- “Chúng ta không thể nào đánh giá công chúng, những người đang giám sát nghệ sĩ là một đám đông nông nổi, hay gọi họ miệt thị hơn là anh hùng bàn phím”- MC Lê Anh nhấn mạnh.
Trước vấn đề nghệ sĩ kêu gọi ủng hộ từ thiện cho đồng bào miền Trung đang được quan tâm, Thạc sĩ - MC Trịnh Lê Anh, giảng viên trường ĐHKH&NV đã dành cho VietNamNet một cuộc trao đổi thẳng thắn.
Sự nhiệt tình của các nghệ sĩ đã và đang ủng hộ đồng bào miền Trung những ngày qua là một điều đáng quý. Tuy nhiên họ cũng gặp không ít những rắc rối. Như MC Phan Anh phải đóng tài khoản sau khi kêu gọi ủng hộ được 16 tỷ. Diễn viên Đại Nghĩa bị chỉ trích không minh bạch giữa tài khoản cá nhân và tài khoản kêu gọi từ thiện… Theo anh, bài học dành cho các nghệ sỹ khi đi từ thiện là gì?
- Tôi nghĩ rằng, hoạt động từ thiện ngoài tâm huyết, nghĩa tình mà mình muốn truyền tải thì phải có phương pháp. Đã đến lúc mà cuộc sống vận hành rất minh bạch, với nhiều cơ chế mà đôi khi nếu không có phương pháp, bạn sẽ rất dễ vướng “tình ngay lý gian”. Điều này là các cụ đã dạy rồi.
Ở những hoạt động tình nguyện quy mô nhỏ, thiếu sự trợ giúp của truyền thông, khả năng ảnh hưởng thấp như trong nhiều năm tháng trước đây thì hậu quả để lại không cao .Nhưng giờ đây, nhất cử nhất động của các nghệ sỹ đều nhận được rất nhiều sự giám sát, đánh giá từ phía công chúng đang theo dõi và ủng hộ họ.
Tôi cho rằng, việc công chúng đánh giá có lý hay phi lý, nghệ sĩ cũng phải chấp nhận chuyện này. Bởi việc cộng đồng đồng hành với nghệ sỹ đó là điều tất yếu, không thể từ chối được. Chính vì thế, phương pháp làm từ thiện phải là điều mà các nghệ sỹ cần phải học hỏi thực sự. Hãy để ý xem ở thời đại toàn cầu này, những nước khác họ làm từ thiện như thế nào.
Một đất nước hay xảy ra động đất như Nhật Bản họ làm từ thiện như thế nào? Có phải họ luôn luôn tôn vinh những cá nhân làm từ thiện không? Hay họ cũng đã thấm thía chuyện những cá nhân làm từ thiện thì xảy ra rất nhiều những vấn đề khúc mắc? Khi một tài khoản cá nhân nhận được một số tiền kếch xù như vậy, sẽ dẫn đến rất nhiều nghi hoặc về vấn đề minh bạch thông tin.
Anh có thể nói cụ thể thêm về điều này?
- Lấy ví dụ tài khoản của một doanh nghiệp vốn góp, sẽ có nhiều ràng buộc để ra một quyết định chi tiêu từ ngân sách chung của doanh nghiệp đó, tức là luật sẽ hoạch định sao cho quyền lực không chỉ tập trung ở một người, khi nguồn lực tài chính không do một mình họ đóng góp. Như thế, dễ thấy tài khoản cá nhân của một nghệ sỹ thì hoàn toàn chỉ do nghệ sỹ ấy quyết định! Vấn đề nằm ở đây!
Một cách tự nhiên, quyền lực của nghệ sĩ được gia tăng dựa trên số tiền quá lớn; sự ủy thác, kỳ vọng của mọi người cũng lớn hơn rất nhiều, trong khi nhận thức, phương pháp để vận hành số tiền tài trợ ấy đối với cá nhân những nghệ sỹ (tôi không chủ đích nói riêng ai) vốn sống nhiều cảm xúc, chưa quen với việc quản lý tài chính theo pháp luật và khoa học, tất sẽ nảy sinh vấn đề thiếu minh bạch.
Tôi cho rằng “không có lửa, thì không có khói"! Trước những phân tích hợp lý, những đòi hỏi minh bạch của công chúng, các nghệ sỹ cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm và cũng nên thấy rằng khi quy mô huy động đủ lớn thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý và năng lực vận hành nguồn tài chính đó.
Ngoài cá nhân, các tổ chức có vai trò và vị trí quan trọng trong lĩnh vực này. Rõ ràng có nhiều lựa chọn hơn là việc tự giải quyết một mình số tiền và cũng là kỳ vọng của “đám đông”!
Vậy anh khuyến khích xu hướng nghệ sĩ làm tình nguyện có tổ chức thay vì cá nhân?
- Đúng vậy. Tôi không thật sự thấy rằng mô hình từ thiện cá nhân sẽ trở thành xu hướng đảm bảo không có rủi ro. Không ai cấm các nghệ sỹ làm tình nguyện cả, tôi rất ủng hộ nhưng hãy nghĩ đến những cơ hội cho nhiều người cùng tham gia với mình.
Đấy mới là cách làm từ thiện theo tôi là văn minh, khoa học, ngăn ngừa được những rủi ro liên quan bản thân nghệ sĩ và dư luận.
Không chỉ vấn đề minh bạch tiền bạc, thái độ của các nghệ sĩ khi đi từ thiện cũng được công chúng quan tâm. Có nghệ sĩ đã phải thốt lên: “Không phải cứ đi đám ma thì phải khóc, và không phải cứ đi từ thiện thì không được cười đùa”. Anh bình luận gì về điều này?
