Ngay sau ngày Thủ tướng ký quyết định để ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghỉ hưu, PV.VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với ông Đông. Vừa gặp, ông cười rạng rỡ: “Thảnh thơi lắm. Cảm giác thích vô cùng”. Ấy là ông nói về chuyện ông được nghỉ hưu. 

“Trước kia (khi đi làm) không thể để người khác chờ mình được, cơ quan quy định thời gian làm xong việc này, việc nọ là mình phải xong. Giờ mình tự sắp xếp thời gian cho chính mình. Chắc là tôi thích nhất cái đấy. Lịch là của mình, tiến độ là của mình, mọi thứ là của mình, nên cũng có cái thích riêng của nó”, ông Đặng Huy Đông chia sẻ.
 

Kế hoạch sau khi nghỉ hưu của ông là gì?


Kế hoạch sắp tới là thể thao, rèn luyện sức khỏe. Trước đây đương chức cũng thể thao nhưng không được nhiều, không được đều.

Nghỉ hưu nghĩa là thôi nhiệm sở. Nhưng là con người tự nhiên, chắc chắn không ai có thể tự “tắt” não dừng suy nghĩ việc chung, việc riêng. Tổng Bí thư từng nói gần đây “tất cả phải vào cuộc”. Mọi người, mọi công dân, dù ở cương vị nào, nếu còn sức lực, đều phải nên tham gia, theo khả năng của mình để đóng góp vào công cuộc chấn hưng đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Lúc nào cũng phải như thế nên không hẳn nghỉ là thôi, là buông hết. Tôi vẫn thấy đa số các anh chị tiền bối vẫn đã và đang làm như vậy, mỗi người một cách, một vẻ, một mức độ khác nhau.

Ông có tính về tham gia lãnh đạo  Hiệp hội DN Nhỏ và vừa khi mà ông làm Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa người ta từng đồn tại không?

Đúng là hồi ấy có người ám chỉ tôi làm Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để về hưu kiếm chân Phó chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa. Ngay cả gần đây, khi chia tay, trong Bộ cũng có người tin và hỏi tôi như thế.

Tôi có quan điểm rất rõ ràng, đâu phải làm cái nọ cái kia (đề xuất, cài cắm trong luật) để mình nhảy vào. Chủ tịch 1 hiệp hội phải do tất cả hội viên, người ta thực sự tín nhiệm, thực sự mong muốn rồi họ bầu ra thì mới mới xứng đáng vị trí ấy. Còn dựa vào vị thế của mình, dựa vào quan hệ này quan hệ kia, tìm ra một vài người ủng hộ chạy phiếu, thì cũng chỉ là háo danh thôi.

Làm đến chức Thứ trưởng còn chưa đủ công danh hay sao mà còn ham quyền ham vị, dùng mưu mô, thủ đoạn này nọ để đi kiếm thêm chức chủ tịch này nọ nữa mà làm chi?!.

Vậy là ông không có ý định nào tham gia Hiệp hội đó khi về hưu?

Không bao giờ tham gia hiệp hội gì mà người ta không thấy mình có thể mang lại điều gì có ích cho người ta. Khẳng định luôn (cười).

Những câu chuyện đồn thổi ấy trong quá trình làm luật chắc cũng không thể tránh được, khi mỗi điều luật đều có đối tượng bị tác động. Có người hưởng lợi, có người lại chịu thiệt. Phía chịu thiệt sẽ tìm cách “tấn công” đơn vị làm luật?

Tôi có quan điểm, đã làm luật thì đưa ra cái gì phải đủ tự tin đứng ra để nói, đủ tự tin đứng trước tất cả câu hỏi, kể cả câu hỏi khó nhất. Thậm chí những câu hỏi có ý móc máy, soi mói xem mình có động cơ gì không thì mình vẫn phải trả lời đầy đủ. Nếu mình làm luật với động cơ riêng, không thể hiện cái chung, vì sự nghiệp chung, vì công cuộc chấn hưng đất nước thì mình nói khéo đến mấy, có “dạ, thưa” đến mấy cũng chẳng thể qua mắt được các đại biểu Quốc hội.

Giai đoạn đầu hội thảo để xây dựng luật thì dễ dàng. Nhưng khi bắt đầu thành “hình hài” của luật thì mới sinh ra nhiều chuyện.

Bản thân một bộ luật kinh tế ra đời là để điều chỉnh những quan hệ kinh tế giữa các đối tượng tham gia vào các hoạt động kinh tế. Luật ra đời sẽ phải có cái mới, tư tưởng mới, cách tiếp cận mới. Khi ấy, ít nhiều đụng chạm đến lợi ích của những người đang thực hiện theo quy định cũ, nên họ muốn giữ. Suy nghĩ của họ như vậy cũng là dễ hiểu, là bản năng con người. Vậy nên, nhóm lợi ích đó đấu tranh bảo vệ lợi ích của người ta thì là chính đáng (với họ), đừng coi họ là kẻ thù.

