Thiếu kiến thức, thừa nghi ngờ
3h-4h sáng mỗi ngày ở các vùng sản xuất, những chuyến xe 16 hoặc 45 chỗ rời huyện lỵ chở theo những người ngày càng trẻ hóa. Điểm đến của chuyến xe lúc rạng sáng là các bệnh viện ở trung tâm TP lớn, đặc biệt là bệnh viện ung bướu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng của Diễn đàn Hội quán Các bà mẹ - kể câu chuyện trên tại tọa đàm “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thương mại thực phẩm” tổ chức tại TP.HCM diễn ra cuối tuần qua.
Bản thân chị Thúy đã đi tới 42 tỉnh/thành trên cả nước để tìm hiểu về vùng trồng được quảng bá là rau sạch VietGAP.
Theo chị, câu chuyện thực phẩm an toàn chẳng của riêng ai, gia đình nào cũng phải đối mặt với nỗi lo này. Vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay mà chưa được giải quyết. Từ những lý do trên, đại diện diễn đàn không ngạc nhiên trước sự việc rau VietGAP “dỏm” trà trộn vào siêu thị vừa qua. Bởi, khi đến những vùng trồng có chứng nhận VietGAP, tờ giấy đó được cấp một lần rồi dùng mãi mãi, không có khâu tái kiểm soát.
“Thật vô nghĩa khi cấp giấy chứng nhận mà không kiểm soát. Nói như vậy không phủ nhận, đánh đồng tất cả thành quả của chứng nhận VietGAP nhưng nó không đủ tạo niềm tin cho chúng tôi”, chị nói.
Đỉnh điểm của sự việc rau VietGAP hồi tháng 9 được báo chí làm sáng tỏ. Chỉ cần gõ từ khóa “rau bẩn vào siêu thị” sẽ thấy ngay hàng loạt nội dung. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm người tiêu dùng cũng tích cực chia sẻ thông tin về thực trạng rau chợ đội lốt VietGAP để vào các chuỗi bán lẻ, theo bà An Thị Liên Phương - Phó Giám đốc Trung tâm báo chí TP.HCM.
Bà Phương cho rằng, xã hội ngày càng quan tâm tới nguồn gốc an toàn của các loại rau, củ, quả lưu thông trên thị trường, nhất là thực phẩm trong siêu thị, lâu nay vẫn được coi là đáng tin cậy so với hàng bán ngoài chợ. Thông tin tiêu cực đã tác động tới tâm lý người tiêu dùng, gây ra nghi ngại nhất định.
Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), bà Nguyễn Thị Hồng Minh, khẳng định, người dân Việt Nam có quyền được tiêu thụ rau an toàn, rau sạch. Đây là quyền đương nhiên. Chính vì nghi ngờ sự an toàn nên các doanh nghiệp mới phải quảng cáo đó là thực phẩm sạch.
“Một chuyên gia người Nhật nói với tôi rằng, tại sao thực phẩm Việt Nam cứ phải quảng cáo về an toàn trong khi điều cần thiết là nói về yếu tố dinh dưỡng, tiện dụng. Ở Nhật Bản không như vậy. Đây là nghịch lý so với các doanh nghiệp trên thế giới. Khi chúng ta chưa minh bạch mới làm vậy”, Chủ tịch AFT nói.
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Organica, chia sẻ, chặng đường 10 năm qua của doanh nghiệp luôn phải đánh vật với sự nghi ngờ và lo lắng từ phía người tiêu dùng. Ai cũng hỏi có chứng nhận hay không rồi sợ doanh nghiệp sẽ trộn lẫn, gian dối hoặc gắn logo lên sản phẩm, không ai kiểm soát được.
Người dân mất niềm tin một phần do cách quản lý, nên việc có tờ giấy chứng nhận VietGAP không thể tạo sự ra yên tâm. Kể cả khi Công ty Organica có chứng nhận organic quốc tế vẫn phải tiếp tục chứng minh mình cung cấp thực phẩm sạch.
Người tiêu dùng bây giờ đang rơi vào cảnh thiếu thông tin nhưng thừa sự nghi ngờ, theo bà Thảo.
Giảm tiền đi bác sĩ, tăng tiền mua thực phẩm sạch
Nói đi cũng cần nói lại, người sản xuất thực phẩm sạch đang gặp khó. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy từng chứng kiến cảnh những người giàu trả giá 10.000 đồng cho 3 trái mướp mà còn mặc cả lên 4 trái, trong khi, nếu đã cần thực phẩm sạch thì 10.000 đồng/trái cũng đáng giá. Người thu nhập cao có thể chọn mua sản phẩm rẻ tiền, nhưng phải trả giá đúng cho thực phẩm sạch bởi quy trình nuôi trồng, thời hạn sản xuất sẽ khác. Rau thơm trồng 3 tháng đương nhiên khác với rau 3 tuần; không mua phải quả cà chua đang xanh mà xịt phát đỏ luôn; hay ăn những trái táo không rõ nhúng gì mà để mãi không hỏng.
Người mua hãy thương lấy người trồng vì công sức của họ bỏ ra quá nhiều, đừng trả rẻ mạt rồi đổ tội họ chạy theo sản lượng. Mặt khác, người phân phối, người bán lẻ không nên nhúng hóa chất giữ tươi sản phẩm; nhà sản xuất hãy chờ 10 ngày, 5 ngày theo quy trình thu hoạch, bà Thúy nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh quốc tế Công ty CP Thực phẩm GC Food, cho hay, triết lý “thực phẩm an toàn, cuộc sống hạnh phúc” của đơn vị không thực hiện trong 1-2 ngày mà từ 5 năm trước, khi công ty bắt đầu tham gia vào trồng trọt, kiểm soát cả quá trình.
GC Food phải đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống Big Data dữ liệu hóa toàn bộ thông tin từ lúc gieo giống đến khi thu hoạch, để người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Vì đi theo hướng canh tác an toàn nên sản phẩm của doanh nghiệp theo mùa vụ, sản lượng không quá cao, nhiều yếu tố tạo giá thành sản phẩm cao hơn mặt bằng trên thị trường và không vào được siêu thị để cạnh tranh. Đơn vị phải tự mở hệ thống phân phối riêng.
Còn theo Chủ tịch AFT, người tiêu dùng bình dân nhiều khi không thể biết đến các sản phẩm của Organica hay GC Food vì thiếu thông tin. Hoặc họ có biết cũng không thể mua được sản phẩm có giá so sánh cao hơn thị trường. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách để các đơn vị canh tác thực phẩm an toàn, bền vững được tiếp cận thị trường, người dân được chuyển đổi trong sử dụng thực phẩm.
Cụ thể, bà Minh cho rằng, nhà nước hãy hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp trong canh tác, có chính sách cụ thể phát triển dòng sản phẩm sạch, minh bạch. Khi tạo nên hệ sinh thái thực phẩm minh bạch, an toàn, có thương hiệu thì mới hạ giá thành được. Người dân cũng nên giảm tiền đi bác sỹ bằng cách tăng tiền mua thực phẩm sạch.