“Sự thật là những thay đổi thời gian qua dù tích cực nhưng vẫn theo kiểu đều đều. Chúng ta chưa dám có những thay đổi thực sự mạnh mẽ, quyết liệt để tạo ra bước tiến về chất trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế” - TS Nguyễn Đình Cung.
VietNamNet giới thiệu phần 1 bàn tròn “Tái cơ cấu kinh tế - Ba năm nhìn lại” với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ, cơ quan chủ trì soạn thảo đề án tái cơ cấu kinh tế và TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tái cơ cấu không thể triền miên
Nhà báo Việt Lâm: Trong nhiều năm gần đây, cụm từ tái cơ cấu kinh tế chắc chắn
là một trong những thuật ngữ xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện thông tin
đại chúng, trong các hội thảo khoa học hay trong báo cáo của các cơ quan nhà
nước. Thế nhưng, chương trình tái cơ cấu kinh tế triển khai được 3 năm mà đến
bây giờ dường như vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người đặt ra câu hỏi:
tái cơ cấu rốt cuộc là gì? Theo hai ông, câu hỏi này có cần thiết phải đặt ra
vào thời điểm này không?
TS Nguyễn Đình Cung: Phải thừa nhận rằng chương trình tái cơ cấu kinh tế mà
Chính phủ thực hiện trong 3 năm vừa qua vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Bởi vậy,
cần phải đặt ra câu hỏi nội hàm của tái cơ cấu là gì. Thật ra, chương trình của
Chính phủ dựa trên nội hàm của tái cơ cấu, đó là sự phân bổ lại nguồn lực trong
nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh
tranh của nền kinh tế. Và lực lượng đóng vai trò phân bổ lại nguồn lực chính là
thị trường, chứ không phải nhà nước.
Bởi vậy, để đánh giá xem chúng ta đã tái cơ cấu được hay chưa thì trước tiên
phải xem đã thay đổi được cách thức phân bổ nguồn lực như mục tiêu đề ra hay
chưa. Theo quan sát của tôi thì không phải ai cũng nhận thức được nội hàm mà
chính phủ đang thực hiện chương trình tái cơ cấu là như vậy. Chính vì vậy mới có
nhiều ý kiến khác nhau.
Do đó, cần phải thảo luận thêm về nội hàm của tái cơ cấu kinh tế. Chỉ khi thống
nhất được về bản chất khái niệm thì sau đó chúng ta mới thống nhất được cách
đánh giá liệu tái cơ cấu đã đúng hướng hay chưa; nếu đúng hướng thì mức độ như
thế nào; đã đạt được kết quả dự tính hay chưa.
TS Lưu Bích Hồ: Tôi chỉ muốn bổ sung thêm một điểm: khi chúng ta nói tái cơ cấu
thì chúng ta phải thấy mục tiêu của nó là gì.
Mục tiêu của tái cơ cấu là để chuyển sang một mô hình tăng trưởng mới mà mô hình
tăng trưởng ấy có nội hàm như TS Cung vừa nói - tức là mô hình tăng trưởng dựa
trên sự nâng cao chất lượng, năng suất hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển
bền vững. Lâu nay, tất cả những điểm đó chúng ta đều chưa làm được và đã có
những lúc cảm thấy đã tới hạn không thể tiến lên được nữa. Cho nên, nói về tái
cơ cấu đừng có tách rời với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phải dựa vào mục
tiêu để đánh giá chứ không phải chỉ đánh giá những việc làm cụ thể. Phải xem mục
tiêu đã đạt được đến đâu, ví dụ năng suất, sức cạnh tranh, hiệu quả thế nào? Chứ
không phải chỉ chăm chắm xem đã cổ phần hoá được bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước,
cắt giảm được bao nhiêu nợ công, xử lý được bao nhiêu nợ xấu.
Phân bổ lại nguồn lực mà lấy thị trường là yếu tố quyết định, chính là tiền đề,
cơ sở để chúng ta thực hiện được tái cơ cấu, mà muốn làm được việc đó thì phải
cải cách thể chế.
