Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, các đại biểu Quốc hội có nhiều trăn trở về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) nhận định văn hóa nước ta đang thực sự lâm nguy, dù có nhiều cố gắng và thành tựu trong những năm qua nhưng không thể lạc quan.
"Chúng ta đã thực sự phát triển văn hóa của mình. Chúng ta đang chứng kiến sự xâm lăng văn hóa. Chúng ta đang chứng kiến sự nhập siêu văn hóa, ở đó ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, các bài hát, lối sống và cả suy nghĩ ở nước ngoài đang gặm nhấm, tàn phá tinh thần và tâm hồn của người Việt", đại biểu bày tỏ.
Ông chia sẻ, người Việt đang ở đây nhưng tâm hồn, tinh thần đã vượt biên, bị thao túng bởi Facebook, Youtube, Tiktok.
Ông Sơn cho rằng "không thể nhìn bộ phim của Trấn Thành, của Lý Hải được vài trăm tỷ đồng mà thấy toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng, vì có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng. Chúng ta không thể nhìn thấy 1-2 chương trình âm nhạc, vài ba nghệ sĩ sống xa hoa mà cho rằng cả nền nghệ thuật Việt Nam đang giàu có vì còn hàng trăm chương trình, hàng ngàn nghệ sĩ đang trong hoàn cảnh khó khăn".
Đại biểu nhấn mạnh, một xã hội văn minh là xã hội biết lắng nghe và tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo của văn nghệ sĩ và những người thực hành văn hóa.
Trong giai đoạn rất cần chấn dân khí vì một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Sơn khẳng định cần sự ủng hộ, khuyến khích những sản phẩm văn hóa của người Việt cho người Việt và vì người Việt.
Đại biểu TP Hà Nội mong muốn tạo điều kiện tốt hơn cho sản phẩm văn hóa nghệ thuật để thuế "không trở thành rào cản cho lòng yêu nước, không trở thành rào cản cho tinh thần tự hào dân tộc, cho khát vọng phát triển đất nước"...
Cũng có nhiều chia sẻ vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) cho biết, ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế, thể thao đang được Đảng và Nhà nước định hướng là động lực phát triển kinh tế - xã hội mới thì việc tăng thuế giá trị gia tăng tại thời điểm này sẽ "dập tắt" cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh.
Bà Đông dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế khi phần lớn các quốc gia đều hỗ trợ phát triển văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp như phân bổ từ ngân sách Nhà nước và hỗ trợ gián tiếp như thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng ưu đãi...).
Vì vậy bà kiến nghị duy trì mức thuế 5% cho các hoạt động văn hóa, thể thao nói chung để đảm bảo tính khả thi và linh hoạt trong quản lý.
Làm rõ thêm vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhất trí với việc tạo môi trường phát triển thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như các đại biểu Quốc hội nêu, đây là một chủ trương rất chính xác.
Tuy nhiên, nếu đưa các dịch vụ hàng hóa lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vào trong diện không chịu thuế sẽ dẫn đến những tác động có thể bất lợi cho các nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ. Ông cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng từng lĩnh vực, từng mặt hàng để đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất.