- “Nếu có việc thật cần thiết hãy đến Cannes, không thì ở nhà. Đừng dở hơi mang vali tiền đến đốt ở Cannes” – đó là lời khuyên của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người phụ nữ vinh dự được BTC Cannes 3 lần mời chính thức.
Phải rút đôi cao gót ra nếu không muốn bị đuổi cổ
- Bạn đã đến LHP Cannes lần đầu tiên như thế nào? Bạn nhớ cảm xúc lúc bấy giờ khi bạn làm hồ sơ tham dự Cannes cho các dự án của mình không?
Năm 2009, tôi đến Cannes cùng phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di. Hồi đấy thì tồ, chỉ nghĩ, muốn có mặt nhân dịp quan trọng của phim mà không hình dung ra Liên hoan phim quốc tế nó thế nào. Tôi chỉ biết Cannes thì to lắm, oai lắm chứ lúc đó chưa có nhiều hiểu biết về hệ thống LHP như bây giờ. Bây giờ thì mình thạo rồi! Nhưng chính ra, lần đầu đó lại vui, chả áp lực gì, mình đi chơi với chụp ảnh, với chăm sóc đạo diễn, đi xem phim cả ngày, hưởng thụ không khi hội hè dù ăn ở cũng khổ thôi.
Cannes đắt đỏ quá, khách sạn không to kềnh càng như Châu Á, nên sản xuất Pháp thuê mãi mới được căn hộ nhỏ mà cũng chia sẻ với không biết bao nhiêu bạn bè lắm hôm ngủ dậy, thấy dưới chân mình la liệt người.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (giữa) trong lần đầu đến LHP Cannes 2009 |
Năm 2012 và 2013 tôi quay lại Cannes, lúc này thì vì “Đập cánh giữa không trung”, chưa thành phim mà mới là dự án thôi, bạn cứ hình dung nó như 1 cuộc thi, họ chọn 10 dự án từ vài trăm dự án và lần này thì sung sướng hơn.
Tôi có phòng riêng trong 1 khách sạn cổ kính rất đẹp (bằng kinh nghiệm từ trước tôi hiểu, như thế là rất tốn kém), có sinh hoạt phí mỗi ngày, có giấy mời cho hầu hết các sự kiện quan trọng nhất tại Cannes, nếu đến Cannes mà như vậy, bạn có quyền vểnh râu nhẩn nha mà hưởng thụ.
Lẽ ra là thế, nhưng tôi thì đầu tắt mặt tối vì dự án của mình đâm chả có chút thời gian nào mà thăm thú, ngắm cảnh, khám phá nên Cannes những lần sau này chỉ gói gọn trong khu trung tâm của LHP, thảm đỏ, các buổi thuyết trình, các cuộc hẹn gặp với nhà sản xuất, nhà đầu tư, phỏng vấn, ghi hình tiệc tùng thì 1 là tôi không ưa, 2 là thực sự tôi quá mệt với lịch hoạt động kín đặc nên tôi luôn vắng mặt.
Những lúc đó, vé mời tiệc thường được tôi đem tặng cho các cô gái – chàng trai trẻ tôi gặp trên đại lộ Croisette. Thảm đỏ của 2 lần này thì khá vui và cũng hơi buồn buồn, vui vì mình biết vài thứ rồi nên lần này mình dành thời gian để “thưởng thức” và chơi với nó được, buồn vì mình đã hết cảm giác háo hức của năm 2009, khi mà sốt xình xịch chọn váy áo, tất bật lo nhờ người trang điểm, căng thẳng đi trên thảm rồi cười như điên khi bạn cho xem cái clip mình bé tí bằng con kiến đỏ trên màu thảm đỏ!
Nói về cảm giác thì tôi luôn thấy mình lạc lõng, tôi không ưa sự đông vui, náo nhiệt của Cannes, tôi không thoải mái với sự quá xa hoa và nguyên tắc kiểu thanh lịch cổ điển của Cannes, tôi cũng không bắt nhịp được với guồng quay của các bạn ấy. Thật lòng, tôi chạy đuổi theo tướt bơ. Lúc nào cũng rất mệt!
