LỜI TOÀ SOẠN

Tại TPHCM có một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt, kén chọn người làm, đòi hỏi phải có sự đam mê, tỉ mẩn, không ngại khó khăn, vất vả. 

Đó có thể là những nghề đã cũ, cũng có thể là những việc mới ra đời do yêu cầu của quá trình phát triển, thị hiếu của cuộc sống hiện đại.

VietNamNet giới thiệu loạt bài Nghề độc lạ ở TPHCM cho thấy sức sáng tạo của người lao động.

Kỹ thuật hiếm gặp ở Việt Nam

Anh Nguyễn Lê Uyên Viễn (SN 1975) nổi tiếng là người yêu trà, thích sưu tầm những sản phẩm gốm sứ cổ, quý hiếm. Trong quá trình sưu tầm, một số chiếc ấm quý của anh bị sứt mẻ, nứt vỡ.

Nhìn ấm quý nứt vỡ, anh Viễn buồn bã như bản thân chịu thương tích. Anh đến các tiệm bán đồ cổ trên phố Lê Công Kiều (quận 1, TPHCM) nhờ những người thợ ở đây vá, bọc bạc.

Tuy nhiên, khi nhận về, các vết nứt vỡ lại bị bung keo, rò nước. Một số thợ còn sử dụng keo chứa hóa chất độc hại, nên sau khi được vá, sản phẩm không thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Một thời gian sau, anh tiếp cận với gốm sứ Nhật Bản. Từ đây, anh Viễn có duyên sưu tầm những vật dụng bằng gốm sứ bị nứt vỡ và được vá bằng kỹ thuật Kintsugi (dùng vàng để sửa chữa đồ vật).

Những đường vá bằng thứ kim loại quý khiến vật phẩm tưởng chừng bỏ đi trở nên sống động và đẹp mắt.

W-va vang 1.JPG.jpg
Anh Nguyễn Lê Uyên Viễn nổi tiếng với khả năng vá vàng đồ gốm sứ tại TPHCM. Ảnh: Hà Nguyễn

Anh Viễn nói: “Đây là nghề thủ công có từ thế kỷ thứ 15, chuyên phục hồi đồ gốm bị hư hại. Kỹ thuật này dùng vàng thật để hồi sinh đồ gốm vỡ, hư hại.

Người ta thường nói về nghệ thuật này bằng câu 'hàn gắn vết thương, tái sinh những vụn vỡ'. Bên cạnh đó, Kintsugi cũng mang một ý nghĩa triết học sâu sắc về việc tập trung vào vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong cuộc sống”.

Anh Viễn mày mò học tập, sáng tạo dụng cụ để thực hiện kỹ thuật Kintsugi. Bằng cách này, anh đã hồi sinh những chiếc ấm, chén nứt, vỡ tưởng chừng phải bỏ đi thành tác phẩm mới.

Nhiều khi, các vật dụng ấy trở nên đẹp, nghệ thuật và giá trị hơn so với lúc còn nguyên vẹn. Sau nhiều năm tự nghiên cứu, nâng cao tay nghề, anh Viễn trở thành một trong số ít người thành công trong nghề vá vàng tại TPHCM.

W-va vang 2.JPG.jpg
Chiếc ấm tử sa gãy quai được anh Viễn vá bằng kỹ thuật Kintsugi. Ảnh: Hà Nguyễn

Hiện nay, anh Viễn không chỉ tự vá vàng cho những vật phẩm của mình. Anh trở thành địa chỉ tin cậy của những người yêu thích gốm sứ trên khắp mọi miền đất nước khi cần sửa chữa những kỷ vật, đồ cổ bị nứt, vỡ.

Vật phẩm “thương tích” tìm đến anh thường là những bình trà cổ, quý hoặc là đồ kỷ niệm, kỷ vật bằng gốm có ý nghĩa đặc biệt với người sở hữu. Tuy vậy, khi khách liên hệ, anh luôn đặt ra những câu hỏi và tư vấn cặn kẽ, thiết thực.

Ban đầu, anh chỉ nhận sửa chữa những vật phẩm thực sự có giá trị và có ý đặc biệt với người sở hữu. Bởi, chi phí vá vàng có khi tốn kém hơn việc mua đồ mới và phải mất một thời gian khá dài.

“Khi vá, tôi sử dụng loại keo nha khoa nhập từ Mỹ, vàng 24K nhập từ Thái Lan. Đây là các vật liệu an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Sau khi sản phẩm hoàn thiện, tôi có bảo hành nên thường chi phí sửa chữa không rẻ”, anh tâm sự.

W-va vang 3.JPG.jpg
Chén trà vỡ đôi được anh vá lại bằng vàng với họa tiết lá sen. Ảnh: Hà Nguyễn

Phí vá vàng được anh Viễn tính theo số lượng, độ sứt mẻ của món đồ và độ khó trong việc thực hiện. Trung bình, anh thu tiền công từ 300.000 đồng. Với những thứ tốn nhiều vàng và công sức sửa chữa, chi phí có thể lên đến vài triệu đồng.

