Do đó, nếu bản thân để rơi vào nhóm nợ xấu bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vay nợ ở ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.
1. Nợ xấu là gì?
Hình minh họa. |
Theo định nghĩa của ngân hàng, nợ xấu là những khoản nợ vay tại các tổ chức tín dụng đã đến hạn thanh toán nhưng chưa được thanh toán đầy đủ. Khoản nợ này đã quá hạn trên 90 ngày tính từ ngày bắt đầu đến hạn trả.
Các khoản nợ xấu hiện hành hoặc các khoản đã phát sinh từ trước thời điểm hiện tại một khoảng thời gian, dù đã tất toán nhưng vẫn hiện hữu trong lịch sử tín dụng của bạn. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới điểm xếp hạng tín dụng cá nhân hoặc không nằm trong tiêu chí cho vay của ngân hàng.
Do đó, nếu rơi vào nhóm nợ xấu, bạn sẽ gặp khó khăn khi vay nợ ở ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.
2. Thông tin nợ xấu được lưu trữ ở đâu?
Thông tin nợ xấu bao gồm:
- Các khoản nợ trong quá khứ
- Các khoản nợ hiện tại
- Thời gian nợ quá hạn
- Họ tên người vay
- Nơi vay vốn
Thông tin này được truy xuất trên 2 trung tâm tín dụng:
- CIC: Trung tâm tín dụng được điều hành bởi Ngân hàng Nhà nước.
- PCB: Trung tâm tín dụng được điều hành bởi công ty trung tâm tín dụng tư nhân.
Trước kia, ngân hàng và các tổ chức tín dụng chủ yếu sử dụng CIC để tra cứu thông tin nợ xấu. Hiện nay, họ thường sử dụng song song cả CIC và PCB để tra cứu thông tin tín dụng của khách hàng vay vốn.
3. Các nhóm nợ trên hệ thống CIC
Trên hệ thống CIC, khách hàng đi vay sẽ được xếp vào 1 trong 5 nhóm nợ dưới đây:
Nhóm 1 – Nợ đủ tiêu chuẩn
- Các khoản nợ có khả năng thu hồi cả gốc và lãi đúng hạn.
- Các khoản nợ trong hạn.
- Các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày (khách hàng quá hạn từ 1 đến 10 ngày trả thêm lãi phạt quá hạn 150%).
Nhóm 2 – Nợ cần chú ý
- Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến dưới 30 ngày.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.
Nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn
- Các khoản nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu.
- Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.
Hình minh họa. |
Nhóm 4 – Nợ nghi ngờ mất vốn
- Các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn
- Các khoản nợ quá hạn từ 180 ngày trở lên.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn.
Nếu điểm CIC trong nhóm 3,4, 5, chắc chắn tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ không hỗ bạn vay tiền dưới bất kỳ hình thức nào. Sẽ mất 2 năm để điểm CIC của bạn trở lại bình thường.
Với một số ngân hàng và tổ chức tín dụng có hệ thống kiểm soát rủi ro chặt chẽ, đặc biệt là các ngân hàng có vốn nước ngoài, khách hàng đã rơi vào nhóm nợ xấu không bao giờ được xét duyệt khoản vay với bất kỳ hình thức nào.
4. Nguyên nhân gây phát sinh nợ xấu
Một số nguyên nhân có thể khiến bạn rơi vào nhóm nợ xấu như:
- Sử dụng thẻ tín dụng không kiểm soát dẫn tới mất khả năng thanh toán, không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
- Mua hàng trả góp tại các siêu thị nhưng không trả tiền đầy đủ và đúng hạn theo cam kết trong hợp đồng vay tiền.
- Sử dụng thẻ thấu chi của các ngân hàng theo lương nhưng chi tiêu quá mức. Đến kỳ thanh toán, trong tài khoản lương không đủ tiền trả nợ nên phát sinh nợ quá hạn.
- Không chấp nhận cách tính lãi của khoản vay nên cố tình không trả nợ. Dẫn tới khoản vay bị quá hạn, chuyển thành nợ xấu.
- Không biết hoặc quên, hoặc cố tình không chấp nhận các khoản phí phạt do quá hạn ngày thanh toán. Khoản phí phạt này chuyển thành các khoản nợ quá hạn.
Thực tế, nguyên nhân chủ quan dẫn đến nợ xấu là do tình hình tài chính bất ổn của khách hàng. Khách hàng không có khoản thu nhập nào khác hoặc khả năng quản trị yếu. Do đó, không thích ứng được khi môi trường kinh tế có sự thay đổi lớn.
Ngoài ra, nợ xấu có thể xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh, dịch chuyển kinh tế,… Dẫn đến khó khăn cho khách hàng trong quá trình trả nợ. Từ đó gây ra tình trạng nợ xấu ngoài tầm kiểm soát của khách hàng. Theo khảo sát, khoảng 1% tổng dư nợ của khách hàng rơi vào nợ xấu vì lý do này.
5. Làm thế nào tránh rơi vào nợ xấu?
Khi có ý định vay tiền ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, nên tự đánh giá khả năng của bản thân để có phương án trả nợ thiết thực. Tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nếu không may có biến cố bất ngờ xảy ra.
Khi nhận được tiền vay vốn, cần lập kế hoạch sử dụng sao cho hợp lý. Đồng thời, đảm bảo hiệu quả đúng với mục đích vay vốn, đem lại lại lợi ích cho bạn.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức trong vấn đề sử dụng vốn vay và thời gian trả nợ. Quá hạn trả nợ không chỉ khiến bạn bị xếp vào nhóm nợ xấu, mà còn phải trả một khoản phí phạt không nhỏ.
Trong trường hợp bạn không may mất nguồn thu nhập và không thể trả nợ đúng như cam kết, hãy liên hệ với nhân viên ngân hàng để thảo luận và tìm ra phương án trả nợ tối ưu nhất.
(Theo Pháp Luật và Bạn Đọc)