|
Cùng với việc tăng tốc phủ sóng di động băng rộng, các doanh nghiệp viễn thông mà đầu tàu là Viettel và VNPT vẫn đẩy mạnh quá trình cáp quang hóa đến tận xã. |
>>Đề xuất Chính phủ ưu tiên kinh phí triển khai Đề án “Nước mạnh”/ Khẩn trương triển khai "Đề án nước mạnh về CNTT-TT"
Băng rộng cán đích sớm hơn 9 năm
Mục tiêu của “Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” là năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn thành cơ bản mạng băng rộng kết nối đến các xã phường trên cả nước, phủ sóng di động băng rộng đến 85% dân cư. Mục tiêu đến năm 2020 là hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết thôn bản, phủ sóng di động băng rộng đến 95% dân cư.
Thế nhưng, mục tiêu này đã được các doanh nghiệp viễn thông nhanh chóng đưa về đích sớm, trong đó Viettel đang đóng vai trò tiên phong. Hiện Viettel đã triển khai cáp quang hoá đến 85% số xã, vùng phủ sóng 3G là 85% diện tích dân số. Viettel sẽ đầu tư tiếp hơn 10.000 trạm thu phát sóng 3G để có 30.000 thu phát sóng sau 2 năm nữa. Với việc đầu tư cho 3G này, có thể nói mọi ngõ ngách của Việt Nam đều được phủ sóng di động băng rộng. Nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, khi hạ tầng đã sẵn sàng thì cái khó hơn nữa là làm sao có được các thiết bị truy cập đầu cuối là smartphone và máy tính giá rẻ cho người dùng. Để làm được việc này cần bàn tay của Chính phủ hỗ trợ bằng cách dùng Quỹ viễn thông công ích bù cho các thiết bị truy cập giá rẻ. Như vậy sẽ giải được bài toán đưa băng rộng đến hộ gia đình. Với việc đột phá phủ sóng 3G như vậy, năm 2011 Viettel hoàn thành mục tiêu này và về đích trước 9 năm.
Cùng với Viettel, VNPT cũng tăng tốc đầu tư cho việc phủ sóng di động băng rộng của mình. Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho hay, hiện tại MobiFone đã phủ sóng 3G đến khoảng 70% diện tích dân số và sẽ phủ 3G đến 90% diện tích dân số chậm nhất vào năm 2014.
Cùng với việc tăng tốc phủ sóng di động băng rộng, các doanh nghiệp viễn thông mà đầu tàu là Viettel và VNPT vẫn đẩy mạnh quá trình cáp quang hóa đến tận xã. Viettel và VNPT khẳng định đã cáp quang hóa đến 100% số xã trên toàn quốc. “Các công ty viễn thông đều phải đưa cáp quang đến sát các hộ gia đình và con số hiện nay là 200 m. Thời điểm này, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc, đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc là 350 m nhưng phải tiến tới 200 m và 100m vào năm 2015. Nghĩa là cáp quang sát hộ gia đình, chỉ cách 100m nữa thôi”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Dịch vụ hành chính công sẽ cán đích sớm
Theo số liệu công bố trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2012 thì từ năm 2011, tỷ lệ hộ gia đình có máy thu hình màu đã đạt con số 92,6%, cao hơn con số mục tiêu trong Đề án là đến năm 2015 sẽ có 90% số gia đình có tivi. Nhiều mục tiêu khác đang được đánh giá cao về độ khả thi. Ví dụ số hộ gia đình có máy vi tính năm 2011 đã đạt tỷ lệ 16,2%, sẽ không quá khó để đạt con số mục tiêu 20 - 30% số hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet vào năm 2015 nêu trong Đề án
Một lĩnh vực khác cũng được đánh giá cao là ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách hành chính. Hiện nay, đa số các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Theo thống kê từ Sách Trắng CNTT-TT 2012 thì năm 2011, cả nước đã có 98.439 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2, 860 dịch vụ công trực tuyến mức 3, và 11 dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính, các chuyên gia CNTT-TT cho rằng mục tiêu đến năm 2015 cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp mức độ 2 và 3 (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng) là hoàn toàn khả thi, thậm chí nhiều Bộ, ngành, địa phương sẽ mạnh dạn “nhảy” thẳng lên mức 4 (mọi giao dịch thủ tục hành chính đều được tiến hành qua mạng Internet).