Nhưng luật pháp là để điều chỉnh lợi ích tổng hòa để phát triển đất nước. Không có một luật nào thỏa mãn tất cả các đối tượng. Bao giờ luật cũng hướng tới lợi ích cho nhóm đông người hơn. Còn một nhóm nhỏ nào đó bị thiệt, chứ không hẳn là mất đi lợi ích, thì họ tất nhiên không thích.


Những năm gần đây, tôi thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm những luật rất khó và khá mới như Luật Đầu tư công, rồi Luật Quy hoạch... Tư tưởng cải cách thể hiện rất rõ trong các điều luật này. Đó cũng là nguồn cơn nảy sinh xung đột lợi ích cái cũ và cái mới, giải quyết chắc hẳn không dễ?

Không dễ chút nào. Không phải chỉ khu vực DN, người dân, mà kể cả người đang quản lý, thực thi pháp luật đang muốn quản lý theo kiểu cũ cũng “ghét” sự thay đổi. Họ đang rất quen (với cái cũ) rồi, giờ bảo họ quản lý theo kiểu mới họ sẽ khó chịu. Thậm chí, một vài trường hợp còn nghĩ là họ bị mất việc đi, họ không còn quan trọng như cũ nữa (khi luật mới ra đời). Chúng tôi đã từng phải làm rõ để họ thấy chả ai mất việc, giảm việc gì cả, chẳng qua chỉ là thay đổi cách làm để hiệu quả hơn, phù hợp hơn với sự tiến triển của thời đại.

Mọi người trong cuộc sống đều phải chuyển đổi, không gì tĩnh cả, nhất là trong thế giới hội nhập như bây giờ. Thế giới bây giờ, sau “thế giới phẳng” người ta đã nói đến “thế giới nhanh”. Mọi thứ thay đổi rất nhanh, không chuyển đổi sẽ bị lạc hậu, bị bỏ rơi, bị gạt sang bên lề ngay. Điều này đúng với cả tổ chức, cá nhân, mà cả nhà nước, chính quyền, cả bộ máy quản lý.

Vậy nên, mọi người cũng nên cân nhắc khi phê phán luật chúng ta hay thay đổi, thay đổi xoành xoạch. Ví như ở Nhật Bản 2009 sửa 1 lần sửa luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đến 2012 lại phải sửa 1 luật nữa. Vì lúc đó thế giới chuyển sang nhanh quá, với sự bùng nổ của các start up, của công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh quá trên thế giới, họ phải sửa ngay. Pháp luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Nhật Bản sau hơn 60 năm là qua gần chục lần chỉnh sửa rồi. Cho nên cũng phải nhìn việc ấy rất bình thường.

Tất nhiên thay đổi nhiều quá, hệ thống luật pháp không ổn định sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Đó là yếu tố phải đưa vào khi thẩm định luật, phân tích rủi ro của việc chỉnh sửa luật, đưa ra cái này đánh đổi cái gì, ai bị phương hại, phương hại quá lớn cho nền kinh tế không.

Nói thế để thấy cái gì cần làm vẫn phải làm, cái gì cần ổn định vẫn phải giữ ổn định. Nhưng cần lưu ý, dù có thay đổi thì những nét lớn, khung lớn của chính sách phải ổn định.

Chẳng hạn như tư tưởng thu hút đầu tư, tư tưởng mở cửa, và tạo thuận lợi cho DN. Chúng ta không vì ngại một vài con muỗi con bọ mà đóng cả cánh cửa to không cho những đàn ong lớn vào làm tổ. Hệ thống nào cũng phải đủ năng lực để kiểm soát những con muỗi, con bọ khi nó lọt nhà mình. Đó là điều mọi quốc gia đều làm.

Xây dựng Luật nhưng thực thi luật quan trọng không kém. Thành hay bại lại chính là ở khâu thực thi. Ông đánh giá điều này thế nào?

Anh làm tôi nhớ tới lời nói của một lãnh đạo cấp cao khi xây dựng Luật Hợp tác xã.

Tôi nhớ hồi làm Luật Hợp tác xã, tại cuộc họp cuối cùng trước khi đưa Luật ra ấn nút, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói với tôi: “Ông Đông, ông đã bao giờ làm hợp tác xã chưa. Giờ luật này ra ông có tin Hợp tác xã phát triển không và nó đi đúng hướng không”.

