- Lần này soi vào các trường hợp cụ thể vừa bị “sờ gáy” mới thấy thấm thía làm sao. Nếu không làm tốt công tác kiểm tra, nếu kiểm tra không khách quan, trung thực thì tình hình sẽ ra sao?
Mấy ngày nay sau kết luận Kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xem xét, xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao, mổ sẻ, phân tích sâu sắc từng việc. Ngay sau đó Ban Bí thư TƯ Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Ông Nguyễn Phong Quang |
Cán bộ, đảng viên, nhân dân thêm tin tưởng Đảng ta đã và đang “làm thật”. Ở một Câu lạc bộ của những cán bộ, đảng viên về hưu, các cán bộ lão thành chuyền tay nhau những tờ báo còn thơm mùi mực. Họ đưa cho nhau xem những bài viết trên báo điện tử qua những chiếc máy điện thoại thông minh. Lời bình thì nhiều, rất nhiều. Nhưng có một câu đáng chú ý nhất: Đúng là không có “vùng cấm”!
Lâu nay không ít người cho rằng việc xử lý kỉ luật cán bộ còn nhẹ trên nặng dưới, mới “đánh từ vai trở xuống”. Mấy anh cán bộ xã, phường; vài anh chánh phó giám đốc sở; dăm anh giám đốc doanh nghiệp sơ xảy là trở thành “dê tế thần” (!). Lần này (có thể hiểu là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay) Đảng ta đã “nói đi đôi với làm”, nhất là trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những cán bộ hư hỏng. Việc UBKT TƯ kết luận rõ những sai phạm của các ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, rằng những sai phạm đó nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật được xem như ngọn đèn pha soi vào những góc khuất bấy lâu chưa được làm sáng tỏ.
Cùng bị xem xét kỷ luật với hai vị lãnh đạo Đà Nẵng còn có một số cán bộ ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Gia Lai, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… Thế nhưng dư luận tập trung bàn luận nhiều nhất về trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh. Vì sao vậy? Vì đây là một cán bộ trẻ, khi làm Bí thư Tỉnh ủy mới 39 tuổi, người ta kỳ vọng nhiều về ông với những việc làm và phát ngôn ấn tượng. Vì đây là con một đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT TƯ. Khi một ai đó “đi lên” được chú ý như thế nào thì theo logic tự nhiên khi “đi xuống” cũng được “quan tâm” như thế và hơn thế!
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái) và ông Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: Cao Thái |
Nguyên nhân nào dẫn đến sai phạm của một cán bộ cấp cao tuổi còn rất trẻ? Đó là một câu hỏi rất đau và rất buồn. Ông Nguyễn Xuân Anh từng nói: “Xin nói thẳng là không ai có khả năng chi phối lãnh đạo TP cả... Tôi là cán bộ trẻ, còn công tác lâu dài nên chẳng có việc gì mà phải thế này thế kia. Tôi không có việc gì mà phải đánh đổi truyền thống gia đình, không ai có thể chi phối…” Bây giờ thì sự “đánh đổi” ấy đã xảy ra rồi. Đau là ở chỗ ấy. Và phải chăng nguyên nhân chủ yếu là cán bộ trẻ này đã được đi trên một con đường lập trình sẵn, làm quan tắt, học tắt, giàu lên cũng… tắt? Lỗi ấy một phần trách nhiệm thuộc về gia đình, về công tác tổ chức cán bộ. Liệu có tình trạng nể nang, né tránh, dễ anh dễ tôi trong công tác đề bạt, bổ nhiệm? Trước khi đưa các cán bộ còn non lép về tiêu chuẩn cơ quan tổ chức cán bộ liệu đã có ai thẳng thắn nêu ý kiến: Hãy lùi lại trường hợp này?!
Trở lại câu chuyện “vùng cấm”. Thái độ kiên quyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của UBKT TƯ là minh chứng thuyết phục cho tuyên ngôn này. Không phải là hôm nay, chuyện buồn của Đà Nẵng. Trước đó là việc xử lý một số cán bộ cấp cao; điều tra, xét xử một số vụ đại án, trong đó có vụ tham nhũng tại Oceanbank đang đi vào hồi kết. Trong đó nhiều bị cáo từng là những nhân vật đi đâu cũng mang theo “cây quyền trượng” là tiền, là nhà, là xe hơi. Họ lọt qua rất nhiều cửa. Họ “mua” được một số quan chức thoái hóa biến chất bằng rất nhiều tiền. Họ được bao bọc trong các “vùng cấm”, “vùng tránh”. Một thời họ nói rất hay về đạo đức người cán bộ, về lòng trung thực, về chống chủ nghĩa cá nhân. Nhưng bây giờ ra trước tòa thì những giọt nước mắt muộn màng không cứu được những lời nói đó. “Gạo đổ bốc chẳng đầy thưng”. Hàng trăm tỷ mà họ rút ruột từ ngân hàng, bây giờ biết nói sao đây, họ đưa ai, “chạy” ai để nhằm nhảy lên những chiếc ghế cao hơn - điều mà chúng ta đang chống quyết liệt – chống thói đam mê quyền lực.