Có quan điểm cho rằng, tái cơ cấu lúc nào cũng phải làm. Tôi không đồng ý như
vậy. Với chương trình tái cơ cấu lần này, với nội hàm và mục tiêu rõ ràng như
vậy thì chúng ta phải đặt ra một hạn định kết thúc cho nó, chứ không thể triền
miên mãi được.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tập trung gỡ rối là chính
Việt Lâm: Vậy đến bây giờ, sau 3 năm có thể đánh giá kết quả nổi bật nhất chúng
ta đạt được qua chương trình tái cơ cấu kinh tế là gì hay không?
TS Nguyễn Đình Cung: Chúng tôi có bộ phận liên tục theo dõi diễn biến và có
những tham dẫn chỉ số căn bản của nền kinh tế. Qua đánh giá thì bước đầu những
chỉ số như nâng cao hiệu quả, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh
của nền kinh tế đều có cải thiện. Ví dụ như trước đây, năng suất lao động tăng
khoảng 3,5%/năm thì bây giờ đạt khoảng 4,3%/năm. Đóng góp của năng suất các nhân
tố tổng hợp (TFP – chỉ số phản ánh hiệu quả sử dụng các nguồn lực) vào tốc độ
tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2009-2010 là âm thì nay đã ở mức độ có thể chấp nhận
được. Hệ số ICOR (chỉ số đo lường hiệu quả đầu tư – ICOR càng cao tức là càng
kém hiệu quả) cũng giảm xuống.
Tuy nhiên, nhiều người đặt vấn đề hoài nghi là các chỉ số cải thiện được như thế
có thật là nhờ tái cơ cấu hay do yếu tố nào khác? Tôi cho rằng, những chỉ số này
được cải thiện trước tiên là chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô một cách
chắc chắn và ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện cần thiết để cải thiện môi
trường kinh doanh. Hai là, trong mấy năm vừa rồi chúng ta cải thiện môi trường
kinh doanh rất mạnh mẽ và có những bước tiến khác biệt so với trước. Hai yếu tố
đó kết hợp với những cải cách tái cơ cấu nhất định trong ba lĩnh vực là tài
chính, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước giúp cho thị trường vận hành tốt hơn.
Nhưng nếu nhìn lại xem ta đã thay đổi căn bản phương thức phân bố nguồn lực
trong nền kinh tế, trong đó thị trường là yếu tố quyết định hay chưa thì tôi tin
rằng chúng ta chưa làm được.
Tôi cũng đồng ý với TS Lưu Bích Hồ là tái cơ cấu phải có giai đoạn, có thời hạn
chứ không thể làm theo kiểu triền miên. Trong đề án của Chính phủ cũng đã giải
trình rất rõ rằng có hai thuật ngữ cần làm rõ: chuyển dịch thay đổi - thay đổi
thường xuyên, tịnh tiến từ cấp thấp sang cấp cao hơn. Trong khi đó, tái cơ cấu
kinh tế là thực hiện sự chuyển đổi tại một thời điểm nhưng với cường độ rất mạnh
để nâng cấp bậc về chất của chuyển đổi, nói cách khác đấy là sự chuyển đổi trong
một thời gian tương đối ngắn với một tốc độ rất mạnh mẽ và toàn diện. Khi tái cơ
cấu đạt được mục tiêu rồi thì quá trình chuyển đổi cứ liên tục diễn ra.
Nếu áp theo tiêu chí này thì phải thừa nhận sự thật rằng chúng ta chưa tạo ra
được những thay đổi thực sự mạnh mẽ, quyết liệt và với tốc độ nhanh. Ngược lại,
sự thay đổi vẫn theo kiểu đều đều, tịnh tiến chứ chưa phải là một bước nhảy về
chất trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
TS Lưu Bích Hồ: Tôi xin nói thêm mấy ý kiến sau đây. Thứ nhất, tại sao cải
cách lại chậm chạp? Từ năm 2010 trở đi, nền kinh tế VN rơi vào bất ổn vĩ mô, lạm
phát cao, mọi chuyện đều rối beng lên, ngân hàng thì nợ xấu chồng chất, tập đoàn
nhà nước lớn phá sản, đầu tư công tràn lan, lãng phí. Cho nên, giai đoạn vừa rồi
phải tập trung gỡ rối, có gỡ rối thì mới ổn định được. Cải cách chậm, một phần
quan trọng là vì vậy.
Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh ở đây: tái cơ cấu không hẳn chỉ là ba lĩnh vực
trọng tâm (đầu tư công, tài chính-ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước). Tất cả các
ngành kinh tế phải thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi sang một cơ cấu năng suất,
chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh. Thực chất là phải đi vào đổi mới sáng
tạo, đi vào giáo dục, khoa học công nghệ…Phải nhìn thẳng vào thực tế là chúng ta
hầu như không làm được gì nhiều trong những lĩnh vực này.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng không thể chỉ vì tập trung vào gỡ rối mà chúng ta
không làm những việc khác. Đáng lẽ chúng ta phải vừa gỡ rối, vừa thúc đẩy những
việc cần làm để chuyển đổi đi vào thực chất. Nói cho sòng phẳng thì những vấn đề
mang tính bản chất như thế vẫn chưa nhúc nhích được là bao. Thử nhìn xem khoa
học công nghệ tiến được bao nhiêu? Sáng tạo được bao nhiêu? Lĩnh vực giáo dục
mới ra được nghị quyết, còn chuyển biến trên thực tế chưa rõ. Đối với môi trường
kinh doanh, đúng là phải thừa nhận chúng ta đã đạt được bước tiến quan trọng,
rồi xếp hạng năng lực cạnh tranh có nhích lên so với trước. Thế nhưng, nhiều
người vẫn cảm thấy sốt ruột bởi vì những bước tiến đó vẫn còn chậm so với yêu
cầu và khả năng của chúng ta.
Đương nhiên, nếu đặt trong bối cảnh thực tế vừa qua mà VN phải đương đầu: từ
tình hình thế giới phức tạp cả về địa chính trị, địa kinh tế, sức ép từ Trung
Quốc…mà chúng ta gỡ rối được, ổn định vĩ mô, trở lại trạng thái bình thường của
nền kinh tế và bắt đầu khôi phục được tốc độ tăng trưởng. Kết quả như vậy rất
tích cực và cần được nhìn nhận đúng mức, chứ không thể cực đoan phủ nhận sạch
trơn.
Đổi mới bộ máy khó quá!
TS Nguyễn Đình Cung: Ở đây, tôi muốn quay lại nội hàm của tái cơ cấu là thị
trường phân bổ lại nguồn lực. Muốn vậy, không thể né tránh cải cách thể chế, tức
là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, nói cách khác là
phải nâng cấp trình độ kinh tế thị trường ở VN ở mức tương đối cao để thị trường
vận hành tốt và thực sự đóng vai trò quyết định phân bố lại nguồn lực.
Đổi mới thể chế ở đây, một mặt là thị trường nhiều hơn, nhưng đồng thời với thị
trường nhiều hơn thì nhà nước phải hiệu quả hơn. Nói cách khác, phải thay đổi
vai trò, chức năng, cách thức quản lý của nhà nước. Trên thực tế, chúng ta mới
làm được chủ yếu ở vế thị trường. Vế thị trường thì cởi mở hơn, thông thoáng hơn,
thậm chí có người nói là mở tối đa. Vế nhà nước mới là vế kìm hãm mà kinh tế thị
trường thì hai vế phải đi liền với nhau. Chúng ta chuyển sang thị trường rồi
nhưng nhà nước vẫn có cái gì đó mang tính chất hành chính, kế hoạch hóa tập
trung, tư duy cũ và chính điều đấy ngăn cản cải cách thế chế hai bước trong bối
cảnh hiện nay.
Theo tôi thì chính phủ cũng chỉ làm được đến như thế thôi. Vế cải cách hệ thống
nhà nước gần như chưa thay đổi được gì. Như thế thì ở vế thị trường, chúng ta có
cải cách bao nhiêu đi chăng nữa cũng không nâng cấp được trình độ kinh tế thị
trường ở VN. Cải cách nhắm vào khu vực nhà nước mới là cải cách. Nhưng đấy lại
là cải cách khó.
