*Bài viết là cảm nhận của biên tập viên Dieter Bohn, The Verge.
Nếu muốn mua một chiếc smartphone tốt ở Mỹ, bạn thường chỉ có 2 lựa chọn là máy của Apple hoặc Samsung. Họ là những hãng đưa ra sản phẩm tốt nhất: màn hình lớn, chất lượng gần như hoàn hảo, hiệu năng cao và thiết kế rất chắc chắn.
Tất nhiên, những chiếc Pixel hay smartphone của Huawei cũng rất tốt, nhưng Pixel thì hầu như không bán được mấy, còn Huawei thì chẳng bán ở Mỹ.
Chiếc OnePlus 7 Pro có đủ thứ để cạnh tranh với smartphone cao cấp, ít nhất là về thông số. |
Do vậy, OnePlus là một cái tên rất được yêu thích bởi họ luôn tỏ ra là một thương hiệu yếu thế, và tạo ra những chiếc smartphone tầm trung với chất lượng vượt trội tầm giá.
Tuy nhiên với 7 Pro, OnePlus đang thể hiện rằng họ không còn là một tay đấm tầm trung nữa. Họ muốn cạnh tranh trực tiếp với Apple và Samsung ở phân khúc cao cấp, với giá từ 699 USD. Trên lý thuyết thì chiếc điện thoại này thực sự có cơ hội cạnh tranh.
Thiết kế cao cấp và màn hình quá ấn tượng
Điều mà các thiết bị cao cấp luôn tỏ ra vượt trội chính là ở chất lượng thiết kế. Chiếc 7 Pro này thực sự cho cảm giác cao cấp, với thiết kế 2 mặt kính cong xung quanh viền kim loại. Có thể nó cũng học hỏi khá nhiều từ dòng Samsung Galaxy, nhưng 7 Pro có điểm khác biệt là mặt lưng nhám và màu sắc lạ, cùng cụm camera nằm dọc.
Cụm camera chính là thứ bạn sẽ đem khoe với bạn bè, bởi nó sẽ tự trượt lên khi chụp selfie. Đây là một tính năng rất hay, với mục đích cuối cùng là giúp cho OnePlus kéo màn hình ra đến sát viền máy mà không cần phải có phần khuyết cho camera. Phần viền rất mỏng, với viền dọc cong vào như Samsung Galaxy vậy.
Camera selfie trượt chính là thứ bạn có thể đem khoe với bạn bè. |
Tôi phải dùng từ “rất tuyệt” cho màn hình. Nó không chỉ rất lớn mà quan trọng là chất lượng hiển thị rất tốt. Nó có độ phân giải cao, rất sáng và màu sắc rực rỡ. Màn hình sử dụng công nghệ OLED, đúng như những gì bạn sẽ trông đợi trên một chiếc smartphone cao cấp.
Bên cạnh đó, OnePlus còn trang bị tần số quét cao, tới 90 Hz cho màn hình so với 60 Hz trên màn hình bình thường. Nhờ đó, mọi thứ từ cuộn màn hình đến chuyển động đều trở nên mượt hơn. Giống như trên iPad Pro, đây là tính năng mà bạn không nghĩ đến cho tới khi thực sự trải nghiệm.
Màn hình lớn, hiển thị đẹp và rất mượt với tần số quét 90 Hz. |
Cuối cùng, màn hình còn tích hợp một cảm biến vân tay. Đây không phải là máy đầu tiên có tính năng này, nhưng chiếc 7 Pro quét tốt hơn mọi máy tương tự mà tôi thử, kể cả OnePlus 6T hay Galaxy S10.
Điểm duy nhất tôi có thể chê ở thiết kế là OnePlus đã không trang bị tính năng chống nước. Có thể camera trượt khiến chống nước khó khăn? OnePlus tuyên bố chỉ số chống bụi nước IP chỉ là thứ phí tiền, nhưng chỉ số IP thực sự cho người dùng biết điện thoại có thể bền đến đâu.
Camera đã so được với máy đầu bảng
Chất lượng máy ảnh tệ hại là điểm trừ lớn nhất của OnePlus 6T, nhưng OnePlus 7 Pro đã cải thiện rất nhiều. Về thông số, ngoại trừ camera chính thì máy còn có camera góc rộng, camera telephoto 3x và máy ảnh selfie trượt.
Bất ngờ chưa! Tôi hầu như luôn hài lòng với những bức ảnh chụp từ 7 Pro. Những bức ảnh chụp với camera chính có thể so được với ảnh chụp từ Galaxy S10, iPhone XS và đôi khi là cả Pixel 3.
Camera chính của 7 Pro đã so được với những máy đầu bảng, nhưng những camera còn lại thì không mấy ấn tượng. |
Ảnh của 7 Pro thường có độ tương phản thấp hơn chút và màu ấm hơn chút so với Pixel 3. Nó cũng gặp đôi chút khó khăn khi chụp ngược sáng. Tuy nhiên, nhìn chung camera của 7 Pro có thể so sánh với những smartphone cao cấp nhất.