Chỉ dành cho người đam mê nghệ thuật

Để vá vàng một món đồ gốm có giá trị, anh Viễn phải thực hiện nhiều công đoạn, kéo dài trong nhiều ngày. Tùy theo mức độ nứt, vỡ của món đồ, anh có thể tốn thời gian vài ngày đến vài tháng.

Quy trình phổ biến là làm nhám, loại bỏ bụi bẩn, làm phẳng bề mặt quanh lỗ thủng, vết nứt. Sau đó, anh sẽ đi một đường keo có phủ bột vàng, để tạo thành lớp kết nối ban đầu với những mảnh gốm.

Mỗi đường nối này phải cần một thời gian nhất định để keo khô. Lớp keo này khô, anh tiếp tục đi thêm một đường keo và bột vàng thứ hai.

W-va vang 4.JPG.jpg
Sau khi vá vàng, vật phẩm tái sinh trong một phiên bản mới. Ảnh: Hà Nguyễn

Mỗi đường keo, đường bột vàng phải được đi liền một mạch từ đầu đến cuối vết nứt, không được đứt quãng. Điều này nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cho đường vá.

Trong trường hợp đồ gốm mất hẳn một mảnh, anh Viễn sẽ phủ, bồi thêm những miếng vàng lá 24K. Sau khi bồi, anh tiến hành chà nhám, đánh bóng sao cho bề mặt miếng vá bóng, mịn khớp hoàn toàn với bề mặt vật chủ.

Tuy vậy, trong nghề này, không phải cứ kết dính lại những mảnh vỡ là xong. Điều khó nhất là biến những đường nứt vỡ, vết chắp vá vốn dĩ xấu xí, vô hồn trở nên sinh động, đẹp mắt, đầy dụng ý nghệ thuật.  

W-va vang 5.JPG.jpg
Tùy theo mức độ hư hại mà chi phí vá vàng cao hay thấp. Ảnh: Hà Nguyễn

Anh Viễn khẳng định công việc này không dành cho người không đam mê nghệ thuật, thiếu sự tỉ mỉ, không yêu thích cái đẹp. Anh giới thiệu những món đồ mình đã "vắt óc" suy nghĩ để vá theo ý tưởng Kintsugi.

Đó là chiếc ấm trà có miệng bị mất một mảnh. Anh tạo hình mảnh bị mất thành họa tiết giọt nước đang sắp tràn ra ngoài. Một chiếc ấm khác vỡ thành nhiều mảnh. Anh kết dính chúng lại bằng chằng chịt những đường vá vàng. Những đường vá lúc như tia sét, khi lại như nhánh cây đại thụ…

Miệng tách trà, đĩa trang trí mẻ, vỡ anh dùng vàng trang trí thành hình một chiếc lá sen hoặc hình tượng ngọn núi, áng mây... Nhờ những đường vá vàng, các vật dụng được tái sinh trong một phiên bản mới đẹp, sống động, giàu cảm xúc hơn.

W-va vang 6.JPG.jpg
Anh hạnh phúc khi công việc của mình có thể "chữa lành" những kỷ vật, vật có ý nghĩa đặc biệt cho người cần. Ảnh: Hà Nguyễn

Anh chia sẻ: “Mỗi khi làm việc, tôi thường tập trung cao độ, ngồi nhiều giờ liền trong tĩnh lặng. Lúc đó, bên cạnh tôi chỉ có tách trà và những câu chuyện ý vị, sâu sắc về cuộc sống.

Tôi thường vá vàng theo tính cách của chủ nhân vật phẩm. Nếu chủ nhân của món đồ là người có tính tình nhẹ nhàng, đường vá của tôi sẽ thanh mảnh, mềm mại. Người có cá tính mạnh, tôi sẽ tạo đường vá gồ ghề, mạnh mẽ hơn.

Nhiều khi vá xong, thấy chưa đẹp, đường vá chưa đem lại cảm xúc cho người sử dụng, tôi lại phá đi, làm lại từ đầu. Tôi luôn tâm niệm những đường vá vàng phải tạo nên một giá trị mới, sinh khí mới cho vật phẩm từng bị nứt vỡ.

Công việc giúp tôi thỏa mãn đam mê sưu tầm, sửa chữa đồ gốm quý, cổ. Hơn thế, tôi nhận về nhiều niềm vui, hạnh phúc khi có thể chữa lành những kỷ vật, đồ vật có ý nghĩa đặc biệt cho người cần”.

Vốn không phải là thợ thủ công chuyên nghiệp, nên anh Viễn không xem công việc vá vàng là nghề chính để nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, anh khẳng định, tại TPHCM, vá vàng là nghề hiếm, đem lại thu nhập tốt.

Bài sau: Học nghề lạ, chàng sinh viên vừa thỏa đam mê vừa rủng rỉnh tiền đi học