- Nếu người Nhật Bản duy mỹ, người phương Tây duy lý, thì người Việt Nam được coi là một dân tộc duy tình - “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”.
Vì thế, ở trong một xã hội mà cái tình vẫn đang bao trùm lên cuộc sống của chúng ta, nếu bạn cứ tuyên ngôn một nguyên tắc sống của bạn và bạn yêu cầu những người khác phải chấp nhận thì rất có thể, bạn sẽ tự loại bỏ đi những cơ hội để hợp tác với nhiều người khác, vì họ không chia sẻ những quan điểm đó.
Nên tôi cho rằng trong trường hợp này, một người nghệ sỹ phải làm đúng điều mà lâu nay chúng ta vẫn nói, là “làm dâu trăm họ”. Còn nếu các nghệ sỹ đang muốn mình tồn tại với tư cách cá nhân độc lập, ước mơ về một nơi ai làm việc ấy và không cần quan tâm đến việc của mình, th ìchắc gì việc từ thiện của các nghệ sỹ đã được ủng hộ đến như vậy.
Nếu anh đi từ thiện mà nở một nụ cười hay có thái độ nào đó và bị chỉ trích bởi khoảnh khắc ấy, anh sẽ phản ứng như thế nào?
- Trong những bối cảnh đi làm từ thiện, rõ ràng một người nghệ sỹ nghiêm túc sẽ nhắc mình rằng cần hạn chế rất nhiều cảm xúc có tính chất tươi vui, hớn hở.
|
Nếu rơi vào trường hợp đó, tôi sẽ cho đó là tai nạn đáng tiếc. Và rõ ràng mình phải rút kinh nghiệm, có thể phân trần ít nhiều trên các phương tiện thông tin chính thống để giãi bày với công chúng. Nhưng việc cộng đồng thông cảm đến đâu hay không thông cảm thì mình vẫn phải chấp nhận, chuyện đó phải sòng phẳng.
Có thể nhiều người sẽ cảm thấy bất công khi có “một đám đông trên mạng nhàn rỗi thích chọc ngoáy vào công việc tốt đẹp của người khác”. Anh bình luận gì về điều này?
- Đây là giai đoạn mà công chúng Việt Nam đang muốn quan tâm đến những vấn đề thời luận xã hội chung, trong đó có cả họ. Vì thế mà chúng ta không thể nào đánh giá họ là một “đám đông nông nổi”, hay gọi họ miệt thị hơn là “anh hùng bàn phím”.
Hiện tượng có tính phổ biến được gọi vui là “văn hóa com mần” tập hợp những suy nghĩ, phát ngôn và hành động bột phát, dư thừa cảm xúc, thiếu chín chắn của một bộ phận không nhỏ “cư dân mạng” đang được đúc kết: xấu, tốt, hay, dở chưa được hạ hồi phân giải.
Nhưng phải thừa nhận rằng, đó là một sức mạnh thực sự, bởi vì nếu không có sức mạnh ấy thì chúng ta cũng không thể có số tiền hàng chục tỷ ủng hộ cho đồng bào ngay trong một thời gian ngắn.
Vì vậy, hãy nhìn nhận khách quan sự “nông nổi” của họ. Một khi họ đã nồng nhiệt, sẵn sàng và nhanh chóng như vậy thì họ cũng dễ dàng rút lui những quyết định của mình ngay khi gặp phải điều nghi hoặc, họ sẽ đồng hành theo kiểu soi mói, phán xét hoặc chỉ trích. Điều đó nghệ sỹ phải chấp nhận, và hãy cân nhắc trước khi bạn có thể tuyên ngôn với nhóm công chúng này.
Có thể nhiều nghệ sĩ đang cảm thấy mệt mỏi và bức xúc vì cho rằng họ đã làm thiện nguyện bằng cả tâm huyết, sức lực của mình mà vẫn chịu không ít chỉ trích…
- Công chúng sẽ bảo bạn là: “Nếu mệt mỏi thìđừng làm nữa và chúng tôi không cần bạn” đấy! (cười)
Tôi cho rằng, người làm người nghệ sỹ - “làm dâu trăm họ” sẽ phải chấp nhận cách nhìn như vậy và phải rất bình tĩnh trong chuyện này. Nếu công chúng không thấy được sự nhiệt tình của mình nữa thì nghệ sĩ nên triển khai hoạt động một cách lặng lẽ (rất dễ dàng mà!) và thậm chí, nếu thấy nản thì vẫn nên rút lui một thời gian để xem còn có cơ hội trở lại được hay không, thay vì lớn tiếng “tôi làm việc đúng thì tôi cứ thế mà làm. Ai phán gì cứ phán”.
Công chúng không phán đâu, họ chỉ đang nói quan điểm của họ. Ở một xã hội dân chủ thì nghệ sỹ cũng phải tiếp nhận đa quan điểm như vậy. Đừng đánh giá rằng họ ít hiểu biết hơn mình hay họ không phải là mình thì họ không biết mình đang làm đúng.
Họ không phải là bạn và họ có quyền không nhận thức được bạn làm đúng. Đó là quyền của họ trong việc phát ngôn, và tất nhiên nếu họ phát ngôn sai luật, họ cũng sẽ bị pháp luật xử lý. Các nghệ sỹ làm từ thiện, hãy bình tĩnh và sáng suốt, giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh!
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Ngọc Ánh