trình điều tra kéo dài, mất nhiều thời gian”, Thiếu tướng Trần Văn Nam chia sẻ trong cuộc trò chuyện với báo chí.
Trần Thị Hồng Nhì (tổng hợp)
Ảnh: Vũ Lụa