Cảm giác ám ảnh tôi là thèm ăn đồ Á, đi bất cứ đâu trên cái quả đất này tôi cũng phải có chút gì của quê mình cầm theo ớt, bò khô, miến ăn liền, gạo, không có bọn đấy, tôi nghĩ mình coi như chết rồi! Ở Cannes, thường bọn nghèo nghèo như mình là rất thân thiết với mấy quán ăn nhanh nhưng tôi, sáng là đồ ăn liền Việt Nam, trưa với tối là phải nhà hàng Á – đắt cũng đành chịu, không có đồ Á, tôi không làm gì nổi nữa! Thật đấy mới gần đây thì tôi còn thêm món trà và tinh dầu của nhà làm, đi đâu cũng kè kè, trông thì thanh lịch lắm mà thực ra là lích kích lắm!
- Ở LHP Cannes khi lần đầu đặt chân đến, bản thân chị có run hay có chút tự ti lo lắng gì khi mình đến với một trong những LHP danh giá nhất thế giới?
Lần đầu có lợi là ú ớ, và mình là nhà sản xuất thôi, nên mình cũng chả biết gì mà run với cả lo lắng. Lúc đó nào biết LHP quốc tế danh giá nó là như thế nào. Nếu không nhầm, Cannes là LHP quốc tế đầu tiên tôi đến, nên sau đó tôi chả còn ngạc nhiên với bất cứ sự fancy nào nữa.
Hai lần sau, tôi đi một mình đến Cannes, bận việc điên cuồng, tôi thấm cảm giác của những người thuộc về Cannes, tất cả mọi thứ chỉ phim, mở mắt ra là phim, đi trên đường gặp ai bắt tay lại nói chuyện phim, ngồi một mình cũng nhẩm nhẩm phim, hội họp, thuyết trình, kể cả café tán gẫu, lang thang bờ biển, tất tần tật chỉ có mục đích duy nhất: phải “Đập cánh”cho bằng được!
Trong cái guồng đó, chả có chỗ cho tự ti, lo lắng gì nữa, tiếng Anh dở tệ cũng mặc kệ, ăn mặc luyên thuyên cũng chuyện thường, mặt mũi bơ phờ, ờ thì nào có phải ngôi sao, lên thảm đỏ cũng chả thiết chuyện pose hình tạo dáng, váy vóc lụa là bỏ hết ở nhà cho đỡ vướng. Hai cái áo dài là đủ cho mọi sự kiện thảm đỏ, mọi bữa tiệc mình bắt buộc phải tham gia. Trước còn giữ ý, giày cao gót này kia, sau thì cứ bata rách. Duy nhất có giờ lên thảm đỏ là phải rút đôi cao gót ra nếu không muốn bị đuổi cổ!
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trên thảm đỏ LHP Cannes |
Nếu có việc thật cần thiết hãy đến Cannes, không thì ở nhà
- Soi lại bản thân mình, chị thấy LHP Cannes và những câu chuyện ở Cannes đã dạy cho một đạo diễn điện ảnh như chị những gì?
Nó dạy tôi rằng, nếu có việc thật cần thiết hãy đến Cannes, không thì ở nhà. Đừng dở hơi mang vali tiền đến đốt ở Cannes. Mình thực ra, sẽ chả là ai cả nếu không có phim, không làm phim, không thuộc về phim mà thậm chí có phim cũng chả chắc đã “là ai”.
Nên với cá nhân tôi, Cannes là nơi tôi đến khi thực sự cần phải đến (vì phim và cho phim), tôi không có nhu cầu nghỉ một kì nghỉ xa hoa ở Cannes. Hai năm nay, La fabrique luôn mời tôi quay lại Cannes – họ coi “Đập cánh giữa không trung” là một trường hợp điển hình cả về tốc độ lẫn chất lượng và thành công nên họ muốn mình quay lại nói chuyện với các nhà làm phim sau mình nhưng tôi chịu, nói về “Đập cánh giữa không trung” thế là đủ rồi.
Còn cơ hội gặp gỡ, cụng ly, chuyện trò, tôi đợi khi mình xong kịch bản mới, chứ giờ tôi sợ nhất thời gian trôi! Cannes dềnh dang lắm, đến đó lại phải nghĩ lên thảm chuẩn bị váy gì, giày gì, mặt mũi đánh đấm ra sao tôi mệt lắm mà không tham gia tất cả những thứ đó thì đến Cannes làm gì? Tắm biển, đi bộ ngắm cảnh chăng?
Nó cũng dạy tôi một người xem chừng rất cực đoan, rằng, đừng cực đoan quá, nhãn quan nên được mở rộng, chứ nói thật, tôi nhiều lần gặp phải trường hợp, vào rạp xem phim tranh giải mà há hốc mồm vì sao phim chán thế vẫn dự tranh Cannes! Ờ, giờ mình nên bình tĩnh sống, bình tĩnh xem phim, bình tĩnh ngay cả với những điều mình chán - nản.
Có một chuyện tôi không rõ có phải điều Cannes làm riêng cho tôi không, nhưng tôi vẫn thầm biết ơn Cannes, những lần sau này, khi tôi ở Cannes một mình, có những khi tôi ngồi giữa một đám đông rào rào ngôn ngữ, nói cười loạn xạ, hoặc khi băng ngang bãi biển chật ních những thân người tắm nắng, thật là tôi bỗng thấy mình trở lại những ngày xưa, ngày tôi mới bắt đầu đi làm ở Vietnamet TV.
Khi ấy tôi viết những dòng buồn bã, những cảnh lặng thầm, những hình u tối giữa tất cả hối hả, khẩn trương, nhộn nhạo của đám đông xung quanh mình. Ngày đó, thật kì lạ, tôi cứ như đã thoát khỏi cái hiện thực đó, dù xác của mình đang ngồi rất ngay ngắn giữa tất cả xôn xao và gõ phím nhịp nhàng, nên tôi nhận ra rằng, hoá ra, mình là mình - rất buồn - rất bé - rất lặng im.
Đấy, một nơi sôi động bậc nhất, lộng lẫy bậc nhất, xa hoa bậc nhất, đã cho tôi nhận ra mình là ai!
"Đừng dở hơi mang vali tiền đến đốt ở Cannes. Mình thực ra, sẽ chả là ai cả nếu không có phim, không làm phim, không thuộc về phim mà thậm chí có phim cũng chả chắc đã là ai". |
Mình nhỏ mà có võ thì ok
- Cơ hội nào dành cho các nhà làm phim trẻ và các tác phẩm đầu tay trong dòng phim độc lập ở Cannes?
Cannes có hạng mục tranh giải chính thức là Certain Regard và Un Certain Regard. Thường những nhà làm phim trẻ mà lại là phim đầu tay thì khó vào đây, nhưng có 2 hạng mục độc lập khác là Semain de la Critique và La Quinzaine/Directors’s Fortnight. Đây là chỗ thích hợp hơn cả với phim phim đầu tay.
Và người làm phim thì nên nghĩ thoáng ra chút, chả nên chỉ chăm chắm tới Cannes. Thế giới này quá là rộng lớn, luôn có chỗ cho phim, miễn là phim đừng quá dở!
- Ở Cannes có sự phân biệt nào giữa các nền điện ảnh lớn và các nền điện ảnh nhỏ, ít người biết đến như điện ảnh Việt Nam không?
Tôi nghĩ ở đâu thì cũng thế thôi, mình nhỏ mà có võ thì ok, chứ mà đã còi din, nói năng lại lí nhí, chẳng có âm vang hứa hẹn nào cất lên từ mình cả thì chẳng có chỗ cho mình chứ không nói chuyện phân biệt. Để mà phân biệt, mình phải có chỗ đã. Khi có chỗ rồi, chuyện phân biệt tính tiếp!
Lần đầu đến Cannes tôi còn có kiểu ngây thơ khi cứ buồn buồn, vì chuyện Hollywood phim chẳng dự thi gì cũng mở tiệc bao nguyên con phố, uỳnh oàng khắp các mặt báo, mấy cô chân dài chẳng liên quan phim quái nào cũng lướt thảm như đúng rồi, chụp ảnh điên đảo, từng bước có người “hãng rượu” chăm bẵm.
Nhìn lại những người làm phim độc lập, ăn kebab rẻ tiền, ở như cá mòi trong hộp, đi bộ rạc cả cẳng chân thấy thương thế! Giờ khác rồi, người nào việc nấy, làm nên bức tranh nhiều màu, viên kim cương đa diện, Cannes phải vậy, điên rồ, xa hoa, náo nhiệt, nhưng cũng có cả lặng lẽ, trầm buồn, và lắm khi cực đoan khó hiểu có vậy mới đáng ngưỡng mộ, đáng ước ao.
Việt Anh