Mặc dù có tuổi đời thấp hơn một số nước khác trong khu vực hay trên thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường game online ở Việt Nam phải cam chịu cảnh sống chung với các sản phẩm kém chất lượng. Trên thực tế, không ít lần chúng ta được trải nghiệm game online thuộc hàng “khủng”, hàng “bom tấn” với rất nhiều lời khen từ cộng đồng người chơi và đánh giá cao từ giới chuyên môn. Dù vậy không ai có thể chối cãi rằng do sức công phá quá lớn, ôm đồm quá nhiều tính năng hay thực hiện quá nhiều thay đổi trong lối chơi, đồ họa mà hầu hết game “bom tấn” khi về Việt Nam đều bị phản tác dụng trước sự thụ động và tư duy còn hạn hẹp của một bộ phận người chơi. Họ sẵn sàng viện ra đủ loại lý do trên trời dưới đất để chê bai, để cộng đồng thấy rằng mình cũng muốn níu kéo game hay nhưng không thể.
Dung lượng game quá lớn nên...lười tải
Đã là game đỉnh thì đương nhiên phải có nhiều tính năng hơn, đồ họa phải chi tiết hơn và hệ quả là dung lương game phải lớn hơn mặt bằng chung nhiều lần. Nhưng với đường truyền internet “cùi bắp” tại Việt Nam thì tải game thật sự là một vấn đề. Tuy nhiên nếu không chịu chấp nhận thực tế này, chúng ta sẽ ngày càng có ít cơ hội để thấu hiểu thế nào là một game online “bom tấn”. Có khá nhiều cách khắc phục vấn đề bộ cài dung lượng lớn, ví dụ như chép nhờ người khác, ra tiệm mua đĩa, treo máy dài hạn để tải nhưng trong phần lớn trường hợp, chúng ta đều thoái thác rằng game quá nặng mà đường truyền lại quá chậm nên thôi khỏi chơi cho đỡ mất công tốn tiền điện hay tiền mua đĩa.
Đây có lẽ là lý do phổ biến nhất khi muốn từ bỏ một game “bom tấn” nào đó. Vì xuyên suốt lịch sử phát triển hàng ngàn năm, con người luôn hướng tới sự hoàn mỹ ở mọi lĩnh vực và ngành game cũng thế. Để mang đến những trò chơi có chất lượng vượt trội, tái hiện chân thực nhất cuộc sống quanh chúng ta hay một viễn cảnh nào đó thì tất nhiên đồ họa 3D sẽ là lựa chọn tối ưu. Nhưng giữa lúc mà bạn bè quốc tế háo hức trải nghiệm thế giới 3D ấy thì tại Việt Nam không ít người phải “xanh mặt” khi cố gắng làm quen với môi trường phức tạp này.
Game 3D đòi hỏi người chơi phải có sự quan sát tốt hơn, rộng lớn hơn so với game 2D. Mà sau nhiều năm trời sống cùng auto, kỹ năng đó đã bị thui chột đi rất nhiều nên cũng không quá khó để hiểu vì sao game thủ Việt ngày nay chơi game lại dở đến như vậy. Ngoại trừ một số trường hợp thần kinh yếu thì đa phần người chơi bỏ game 3D là do họ bị lúng túng, không biết cách xoay chuyển góc nhìn sao cho hợp lý. Hãy nhìn vào những Phi Đội, Granado Espada,Runes of Magic hay Võ Lâm Truyền Kỳ 3, Cửu Âm Chân Kinh, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Đao Kiếm 2 để hiểu vì sao game 3D luôn có cộng đồng khá ít ỏi dù chúng từng được dành cho rất nhiều mỹ từ trước khi ra mắt.
Lối chơi đột phá quá thành ra...không chơi được
Sự mâu thuẫn lớn nhất trong cộng đồng game thủ nước nhà đó là luôn chê bai rằng game 2D, webgame ít tính năng, bị trùng lặp nhiều, dễ chơi quá nên cần có những liều thuốc “nặng đô” hơn để khơi dậy bản tính thích chinh phục của mình. Nhưng khi NPH mạnh dạn đưa về game hay họ lại “thun vòi” khi đụng phải dàn tính năng đồ sộ trong đó rồi âm thầm rút lui để đỡ mang tiếng. Ví dụ đơn giản nhất là khi gặp phải “hàng khủng”, nhiều người không thể qua nổi phần dò tìm vị trí NPC để làm nhiệm vụ vì game không tích hợp auto dẫn đường. Thay vì kiên trì tìm hiểu, họ nhanh chóng đổ vấy rằng game không tiện dụng, mất thời gian rồi nhanh tay thoát mà không hẹn ngày trở lại.
