Dùng trên 700 số/tháng phải chịu giá cao hơn

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 6/3, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá, cho rằng: Khó kỳ vọng một biểu giá bán lẻ điện mà 100% người dân chấp thuận, nhưng phải chấp thuận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và cơ quan quản lý nhà nước.

“Bộ Công Thương hướng tới lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1, cá nhân tôi cho rằng đó là phương án khả thi”, ông Thỏa nhận xét.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng nhận định, phương án 5 bậc được Bộ Công Thương đề xuất tương đối hợp lý. Việc các hộ dân sử dụng mức trên 700 kWh/tháng phải chịu mức giá cao nhất là phù hợp với mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện thay vì mức trên 400 kWh/tháng như biểu giá điện hiện hành.

{keywords}
5 phương án cải tiến biểu giá điện sinh hoạt

"Giá điện bậc thang tại nhiều nước, có cả nước công nghiệp phát triển vẫn áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện. Ưu điểm là người khó khăn, hộ nghèo tiêu thụ ít thì được ưu đãi, còn người dùng quá nhiều điện - phần lớn là người có khả năng chi trả tốt, công dân giàu có - phải tiết kiệm điện. Nếu dùng quá mức cần thiết thì phải trả tiền điện đắt hơn. Mức chênh lệch giữa giá cao nhất và thấp nhất có thể lên đến 1,5-3 lần", ông Trần Đình Long chia sẻ.

Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương nên rà soát lại tỷ trọng tiêu thụ điện của từng bậc, chi phí giá điện các bậc... Muốn dùng điện càng cao thì phải trả mức giá càng đắt, như vậy mới có thể tạo áp lực, điều tiết trong sử dụng điện”.

Lý giải dùng càng nhiều giá điện càng cao, đại diện Bộ Công Thương cho hay: Điện năng là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng điện trước và trả tiền sau. Hiện nay, phần lớn lượng điện năng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió,... chưa phát triển mạnh, nguyên nhân là do hiệu quả chưa cao, cách thức sử dụng còn khá phức tạp và chi phí đắt đỏ.

{keywords}
Tác động của biểu giá điện 5 bậc theo tính toán của Bộ Công Thương

"Trong khi chờ đợi những giải pháp hiệu quả hơn cho việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn này", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới áp dụng cách tính giá điện theo bậc để phù hợp với mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân, với giá điện tăng dần theo bậc (hộ sử dụng điện nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn). Số liệu thu thập giá điện sinh hoạt của các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Lào cho thấy, tỷ lệ giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất so với bậc thấp nhất khoảng từ 1,65-3 lần.

Chưa thể áp dụng một giá điện sinh hoạt

Tại buổi tọa đàm, vấn đề được các chuyên gia phân tích khá sâu là tại sao lại không chọn phương án một bậc khi phương án được nhận định khá đơn giản, dễ hiểu.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích: Trên thế giới, có nước áp dụng phương án đồng giá điện, điển hình như Singapore nhưng cũng có nhiều nước có biểu giá bán lẻ điện dao động từ 3-7 bậc. Ví dụ như, Hàn Quốc áp dụng 6 bậc, Malaysia 5 bậc, Indonesia 5 bậc, Nhật Bản 6 bậc,...

{keywords}
Phương án giá điện 1 bậc là điều hướng đến trong tương lai.

“Vấn đề đặt ra là Việt Nam có đủ điều kiện áp dụng đồng giá hay chưa? Bởi khi đó, phải giải quyết được bài toán về chi phí của ngành sản xuất điện. Khi gia tăng phụ tải tại thời điểm cao điểm, ngành điện phải huy động nguồn điện giá cao. Bên cạnh đó, phương án đồng giá không khuyến khích được tiết kiệm điện, trong khi hiện nay nguồn cung không đủ đáp ứng cầu. Điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo, có nguy cơ cạn kiệt...”, ông Thỏa nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Long nhấn mạnh: Phương án giá điện 1 bậc là điều hướng đến trong tương lai. Khoảng giai đoạn 2023-2025, thị trường bán lẻ điện phải hoàn tất. Lúc đó, không còn chuyện giá bậc thang được nữa mà phải là giá thống nhất.

“Khoảng 5 năm nữa phải tiến đến điều đó. Theo tiến trình này số bậc thang sẽ phải điều chỉnh giảm dần. Ví dụ trước đây là 7 bậc điều chỉnh xuống 6 bậc và hiện nay đề xuất còn 5 bậc. Sau đó, tôi cho rằng sẽ có giai đoạn quá độ giảm tiếp để đến năm 2025 chỉ còn 1 bậc”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết dự kiến hết năm 2022 sẽ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm đề xuất Chính phủ hoàn chỉnh hành lang cơ chế để 2023 bắt đầu thực hiện rộng rãi bán lẻ điện cạnh tranh.

Lương Bằng