Cần bình tĩnh, đừng nhìn bức tranh quá tối
Tại Hội nghị ngành du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV chiều 6/2, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch địa phương, các DN lữ hành, hãng hàng không,... Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cho hay, dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV bùng phát giữa lúc tốc độ tăng trưởng du lịch đang tốt, tháng 1 tăng trưởng cao với 2 triệu lượt khách quốc tế.
Ngay đầu năm mới, ngành du lịch đã phải đối mặt với thách thức đầu tiên là sụt giảm lượng khách và doanh thu ít nhất trong quý 1 và chưa rõ diễn biến tiếp theo. Trong khi đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2020, Chính phủ chưa có sự điều chỉnh nào về mục tiêu tăng trưởng, trong đó có du lịch.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Ngay đầu năm mới, ngành du lịch đã đối mặt với thách thức lớn |
Trước khi bàn về giải pháp, nhiều ý kiến nhấn mạnh điều đầu tiên là ngành du lịch cần tránh mất bình tĩnh. Bởi, bên cạnh các giải pháp quyết liệt mà Việt Nam đang thực hiện để phòng chống dịch, thì các vùng không có dịch vẫn cần tiếp tục hoạt động, tất nhiên trong sự kiểm soát và đảm bảo an toàn.
Do đó, khi Bộ VH-TT&DL ra công điện yêu cầu đóng cửa các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận được hàng trăm cuộc gọi của các địa phương, doanh nghiệp. “Họ bức xúc vì nếu khách không đến, mọi hoạt động dừng lại là ngành du lịch tê liệt ngay”, ông kể. Hiệp hội lập tức có văn bản kiến nghị đề nghị điều chỉnh lại văn bản này, và ngày 6/2 Bộ đã “sửa sai”.
Do vậy, ông Bình cho rằng, cần tạo ra một không khí bình tĩnh trong ngành, chỉ đạo sát sao nhưng đúng, trúng.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn, thẳng thắn, chúng ta đừng nhìn bức tranh quá tối mà cần cân bằng các trạng thái. “Sợ mưa mà mưa chưa đến, cứ cầm ô chạy vòng quanh. Chúng ta còn phải sống, phải làm việc. Cần phân cấp nơi nào bị ảnh hưởng, nơi nào không để hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động ở vùng không có dịch”, bà Xoan kiến nghị.
Bà dẫn chứng, chỉ địa phương nào đón khách Trung Quốc mới khủng hoảng. Còn tại các tỉnh ở Tây Nguyên, như Đăk Lăk và đặc biệt là Đà Lạt, công suất buồng phòng vẫn đạt mức cao, trên 80%. Hay tại Hà Nội, chỉ khách sạn Deawoo, Melia là căng, còn khách sạn Metropole lượng khách vẫn bình thường.
Theo ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hồi đồng tư vấn du lịch (TAB), thống kê nhanh của TAB cho thấy lượng khách hủy phòng không nhiều, nhiều khách sạn vẫn duy trì được công suất 75-80%. Khách hủy phần lớn là từ Trung Quốc, thị trường Đông Bắc Á, còn thị trường xa hủy rất ít.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan, cần phối hợp kích cầu du lịch nội địa bởi vừa qua “chúng ta khủng hoảng tinh thần rất lớn” |
Thừa nhận dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV xảy ra là thảm họa với ngành hàng không và du lịch, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, cho hay, mặc dù phải dừng toàn bộ các chuyến bay tới Trung Quốc từ 1/2, với gần 40.000 chuyến, nhưng hãng vẫn xúc tiến và mở đường bay mới để thu hút khách, như đường bay mới Hà Nội - New Delhi mở từ 12/2 tới.
Ông Quang khẳng định, cần có thông tin chính thống từ Tổng cục Du lịch, Bộ Y tế, Chính phủ để tránh sự mất bình tĩnh vì ở Việt Nam dịch không phải ở mức độ quá nghiêm trọng và chúng ta đang kiểm soát tốt, do đó không nên phản ứng quá tiêu cực.