Hay các trận đấu boss kéo dài, PvP thiên về kỹ năng, hệ thống chế tạo trang bị gồm nhiều bước hay điều khiển cùng lúc nhiều nhân vật,...là niềm vui cho những ai thích khám phá cái mới, từ đó khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng. Nhưng đối với phần còn lại, điều này giống như một trò lố, chỉ làm mất thời gian mà không đáp ứng được mong muốn của họ, chủ yếu là muốn mình mạnh lên nhanh chóng, đập boss như đập ruồi bằng cách nạp thẻ liên tục hay cắm auto suốt ngày.
Game không hỗ trợ auto nên không chơi
Cộng đồng game thủ Việt bao gồm nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi khác nhau, do đó sẽ có sự khác biệt trong cách mà chúng ta dành thời gian cho game online. Vì vậy nên auto đã ra đời như một công cụ hỗ trợ để giúp người ít thời gian có thể luyện cấp, làm nhiệm vụ mà không sợ bị thua thiệt quá nhiều với phần còn lại. Nhưng đến ngày nay, auto nghiễm nhiên đã trở thành một tiêu chuẩn buộc phải có khi lựa chọn game online mới. Những game không có auto thường sẽ bị đánh rớt ngay từ vòng gởi xe, dù rằng đó là ứng viên tiềm năng đến đâu đi nữa.
Dù vậy cũng khá khó để nói rằng game thủ Việt hoàn toàn có lỗi trong chuyện o bế auto đến như vậy. Thực trạng này một phần xuất phát từ chiến lược kinh doanh của NPH và khâu quản lý game online từ phía cơ quan chức năng. Những khắt khe, cấm đoán không đáng có đã đẩy NPH vào thế không còn đường lui, buộc họ phải chuyển sang nhóm sản phẩm ngắn hạn, chủ trương thu lợi nhuận chứ không tập trung phát triển cộng đồng về lâu dài. Và khi mà thị trường có nhiều NPH đi cùng đường lối như vậy thì việc game thủ bị tiêm nhiễm vào đầu tư tưởng: “Phải có auto thì mới chơi” là điều không thể tránh khỏi.
Nạp tiền mà vẫn không mạnh nên...giận, nghỉ chơi
Tiền có thể chi phối nhiều mặt trong cuộc sống thực và tất nhiên nó cũng có tác dụng tương tự trong thế giới ảo. Có lẽ chúng ta không còn lạ gì với kiểu bỏ ra vài chục, vài trăm triệu đồng để đập đồ, quay số hay tham gia một số tính năng nào đó với mong muốn nhân vật của mình sẽ gần như ngay lập tức leo lên vị trí số một server, đánh đâu thắng đó và khiến kẻ khác phải nể sợ. Nhưng đối với game “bom tấn” thì sự chi phối của tiền đã bị giảm đi rất nhiều mà thay vào đó là kinh nghiệm cùng sự thấu hiểu, tính kết nối nơi mỗi người chơi.
Bởi vậy khi tiền không còn là sức mạnh bá đạo nhất thì game thủ cũng tỏ ra không mấy mặn mà với game vì họ hiểu rằng thực lực của mình đến đâu, mình sẽ bị thua thiệt như thế nào nếu phải “tay bo” sòng phẳng với người chơi khác. Về phần mình NPH biết rằng một khi không thể dựa vào hệ thống tính năng kiểu “hút máu” thì chắc chắn doanh thu sẽ sụt giảm. Vì thế không dại gì thương thảo để đưa game đỉnh về nước mà vẫn trung thành với kiểu game thị trường để bảo đảm hoạt động.
Game không hack được nên...chán, bỏ game
Những game online thế hệ mới được quan tâm rất kỹ lưỡng đến khâu bảo mật, chắc chắn rằng người chơi không thể tận dụng lỗ hổng để trục lợi hoặc gây phương hại đến hoạt động của NPH. Đối với một bộ phận người chơi tại Việt Nam, điều này hoàn toàn không phải thứ mà họ mong muốn. Cứ nhìn vào thực tế, tại sao các game đầy hack như Audition hay Đột Kích vẫn sống khỏe, trong khi game bắn súng chất lượng như Warface lại ngày một vắng vẻ. Ở đây bên cạnh các yếu tố như cách vận hành, yêu cầu cấu hình cao, gameplay khó thì việc không thể hack tràn lan đã khiến một số phần tử cảm thấy nó không phải mảnh đất thích hợp cho mình.
Ý thức kém, tâm lý bầy đàn, kỹ năng cá nhân không có, ỷ lại vào auto, dùng tiền đập chết IQ hay thói quen “ăn xổi ở thì” của NPH khi lựa chọn sản phẩm mới là những rào cản vô hình đang kéo làng game Việt ra xa khái niệm game “khủng” hơn bao giờ hết. Do đó đừng thắc mắc vì sao game hay khó sống ở Việt Nam mà hãy tự vấn rằng, bản thân mình đã biết cách sống chung với những điều “trớ trêu” trong các tựa game “bom tấn” hay chưa mà thôi.
Theo infogame