TS Nguyễn Đình Cung, TS Lưu Bích Hồ và nhà báo Việt Lâm tại bàn tròn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việt Lâm: Tôi thì hiểu rằng chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận những bước đi thay
đổi nhỏ mang tính kỹ thuật, vì cái đó dễ làm. Nhưng giờ đến phần quan trọng hơn,
là thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực, nói cách khác là thay đổi luật chơi thì
dường như cần một ý chí chính trị lớn. Phải chăng vì vậy mà đó là cải cách rất
khó?
TS Lưu Bích Hồ: Muốn thay đổi chức năng, cách làm của nhà nước thì phải đổi mới
bộ máy cán bộ, công chức nhà nước. Mà thú thực tôi thấy bộ máy này khó đổi mới
quá! Cả một bộ máy phình to, mà thủ tục vẫn nhiêu khê, rườm rà, cho nên muốn
thực hiện được tất cả những chính sách đã đưa ra phải qua tầng tầng nấc nấc mất
bao nhiêu thời giờ.
Vừa rồi, điều tra của Ngân hàng Thế giới cho thấy trong mười mấy chỉ tiêu về môi
trường cạnh tranh, tự do kinh doanh, VN có nhích lên được trong một số lĩnh vực
nhưng so với quốc tế thì chỉ ở loại trung bình, thậm chí có nhiều chỉ số dưới
trung bình. Bộ máy nhà nước không phải chỉ riêng chính phủ mà còn các chính
quyền địa phương nữa. Nếu không đổi mới được bộ máy nhà nước theo cách như TS
Cung vừa đề cập thì không thể hi vọng có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Việt Lâm: Bởi vì những người đang nắm quyền phân bổ nguồn lực trong bộ máy nhà nước hẳn không dễ dàng từ bỏ quyền lực đó?
TS Nguyễn Đình Cung: Nếu một ai đó đang có quyền mà bảo người ta từ bỏ nó đi thì rất khó. Cải cách là phải tìm kiếm những động lực mới, áp lực mới buộc người ta phải thay đổi.
Thực ra, nói đến cải cách khu vực nhà nước là nói đến cải cách trên bốn phương diện. Thứ nhất: thay đổi lại vai trò, chức năng nhà nước trong kinh tế thị trường. Thứ hai, khi anh đã bàn đến thay đổi chức năng vai trò nhà nước rồi thì từ chức năng đó mới thiết kế cơ cấu bộ máy tổ chức nhà nước tương ứng. Thứ ba, xây dựng các công cụ quản lý phù hợp. Cuối cùng mới là năng lực quản lý, năng lực để sử dụng công cụ đó.
Phải đổi mới trên cả bốn phương diện nhưng điểm khởi đầu phải bàn là thay đổi vai trò, chức năng nhà nước. Thời gian qua, chúng ta rất ít bàn đến cải cách nhà nước theo hướng như thế. Khi thảo luận về một số luật mới đang và sắp sửa ban hành, phần lớn chúng ta mới chỉ bàn luận ở vế tổ chức nhà nước như thế nào, chứ quên không bàn cho thấu đáo điểm quan trọng đầu tiên là vai trò của nhà nước không phải là đứng riêng mà là đứng bên cạnh thị trường, giúp thị trường vận hành tốt hơn.
Tôi cho rằng, toàn bộ cách thức thảo luận lâu nay đang thiếu đi thảo luận về đổi mới khu vực nhà nước. Chính cái thiếu này, nếu không được điều chỉnh kịp thời, sẽ hạn chế tác động tích cực của những luật như luật doanh nghiệp, luật đầu tư công…vốn đang được kỳ vọng tạo ra đột phá về mặt thị trường của môi trường kinh doanh.
Rõ ràng là khó có thể thay đổi một cách căn bản phương thức phân bổ nguồn lực nếu nhà nước không thay đổi vai trò, chức năng của mình phù hợp với kinh tế thị trường.
Xem kỳ 2: Tiếng nói lẻ loi và nỗi sốt ruột của bộ trưởng
VietNamNet (còn tiếp)