- ĐB Trần Du Lịch kể có người dân nói, ông Lịch ơi đừng xúi tôi về huyện kiện cho mất công.
>> Khổ với tin nhắn rác, dân kiện được không?
Thảo luận bộ luật Tố tụng hành chính tại QH hôm nay, ĐB Trần Du Lịch cho hay thực tế có chuyện giữa quyết định hành chính của chính quyền và lãnh đạo của cấp ủy không có ranh giới.
“Những chuyện dân kiện tới chủ tịch huyện có nghĩa cấp ủy đã quyết rồi, đã bàn rồi và đây là vấn đề tế nhị. Người dân gặp tôi nói ông Lịch ơi ông đừng xúi tôi về huyện kiện vì mất công” - ĐB cho hay và đề nghị không đem việc khó giao cho thẩm phán huyện.
ĐB Huỳnh Nghĩa |
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị QH giữ nguyên thẩm quyền xét xử án hành chính của tòa án cấp huyện như hiện tại để thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án.
Phó đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng nếu tăng cường thẩm quyền của tòa huyện từ xét xử 2 năm tù giam lên 15 năm thì không có lý do gì trình độ cán bộ tòa cấp huyện yếu.
Bản lĩnh mà nghe cú 'a lô' là thôi
Nêu nguyên nhân chính khiến án hành chính cấp huyện bị hủy nhiều không phải do trình độ mà do dân ngại va chạm với chính quyền, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) ủng hộ dự thảo nên giao cho tòa án tỉnh thụ lý giải quyết đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch hoặc của UBND huyện.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng không thể vì cho rằng thẩm phán không dám đối đầu với chính quyền địa phương dồn tất cả lên cấp tỉnh, người dân phải đi rất xa để kiện một vụ án hành chính.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền |
“Ở Lâm Đồng, từ cấp huyện lên cấp tỉnh gần 300 cây số để đi kiện thì việc này rõ ràng trở ngại cho dân, người dân muốn gần để tiếp cận công lý thuận hơn”, ông phát biểu.
ĐB Đỗ Văn Đương phản bác lại khi cho rằng dồn án hành chính lên tòa tỉnh không thể bảo là xa dân vì 80% khiếu kiện hành chính ở cấp huyện, cấp tỉnh chủ yếu về đất đai, chủ yếu ở thành phố lớn, những tỉnh đô thị hóa mạnh mẽ, còn vùng sâu, vùng xa ít khi kiện về đất đai.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng đồng tình phải mở rộng thẩm quyền như dự thảo, chuyển án hành chính từ cấp huyện lên tỉnh xử, cấp tỉnh lên tòa án cấp cao xử sẽ hay hơn.
“Tôi không dám đánh giá đội ngũ thẩm phán của cấp huyện hay tỉnh yếu kém. Các đồng chí đảm bảo đủ tất cả trình độ năng lực, kể cả bản lĩnh. Nhưng dù có bản lĩnh trời đi nữa mà một "a lô" tới là thôi rồi. Khó lắm”, ông nhấn mạnh.
Ông đề nghị dự thảo luật theo tinh thần không sợ dân phải đi xa mà sợ phải xa dân. Dù dân có đi xa hơn nhưng niềm tin vào công lý tốt hơn thì dân sẽ cố gắng đi xa, độ an toàn pháp lý tốt hơn.
Dân kiện quan làm thế nào có quyền lực?
Với những vụ "dân kiện quan", ĐB Trần Du Lịch đề nghị bộ luật Tố tụng hành chính làm sao phải bảo vệ bên đi kiện là người yếu thế. Các quy định từ khởi kiện, tranh tụng, xét xử và thi hành án cần theo hướng trao công lý cho những người yếu thế.
ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cũng nhìn nhận trong những vụ án dân kiện quan, dân thường ở thế yếu và khả năng vi phạm từ phía người có thẩm quyền. Ông đề nghị quy định thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ. Bởi các quyết định hành chính mang tính nội bộ không đơn thuần là chỉ đạo, điều hành mà rất nhiều quyết định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
ĐB Trần Văn Độ |
"Hiện nay, những vụ việc này giải quyết theo con đường khiếu nại, mà khiếu nại thì thủ trưởng quyết định, thủ trưởng giải quyết, rồi thủ trưởng cấp trên giải quyết, cơ chế đó là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - ĐB phản ánh.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại cho rằng không nên mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với các khiếu kiện về quyết định nội bộ cơ quan.
“Nếu đưa nội dung này vào, tôi không biết tòa án sẽ phải có bao nhiêu việc trong một năm, đặc biệt sẽ làm rối loạn các cơ quan chứ không phải bình thường như bây giờ”.
Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng