“Nếu lấy danh nghĩa giảng viên để đòi hỏi chúng tôi phải sống như thánh thì thật hơi ác độc. Nếu vậy, tôi dám chắc chắn là sẽ có rất nhiều giảng viên bỏ nghề”, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.
Chuyện một giảng viên ĐH muốn đi bán xôi kiếm thêm thu nhập đã thu hút hàng trăm ngàn độc giả quan tâm. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã dành thời gian chia sẻ với VietNamNet về thu nhập của nghề giáo, cũng như phân tích tâm lý khiến nhiều giảng viên e ngại trước quyết định có thêm nghề tay trái để cải thiện cuộc sống.
Học vấn cao nhưng lương không đủ nuôi thân
Phóng viên: Rất nhiều ý kiến trái chiều trước câu chuyện một giảng viên ĐH muốn đi bán xôi để cải thiện thu nhập. Có ý kiến cho rằng “Dù lương thấp nhưng giảng viên ĐH cũng không nên buôn bán, làm việc chân tay vì nó làm mất hình ảnh cao quý của nhà giáo", ý kiến khác cho rằng "Làm gì cũng được miễn sao lao động chính đáng để kiếm ra tiền, giảng viên thì cũng phải ăn, phải sống". Chị ủng hộ ý kiến nào?
TS. Vũ Thu Hương: Theo tôi, giảng viên ĐH làm thêm là một việc hoàn toàn bình thường. Giảng viên hay nhân viên nhà hàng, bà chủ quán xôi…. đều là con người và đều đáng được kính trọng như nhau.
Tôi nghĩ, điều chúng ta phải công nhận với nhau là giảng viên cũng đều là người. Chúng tôi cũng cần ăn, mặc, ở. Một điều nữa có lẽ cũng cần làm rõ, các giảng viên sẽ vất vả hơn mọi người một chút vì chúng tôi bị yêu cầu học vấn vô cùng cao. Nếu các nghề khác bạn có thể hài lòng với bằng cử nhân thì nghề của chúng tôi luôn phải nhớ câu “Học, học nữa, học mãi” của V. Lenin.
Chúng tôi chỉ được coi là tạm ổn khi đã lấy xong bằng tiến sĩ. Có thể mọi người cho đó là việc đơn giản nhưng các giảng viên đều biết việc lấy cho được tấm bằng tiến sĩ không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi công sức, tiền bạc, thời gian và đôi khi cả nước mắt.
Vì thế, nếu lấy danh nghĩa giảng viên để đòi hỏi chúng tôi phải sống như thánh thì thật hơi ác độc. Nếu vậy, tôi dám chắc chắn là sẽ có rất nhiều giảng viên bỏ nghề.
“Cha mẹ tôi cũng từng là giảng viên đại học. Từ khi tôi mới 2, 3 tuổi, hình ảnh mẹ đan len, dệt len để kiếm sống nuôi gia đình quen thuộc với tôi hơn là hình ảnh mẹ đứng lớp dạy học” - TS. Vũ Thu Hương. |
Có giảng viên đã chia sẻ rằng, khi đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, chị ấy đã làm thêm đủ nghề, kể cả các việc được coi là “osin”. Chị đã từng làm thêm công việc gì ngoài chuyên môn để trang trải cuộc sống chưa?
- Tôi cũng đã từng đi giúp việc tại các siêu thị ở Đức khi đang làm nghiên cứu sinh ở đây. Ngoài ra, tôi cũng có vài tháng làm nghề phát tờ rơi quảng cáo giữa trời tuyết rơi. Đối với các lưu học sinh, việc đó là việc vô cùng bình thường.
Tôi nhớ cảm giác của mình khi đó là sự vui sướng vì sắp có thêm thu nhập và sắp có thêm các trải nghiệm mới. Nhờ nó, tôi mới biết kết cấu cổng nhà của các tòa nhà là khác nhau. Có những tòa nhà chỉ cần đẩy cổng là vào được, có tòa nhà thì phải bấm chuông, ai đó alo đồng ý mở cửa, họ bấm nút thì mình mới đẩy cửa vào được.
Và tôi cũng biết được sự khác biệt trong cách ứng xử của các tầng lớp người khác nhau trong xã hội Đức. Hóa ra, đàn ông khó tính hơn phụ nữ nhé. Chúng tôi lễ phép nhờ họ bấm cửa để vào phát quảng cáo vào các hộp thư. Bao giờ các bà cũng đồng ý và làm ngay còn các ông thì thỉnh thoảng lắm mới đồng ý. Chưa kể họ còn hỏi vặn vẹo chúng tôi rất nhiều. Thật thú vị.
Một trải nghiệm nữa tôi cũng nhận ra là khi mới đi ngoài trời tuyết rơi cả vài tiếng đồng hồ về nhà, việc uống 1 chén canh nóng sẽ làm cho chúng tôi lại sức nhanh hơn là ngồi trước lò sưởi hay ăn đồ ăn khô nóng.
Nếu không có những trải nghiệm như vậy, chắc chắn hiểu biết của tôi sẽ thiếu hụt rất nhiều.
Người ta cũng kể nhiều về thời bao cấp, đồng lương của thầy cô không đủ nuôi sống gia đình, họ phải làm đủ nghề kiếm sống để tiếp tục đứng trên bục giảng. Thời của chị chắc sẽ có những cảm nhận rõ hơn về chuyện này?
Cha mẹ tôi cũng từng là giảng viên đại học. Cái đói đeo bám nghề giảng viên có lẽ còn nhiều hơn các nghề khác. Từ khi tôi mới 2, 3 tuổi, hình ảnh mẹ đan len, dệt len để kiếm sống nuôi gia đình quen thuộc với tôi hơn là hình ảnh mẹ đứng lớp dạy học.
Cuộc sống ai cũng cần các nhu cầu thiết yếu. Bố mẹ tôi cũng cần phải kiếm ra tiền để nuôi sống 3 cô con gái.
Sau này khi tôi đã lớn, tôi vẫn thấy mẹ tôi cho thuê bát đĩa để nuôi gia đình. Chính tôi cũng thường xuyên đếm bát, giao bát cho khách. Trong lúc đó, với sinh viên, các cán bộ khác trong trường, bố mẹ tôi vẫn là những giảng viên/giáo sư đáng kính, họ không vi phạm đạo đức và luật lệ gì cả.
Sự kính trọng đó có thể thấy rất rõ khi mà bố tôi được bầu làm hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội với số phiếu cao mặc dù không ít người biết bố mẹ tôi ở nhà vẫn kiếm sống bằng các công việc tay chân kia.
Theo chị, đồng lương hiện tại của giảng viên đại học có đủ để trang trải cuộc sống hay không? Và nếu khó khăn thì thầy cô nên khắc phục bằng cách nào?
- Đây chính là một thực trạng khá đau lòng. Chúng tôi phải gia công học hành rất nhiều nhưng mức lương của chúng tôi quả là quá thấp. Hiện nay, lương của tôi không đủ chi trả chi phí cá nhân của tôi chứ đừng nói là nuôi gia đình. Với các giảng viên khác thì theo tôi biết, họ đã tham gia viết sách, viết giáo trình, đi dạy thêm ở khắp các nơi để kiếm sống. Có 1 câu nói rất hay mà giới giảng viên chúng tôi vô cùng tâm đắc: “Đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn nghèo”.
Có lẽ điều mà giảng viên chúng tôi trăn trở là làm sao việc làm thêm đó của chúng tôi càng được ứng dụng từ những học vấn và kỹ năng mà chúng tôi có bao nhiêu thì sẽ tốt bấy nhiêu. Với chúng tôi, việc đó như vừa thỏa mãn đam mê nghề nghiệp vừa là phương thức hữu hiệu để giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Hiện giờ tôi cũng vẫn đang làm thêm các công việc khác để kiếm sống giống như các bạn đồng nghiệp của mình. Điều may mắn là tôi đã có thể làm được đúng công việc nghiên cứu giáo dục tôi yêu thích vừa có thể giúp ích đưa các nghiên cứu khoa học giáo dục vào thực tế cuộc sống nhanh hơn gấp nhiều lần vừa thỏa mãn đam mê nghiên cứu về giáo dục trẻ em vừa trang trải cuộc sống và nuôi con.
Cần thay đổi suy nghĩ “nhà nho thanh liêm”
Có một thực tế là người Việt rất hay đánh giá người khác qua ngoại hình, qua công việc mà họ đang làm. Theo chị, có phải vì sĩ diện mà nhiều thầy cô không dám kinh doanh, hoặc làm nhưng giấu kỹ không dám cho đồng nghiệp biết vì sợ mang tiếng “con buôn”?
- Tôi nghĩ việc sợ mang tiếng này chắc chỉ có vài giảng viên có, còn lại tất cả chúng tôi đều thông cảm và hiểu cho nhau mà. Sĩ diện không phải là lý do chính. Có lẽ họ mặc cảm và sợ bị đánh giá thôi. Đối diện với những lời phán xét của người khác không dễ dàng chút nào.
Văn hóa Việt là văn hóa cộng đồng làng xã. Vì thế, kiểu cách nhìn nhau mà sống đã trở nên quá quen thuộc. Đạp trên dư luận là việc mà chỉ người dũng cảm mới làm được.
Điều này cũng dễ hiểu thôi. Bạn thấy đấy, khi có một ai đó chê bai một vấn đề nào thì lập tức có hàng trăm, hàng ngàn các ý kiến chê bai dìm hàng khác xuất hiện đúng với phong cách ném đá đến chết của thời trung cổ. Như vậy, tâm lý hoảng sợ, rụt rè là đúng thôi.
Tính sĩ diện của người Việt thể hiện rõ nhất ở các quan điểm cho rằng “giảng viên ĐH đi bán xôi làm ô danh nghề giáo”. Có ý kiến cho rằng, nguồn gốc của tính sĩ diện này là do trẻ bị “nhét” vào đầu tư tưởng ấy từ nhỏ, như việc cha mẹ dè bỉu các công việc tay chân như osin, người quét rác, bán hàng rong,… trước mặt con cái. Chị nghĩ sao?
- Tôi nghĩ, danh dự của nhà giáo nằm trong hành vi ứng xử và nhân cách của bản thân. Những nhà giáo không đi bán xôi nhưng lại có những hành vi băng hoại đạo đức thì mới đáng bị lên án. Suy nghĩ nhà nho thanh liêm từ thủa ông đồ khiến cho mọi người nghĩ vậy thôi. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên thay đổi suy nghĩ này.
Kim Minh (thực hiện)