Hình ảnh tại phiên tòa xử vụ tham nhũng Oceanbank |
Lâu nay khi nói mục đích công tác kiểm tra là “chống” để “xây”, là nhằm làm cho tổ chức đảng và đảng viên trong sạch, vững mạnh ta thấy thật là đúng. Lần này soi vào các trường hợp cụ thể vừa bị “sờ gáy” mới thấy thấm thía làm sao. Nếu không làm tốt công tác kiểm tra, nếu kiểm tra không khách quan, trung thực thì tình hình sẽ ra sao? Xin nói ngay rằng, sẽ không thể đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “lợi ích nhóm”…
Nếu cán bộ kiểm tra lòng dạ không trong sáng, nếu bị chi phối bởi những tác động từ nhiều phía thì làm sao có thể lắng nghe được hết ý kiến của những đồng chí dũng cảm đấu tranh, tiếng nói của quần chúng nhân dân. Tại nhiều diễn đàn trong mấy ngày qua tôi đã nghe những tiếng nói tâm huyết của nhiều cán bộ, đảng viên lão thành: Cần phải có phần thưởng đặc biệt cho công tác kiểm tra và những người làm kiểm tra. Các đồng chí ấy đã công minh, chính trực, vượt qua tất cả những mới quan hệ nhằng nhịt, những “tác động” êm ái và cả những đe dọa.
Theo thiển nghĩ của chúng tôi, phần thưởng ấy chắc không phải là Huân chương. Phần thưởng lớn nhất chính là niềm tin của nhân dân. Đặc biệt là khi niềm tin ấy vào Đảng đã giảm sút như Đảng ta đã nhận định tại Đại hội lần thứ XII. Không chỉ là quần chúng nhân dân nói chung đâu, mà ngay cán bộ, đảng viên, không ít đồng chí chưa thật sự tin tưởng vào việc đấu tranh chống tham nhũng. Chúng ta không hô khẩu hiệu: “Hãy tin đi!”. Chúng ta hãy làm, bằng những việc cụ thể. Nhổ cỏ để lúa lên xanh tốt.
Vẫn còn đây đó những phân vân. Rằng hình như việc chống tham nhũng, xem xét kỷ luật mới chỉ quyết tâm ở cấp cao. Còn ở các bộ, ban, ngành, các địa phương thì sao? Còn nhiều vụ việc nổi cộm kéo dài ở tỉnh này, bộ nọ sao xem xét xử lý chậm thế. Liệu có ai chống lưng, ai bao che? Liệu có tình trạng đùn đẩy lên Trung ương, lên Chính phủ?
Cũng cần phải chú ý xem xét, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Mọi cơ chế chính sách, quy trình đều do con người đặt ra. Một cán bộ thăng tiến thần tốc, lỗi đâu phải tại quy trình. Không nên để xảy ra quá nhiều việc rồi lại kiểm tra, kỷ luật. Phòng mới là quan trọng. Xây mới là quan trọng. Thí dụ cái chuyện bằng giả, rồi bằng thật kiến thức giả, chúng ta đã nói nhiều rồi. Những “lò ấp tiến sĩ” những năm qua đã cho ra lò không ít những người học vị không tương xứng với tấm bằng. Tiếc rằng việc công khai, giải quyết chuyện này chưa rốt ráo. Cũng cần xem lại tư tưởng phong kiến “trọng danh hơn thực” trong việc cơ cấu cán bộ vào cấp ủy, vào các vị trí lãnh đạo. Chúng ta luôn nói phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo, nhưng ở rất nhiều nơi người ta đang có xu hướng nặng về bằng cấp, học vị, khiến cho nhiều người học hành lỗ mỗ vẫn cố “mua” mảnh bằng “trên đại học” để chui sâu, leo cao. Nếu có một cuộc tổng kiểm tra, rà soát các loại văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, chắc chắn sẽ lòi ra rất nhiều những tấm bằng ma quái.
Kết quả của việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình không nhằm vào việc kỷ luật bao nhiêu cán bộ. Mục đích chính là cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn. Tuy nhiên với những trường hợp sai phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, gây bức xúc trong nhân dân thì phải có bàn tay thép, kỷ luật Đảng đi liền với xử lý bằng pháp luật. “Sợi mực tầu làm đau thân gỗ vẹo”. Đau nhưng sẽ cho ta những thân gỗ thẳng để dựng căn nhà mới, căn nhà luôn nồng ấm tình người, tin cậy, yêu thương./.
Hải Đường
(Nguyên Ủy viên Bộ biên tập Báo Nhân Dân)