Cao điểm sản xuất, doanh nghiệp lại thiếu vốn
Dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Nhiều doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm để kịp trả đơn hàng cuối năm.
Tuy nhiên, qua một thời gian giãn cách xã hội kéo dài, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức khá cao nên Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thiếu dòng tiền để phục hồi sản xuất. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, doanh nghiệp đang có nhu cầu thu mua lúa gạo để chế biến, xuất khẩu, song do “đói” vốn nên đành bó tay.
Theo ông, bất cập của ngành lúa gạo hiện giờ là việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Do vậy, khi sản xuất lúa xong, nông dân không tìm được đầu ra, dẫn tới giá lúa giảm. Nếu doanh nghiệp được vay một nguồn vốn lãi suất thấp vào lúc này, ông tin rằng, mọi khó khăn của nông dân sẽ được tháo gỡ.
Ngân hàng được nới room tín dụng, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn khôi phục sản xuất trong tình hình mới - Ảnh: Hà Giang. |
Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Công ty Gia công sản xuất da giày Ninh An ở quận Bình Tân thừa nhận, khi trở lại sản xuất, kinh doanh sau giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, doanh nghiệp phải đối diện với những khó khăn mới khi thiếu hụt lao động, cạn kiệt nguồn tiền và nhiều loại chi phí tăng cao.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, sau mấy đợt dịch, hầu hết doanh nghiệp đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm. Có rất nhiều doanh nghiệp đã tung hết vốn dự trữ để đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM trong thời điểm giãn cách nên rất cần vay ngân hàng. Muốn vay ngân hàng, doanh nghiệp cần tài sản thế chấp nhưng những tài sản này đã được thế chấp đợt vay trước.
Ngân hàng “tiếp sức” doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Để tạo cơ hội cho cả ngân hàng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-9 lần thứ 4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được thực hiện trong thời gian tới và việc Ngân hàng Nhà nước sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.
Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3-4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5% đối với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5-7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng ý cho 11/13 ngân hàng được nới room tín dụng. Trong đó, TPBank là ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là 17,4%. Các ngân hàng khác được phép nới room tín dụng từ 13%-16%
Theo chuyên gia trong ngành, khi nền kinh tế hoạt động trở lại, đặc biệt là cuối năm nên nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn và việc nới room tín dụng của các ngân hàng là cấp thiết. Bởi, việc này đồng nghĩa doanh nghiệp và người dân được tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thực tế, đồng hành cùng Chính phủ để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, ngân hàng đang đồng loạt triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất hướng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc nhóm các lĩnh vực ưu tiên, thương mại dịch vụ.
Đơn cử, Sacombank đã dành ra 20.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh đến hết năm 2021, với mức lãi suất ưu đãi 4,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Hay như, BAC A Bank cũng dành 3.000 tỷ đồng, ABBank dành 10.800 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Mới đây, tại TP.HCM, 8 ngân hàng và 64 doanh nghiệp đã ký kết gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng cho quý IV.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 540.000 tỷ đồng, tính từ ngày 23/1/2020. Đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất tương đương gần 30.000 tỷ đồng cho trên 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 3,5 triệu tỷ đồng.
Kim Chi