Với tôi câu hỏi đó là câu rất quan trọng, đeo bám tôi tới tận giờ. Tôi trả lời: “Thưa chủ tịch, tôi tự tin là luật đi đúng hướng. Trước hết nó phải đúng về nguyên lý, đúng với quy luật kinh tế. Nhưng điều đó mới đi chưa được nửa đường, còn thực hiện, thực thi Luật nữa, nó đúng là một thách thức”.

Cho đến giờ, sau khi Luật ra đời, phong trào hợp tác xã đã bắt đầu khởi sắc, song vẫn chưa phát triển như mong muốn kỳ vọng. Đó là điều tôi day dứt.

Vừa rồi tôi tình cờ về 1 tỉnh. Ông Chủ tịch tỉnh giới thiệu quê ông có 1 xã mấy trăm ha cam, cả huyện lên đến cả nghìn ha cam.

Thế là tôi bảo ông ấy cho tôi được làm việc trước kia tôi chỉ có nói. Đó là giới thiệu cho tôi về làng ấy, về với bà con để tự tôi thử sức thuyết phục bà con làm theo hợp tác xã được không, để quả cam người ta bán ra có chất lượng, có uy tín, có thị trường.

Tôi vẫn thấy mô hình hợp tác xã không thể không làm. Nếu muốn tránh những vụ “giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn”, không có gì khác là bà con phải tự tổ chức tham gia Hợp tác xã do chính họ lập ra.

Liệu có khi nào thuyết phục bà con làm hợp tác xã, ông lại thấy Luật Hợp tác xã mà ông góp phần xây dựng có khiếm khuyết, không phù hợp thực tế?

Nếu thế thì quá tốt. Nếu đi vào làm thực tế mà thấy cái chưa phù hợp, để thấy hóa ra ngày xưa mình ngớ ngẩn, mình ngồi phòng lạnh vẽ ra những điều phi lý, phi  thực tế.

Nhưng tôi tin là không có chuyện đó. Tôi khẳng định luôn, chỉ có điều thực tiễn đặt ra phong phú hơn, còn nguyên lý đặt ra trong Luật Hợp tác xã thì không sai.

Đã nhiều ý kiến nói rằng Luật tốt mà con người thực thi kém thì chẳng thành công. Dường như kiểm soát con người thực thi luật khó hơn không kém xây dựng luật?

Cái đó là muôn thuở, ở mọi quốc gia, mọi đất nước. Xử lý cái đó cứ công khai hết đi. Cái gì là bí mật của quốc gia thì giữ ở chế độ mật, còn cái gì không cần thì đừng mật. Công khai ra hết, trừ những cái thực sự thuộc về an ninh quốc phòng. Dùng tiền của dân tại sao lại bí mật.

Dường như ở Việt Nam chúng ta, cái khó nhất vẫn là công khai?

Với chủ trương của Đảng, điều hành của Chính phủ bây giờ thì cái đó (công khai) cũng không khó. Nhiều thứ công khai được chứ. Có điều một số người ở đâu đó vẫn nhân danh bảo vệ lợi ích nên người ta muốn bí mật. Nhiều thứ đã quy định trong luật chẳng qua người ta không thực hiện. Ví như là công khai kết luận thanh tra, công khai kết quả đấu thầu, đều đã được quy định trong luật hết, chẳng phải xin xỏ ai.

Chỉ có công khai thì người nọ mới rút kinh nghiệm được từ người kia. Có thể khi công khai có thể làm khó khăn cho đối tượng (bị/được) thanh tra, nhưng nhiều trường hợp thì đó lại là cơ hội để họ được thanh minh, giải oan thì sao.

Cái lợi của công khai là người khác biết đấy mà tránh. Người khác biết mà rút kinh nghiệm. Nhìn theo kiểu ấy sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi công khai các vấn đề cho dân, cho công luận giám sát. Còn nhìn theo công khai theo cách: làm vậy thì tội nghiệp ông nọ ông kia , chỗ ấy là thân quen thôi đừng bóc mẽ nhau, làm khổ nhau, thì rất khó thay đổi.

Trong quản lý kinh tế có thể có sơ suất là bình thường. Bản chất thanh tra là để sớm nhận diện sai sót để nó đừng đi quá đà. Ngược lại cũng đừng tô đậm sai phạm quá mức cần thiết. Người ta sợ công khai có phần vì sự việc nhỏ, nhưng đưa ra công luận, chì chiết quá mức thì thành lớn. Nếu truyền thông để câu chuyên” con gà đầu tiên rụng cái lông”, dần dần sau một hồi thành câu chuyện “con gà trụi hết cả lông”, Thì cứ như thế mới dẫn đến người ta sợ công khai.


Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn mạnh khỏe!

Lương Bằng (thực hiện)