Đó là câu chuyện của camera chính, và không may tôi chẳng ấn tượng được như vậy với mọi camera còn lại. Camera góc rộng và tele cho ảnh ổn khi ánh sáng tốt, nhưng khi chụp trong nhà trông ảnh khá nhòe và hơi sương sương. Tôi vẫn có những lúc tận dụng được chúng, nhưng tôi thấy mình thích quay về camera chính hơn.
Tôi chưa thử kỹ, nhưng khả năng quay video của 7 Pro tốt hơn Pixel 3, dù không bằng máy Samsung hay iPhone. Camera selfie thì có chất lượng chấp nhận được, không nổi trội. Tôi nghĩ có thể lo lắng về độ bền, bởi mọi thành phần chuyển động đều có thể bị hỏng.
Để “đánh” các máy đầu bảng, OnePlus rõ ràng phải cải thiện camera. Tôi không nghĩ chiếc 7 Pro chụp tốt hơn các máy đầu bảng, nhưng với tôi thì nó không còn là thứ khiến bạn phải cân nhắc khi mua máy OnePlus nữa, trừ khi chụp ảnh đẹp là ưu tiên lớn nhất.
Hiệu năng mạnh và pin rất tốt
Chiếc OnePlus 7 Pro này rất, rất nhanh, mà cũng dễ hiểu thôi, vì nó có cấu hình cao nhất trên một chiếc Android. Chiếc máy tôi đánh giá là bản cao nhất, giá 749 USD với bộ nhớ trong 256 GB và RAM 12 GB, và nó thực sự lướt như bay. Lượng RAM lớn giúp cho các ứng dụng được giữ lại trong bộ nhớ lâu hơn, và tôi nghĩ OnePlus cũng có tối ưu phần mềm một chút.
Tôi cũng rất hài lòng với viên pin 4.000 mAh và thời gian tôi đạt được. Tôi có thể dùng tới ngày thứ 2 khá thoải mái, hoặc dùng rất nhiều trong 1 ngày. Pin chờ cũng tốt hơn những máy Android tôi quen, có lẽ bởi phần mềm của OnePlus khá mạnh tay tắt những ứng dụng chạy ngầm.
Nút gạt để chuyển chế độ rung, chuông là thứ chỉ có trên máy OnePlus hoặc iPhone. |
Đáng tiếc là OnePlus vẫn giữ công nghệ sạc riêng của họ qua cổng USB-C chứ không phải chuẩn Power Delivery phổ biến, và cũng không có sạc không dây. Họ đã nói đúng khi khẳng định máy sạc rất nhanh và mát, nhưng tôi vẫn thích nó có thể sạc nhanh với mọi loại ổ cắm và cáp mà tôi đã mua. Những máy cao cấp khác đều trang bị sạc không dây, và OnePlus đáng ra nên bổ sung tính năng này.
Máy không có cổng tai nghe và cũng chẳng có đầu chuyển, nhưng tôi không gặp vấn đề gì khi dùng kết nối Bluetooth. Loa ngoài 2 kênh nghe ổn khi bật mức trung bình, nhưng bật to thì âm thanh nghe khá tệ. Tôi cũng thích cái nút gạt để chuyển chế độ rung hay chuông trên chiếc điện thoại này.
Hệ điều hành OxygenOS tùy biến trên Android có nhiều tính năng nhưng không tạo ra cảm giác quá mệt mỏi. OnePlus luôn cập nhật Android nhanh trong quá khứ, một điểm mà không phải hãng Android nào cũng làm được.
Có lý do gì để không bị thuyết phục?
Chiếc 7 Pro là một máy với cấu hình rất mạnh, và tôi đã quá quen để cảm thấy hơi hồi hộp khi nhìn một chiếc máy có phần cứng mạnh như vậy. Đó là vì phần cứng mạnh thường đồng nghĩa thiết kế hoặc những thứ khác sẽ phải hi sinh.
Tuy nhiên sau 1 tuần dùng 7 Pro, tôi cảm thấy chẳng có khía cạnh nào bị xem nhẹ. Màn hình rất đẹp, camera tốt và phần mềm gọn, nhanh.
Mặc dù giá bán cao hơn các thế hệ trước, những gì OnePlus 7 Pro thể hiện khiến biên tập viên của The Verge rất ấn tượng. |
Dù vậy, mọi chiếc điện thoại đều có một “điểm yếu”, kể cả những máy đắt tiền. Với OnePlus 7 Pro, điểm yếu đó chính là giá. Mức giá từ 699 USD cao hơn hẳn mọi thế hệ trước, nhưng nó vẫn rẻ hơn so với những đối thủ như Galaxy S10 Plus, Pixel 3 XL hay cả iPhone XS Max.
Nếu như OnePlus 7 Pro có một đòn hiểm để hạ gục đối thủ thì đó chính là mức giá. Những thiết bị khác có thể có tính năng mà người dùng không thể bỏ qua, như camera của Pixel hay iOS trên iPhone. Nhưng nếu những tính năng đó không phải thứ duy nhất bạn cần, tôi chẳng nghĩ ra lý do gì để không mua OnePlus 7 Pro.