Đầu tư nghiên cứu làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí vì chắc chắn là không có hiệu quả. Hay nói cách khác xin đừng lấy tiền thuế của dân ném “lên trời gọi mưa” rất viển vông trong khi đất nước đang có nguy cơ “vỡ trận tài chính”!

Nguyên lý làm mưa nhân tạo chỉ được coi là thành công nếu thỏa mãn ba điều kiện: (1) Giải thích được cơ chế vật lý của việc tăng lượng mưa do tác động làm mưa nhân tạo. (2) Các kết quả phải đảm bảo độ tin cậy thống kê. (3) Kết quả làm mưa nhân tạo phải được lặp lại với các điều kiện mây và tác động tương tự như nhau, hay nói cách khác, công nghệ được nghiên cứu và phát triển tại vùng này phải áp dụng được một cách hiệu quả tại các vùng khác.

“Lên trời gọi mưa”

Theo báo Dân Trí cho biết, Công ty cổ phần Khoa học công nghệ An Sinh Xanh đề xuất dự án “Lên trời gọi mưa” có thể giảm mây bay, điều tiết mưa đúng nơi, đúng lúc, giảm ngập lụt tắc đường, và đề nghị Chính phủ xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 01. Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị 07 Bộ cùng tham gia!?

{keywords}
Xin đừng lấy tiền thuế của dân ném “lên trời gọi mưa” rất viển vông trong khi đất nước đang có nguy cơ “vỡ trận tài chính”!

Theo các nguồn tài liệu khoa học, thí nghiệm đầu tiên về tác động lên mây đã được thực hiện vào cuối thập niêm '40 của thế kỷ 20. Tiếp đó, những năm 50 nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Liên Xô, sau đó là Nga đã tập trung nghiên cứu về vấn đề này. Khi đó, người ta đã nghĩ tới một ngày nào đó có thể bấm 01 nút vào buổi sáng để quyết định ngày hôm đó mưa hay nắng và con người có thể điều khiển được thiên nhiên.

Nguyên lý của làm mưa nhân tạo dù là của Nga, hay Pháp, Đức, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc...  đều phải dựa nguyên lý cơ bản là tận dụng hướng gió tự nhiên, tận dụng các luồng gió khí quyển tự nhiên có mang ít nhiều hơi nước kết hợp với tác động nhân tạo, phun các loại hóa chất thích hợp hay còn gọi là dùng các kỹ thuật tạo hạt nhân ngưng kết và đông lạnh vào không khí làm ngưng kết hơi nước lại hình thành các đám mây. Các đám mây đó là tập hợp các hạt nước nhỏ li ti, có kích thước khác nhau. Để có thể hình thành mưa, các hạt nước này phải kết hợp được với nhau, lớn dần và nặng hơn đủ để rơi xuống đất.

Tuy nhiên, quá trình này lại còn phụ thuộc rất nhiều vào các đặc trưng của luồng không khí đó như độ ẩm, lượng hơi nước, nhiệt độ, độ cao, tốc độ gió, độ sạch của khối khí, hướng di chuyển của khối khí, quy mô diện tích và bề dày của khối khí, mật độ không khí, mà chúng ta phải biết được nhờ quan trắc hoặc tính toán được trước khi quyết định thực hành quá trình tác động vào khối khí để tạo ra mưa nhân tạo.

Đáng tiếc là “sức người có hạn”, chúng ta khó có thể hiểu biết đầy đủ về bản chất của các khí đoàn theo cả phương ngang, phương thẳng đứng và theo cả thời gian. Vì vậy, giả dụ có thể tạo được mưa thì chưa chắc mưa đã rơi vào đúng nơi mà con người mong muốn.

Phải nói rằng công việc nghiên cứu tạo mưa nhân tạo là hết sức khó khăn về lý thuyết và vô cùng phức tạp về điều khiển, thực hành, cực kỳ tốn kém về kinh phí, vật tư, vật liệu, hiệu quả kinh tế không nhiều và rất phập phù.

Không thấy có sáng chế nào tin cậy

Ở Việt Nam, từ rất lâu rồi đã có các nhà khoa học nghiên cứu về làm mưa nhân tạo như của anh Lê Đình Quang (Tổng cục khí tượng thủy văn), và đặc biệt là đề tài nghiên cứu khoa học của PGS Vũ Thanh Ca - Bộ Tài nguyên & Môi trường tiêu đề: “Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo tại Việt Nam”.

Đề tài của PGS Vũ Thanh Ca đã mời được nhiều chuyên gia nổi tiếng nhất thế giới về tác động lên mây và làm mưa nhân tạo từ Mỹ, Nga sang Việt Nam phối hợp nghiên cứu, tổ chức hội thảo về làm mưa nhân tạo ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu cũng đi Nga, Thái Lan và Trung Quốc để học tập kinh nghiệm làm mưa nhân tạo.

Các công nghệ của các nhà khoa học Israel về mô hình số trị mã nguồn mở, mô phỏng rất chi tiết các quá trình vi vật lý mây và tác động lên mây để làm mưa nhân tạo, mô hình số trị dự báo thời tiết với thời hạn cực ngắn (2 đến 3 giờ) với độ chính xác cao, sử dụng các số liệu của ra đa số hóa để phục vụ nghiên cứu và tác nghiệp làm mưa nhân tạo, chuyển giao cho Việt Nam đều không thể áp dựng được vào thực tế vì không giải thích rõ được cơ chế tăng lượng mưa tới mức thương mại được khi tác động.

Qua theo dõi các tạp chí khoa học quốc tế cho đến tận ngày hôm nay cũng không thấy có sáng chế nào tin cậy được áp dụng để “hô phong hoán vũ” cho nên ngay các nước tiên tiến, giàu có trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc… vẫn phải chịu cảnh cháy rừng, ngập lụt do thời tiết.

Đầu tư nghiên cứu làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí vì chắc chắn là không có hiệu quả. Hay nói cách khác xin đừng lấy tiền thuế của dân ném “lên trời gọi mưa” rất viển vông trong khi đất nước đang có nguy cơ “vỡ trận tài chính”!

Tô Văn Trường