Tiếp tục rà lại những mục tiêu về công nghiệp CNTT, không cần chờ đến năm 2015, hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất được một số sản phẩm phần cứng CNTT-TT mang thương hiệu Việt Nam. Điển hình như Viettel với các sản phẩm USB, máy tính giá rẻ,… hoặc Bkav với các loại thiết bị gia dụng thông minh. Danh mục sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt theo thống kê của Vụ CNTT, Bộ TT&TT đã lên tới con số hàng trăm.
Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều mục tiêu đề ra trong Đề án có nguy cơ “bất khả thi” nếu không có sự triển khai đồng bộ, thống nhất theo một chiến lược tổng thể trên phạm vi cả nước. Chẳng hạn như hàng năm ngành CNTT-TT đạt mức tăng trưởng cao gấp 2 - 3 lần tăng trưởng GDP; đưa Việt Nam nằm trong Top 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số vào năm 2015 và lên Top 10 vào năm 2020; khoảng 80% doanh nghiệp, tổ chức xã hội ứng dụng CNTT vào điều hành và sản xuất kinh doanh; 30% số lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế.…
Bởi vậy, các cấp ngành liên quan tới Đề án Nước mạnh cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong tiến trình triển khai Đề án này, để thời hạn đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT sẽ không bị đẩy lùi quá xa mốc 2020.
Tại buổi "Giao lưu và Tọa đàm về Internet với hội viên Hiệp hội Internet Việt Nam" mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, về cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ trên nền Internet, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ kém Singapore và Malaysia, còn tương đương (thậm chí nhiều mặt còn hơn) Thái Lan và Indonesia. "Trong năm qua, khi tôi đến một số nước ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á, việc sử dụng Internet không dễ dàng và thuận lợi, chất lượng ở mọi nơi từ trong nhà, cơ quan cho đến các điểm công cộng như ở Việt Nam", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Cùng quan điểm đó, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cho rằng: Viễn thông- Internet Việt Nam hầu như không thua các nước tiên tiến trên thế giới. Trước hết, về mặt công nghệ, công nghệ của họ như thế nào thì Việt Nam cũng như vậy, từ mạng 3G, 4G cho đến cáp quang, vệ tinh... Về mặt phổ cập dịch vụ, mật độ sử dụng, chúng ta hoàn toàn tương đương các nước khác. Còn giá cước dịch vụ viễn thông, Internet của Việt Nam thuộc dạng thấp so với các nước khác. Khi đi nước ngoài, bất kỳ ai cũng thấy không có nước nào điểm truy cập Internet, WiFi rẻ và thuận lợi như ở Việt Nam. "Chính vì thế, chúng ta có thể thua các nước khác ở nhiều lĩnh vực nhưng riêng Viễn thông-Internet thì không dưới Top 3 trong các nước Đông Nam Á", ông Trực nhấn mạnh.
Những mục tiêu cơ bản trong Đề án "Nước mạnh"
* Về hạ tầng viễn thông băng rộng:
- Đến năm 2015: cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư.
- Đến năm 2020: hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư.
- Đến năm 2015: 20 - 30% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng; trên 90% số hộ có máy thu hình, trong đó 80% xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.
- Đến năm 2020: hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số; 50 - 60% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng, trong đó 25 - 30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang; hầu hết các hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.
* Về ứng dụng CNTT:
- Đến năm 2015: cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp mức độ 2 và 3 (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng). 80% doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh
- Đến năm 2020: Hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng). 100% các ngành công nghiệp then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.
Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 136 ra ngày 12/11/2012