Chuẩn bị đón lượng khách bùng nổ sau dịch
Đề cập đến các giải pháp ứng phó với dịch corona, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết, Tổng cục Du lịch đang xây dựng dự thảo kế hoạch hành động, với các giải pháp cho 2 mốc thời gian: trong khi có dịch, mọi hoạt động vẫn diễn ra, không nhất thiết phải đóng cửa mà kiểm soát an toàn dịch bệnh; sau khi hết dịch, các giải pháp cũng cần thực hiện ngay bây giờ thì tới đây mới có tác dụng.
Đầu tiên là kế hoạch quảng bá, nhưng phải thay đổi bởi khách Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30% thị phần khách quốc tế tại Việt Nam. Chưa kể, không chỉ khách quốc tế mà cả khách nội địa, khách outbound cũng bị ảnh hưởng nên mỗi đối tượng có cách quảng bá, kích cầu riêng.
Từ kinh nghiệm đối phó dịch SARS, ông Lê Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho hay, đầu 5/2003 khi Việt Nam công bố khống chế được dịch thì đến tháng 7, du lịch nội địa hồi phục, tháng 9 là khách quốc tế, tức chậm hơn một nhịp.
Vì thế, Việt Nam nên tập trung quảng bá cho giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại có dịch thì thông tin phải vừa đúng, vừa đủ và chính xác, nhất quán và kịp thời. Giai đoạn sau dịch, cần xây dựng kịch bản kỹ để thu hút khách đến Việt Nam thay vì đi nước khác, bởi thường khi hết dịch là thị trường du lịch bùng nổ.
Khách quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu, hầu như chưa mang khẩu trang khi tới các vùng không có dịch tại Việt Nam (ảnh minh họa) |
Ông Trần Trọng Kiên cho hay, theo nghiên cứu của TAB, tại Việt Nam sau các đại dịch, khủng hoảng, thị trường xa phục hồi nhanh nhất là Anh (3 tháng), Úc, châu Âu (6-10 tháng), Mỹ (12-16 tháng),… nên ưu tiên tập trung tiếp thị, trấn an khách rằng Việt Nam là điểm đến, sau đó tiếp tục xúc tiến quảng bá để thu hút khách Trung Quốc.
Song, đại diện tập đoàn Sungroup kiến nghị việc quảng bá phải tiến hành ngay, doanh nghiệp không thể chờ đến quý 4 khách hồi phục. Do vậy mà cuối tháng 3, tập đoàn này phối hợp cùng phía hàng không, các đối tác dịch vụ ra sản phẩm kích cầu dành cho thị trường nội địa. “Chỉ cần hết dịch, 1 tuần sau khách trong nước đã có nhu cầu du lịch”, vị này nói.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Việt Nam đã vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng tương tự, như dịch SARS,... và khách nội địa vẫn có nhu cầu đi du lịch, do đó song song với việc quảng bá xúc tiến cần phối hợp kích cầu du lịch bởi vừa qua “chúng ta khủng hoảng tinh thần rất lớn”.
Ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, lưu ý, việc quảng bá xúc tiến cần tạo sự thân thiện với khách, không kỳ thị với khách. Hiện còn trên 2.000 người Trung Quốc ở Khánh Hòa, nên tránh hành vi xua đuổi mà tiếp tục đón tiếp có kiểm soát để tạo hình ảnh đẹp, qua đại dịch khách quay trở lại Việt Nam nhiều hơn.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng dịch corona xảy ra còn là cơ hội để ngành du lịch nhìn lại mình, đầu tiên là rà soát lại cơ sở vật chất, nâng cấp chất lượng dịch vụ để chuẩn bị đón khách tăng trưởng mạnh sau dịch; hơn nữa là đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực và ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch.
Về chính sách hỗ trợ cho ngành, đại diện Hiệp hội Du lịch kiến nghị: Giảm thuế VAT 10% xuống 5% trong 6 tháng; lùi nộp thuế VAT thêm 6 tháng, tức là đến sang năm; miễn lệ phí visa cho tất cả các thị trường. Về kiến nghị này, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho hay, từ nay đến cuối tháng 2 hoặc muộn nhất là trong quý 1 sẽ có văn bản trình lên Chính phủ, càng sớm càng tốt để thu hút khách du lịch.
Ngọc Hà