Hầu hết các cửa hàng xăng, dầu đều có quy định cấm sử dụng điện thoại di động trong khu vực cây xăng vì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy, nổ. Điều này, đã được quy định rõ tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng. Quy định nêu rõ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000-300.000 đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng điện thoại để thanh toán tại các cây xăng ngày một phổ biến và cũng khiến nhiều người cảm thấy quan ngại.
Chị Mai Anh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, khi đi bơm xăng, chị cảm thấy rất bất ngờ khi nhiều cây xăng nhận chuyển khoản ngay tại khu vực trụ bơm trong khi hầu hết các cây xăng đều có quy định cấm sử dụng điện thoại di động. Chị Mai Anh băn khoăn, liệu việc sử dụng điện thoại tại đây có an toàn cháy, nổ?
Cùng chung suy nghĩ, anh Huy Quang (Thạch Thất, Hà Nội) cũng cho rằng, việc thanh toán bằng điện thoại di động sẽ thuận tiện với nhiều người nhưng tại cây xăng có biển cấm mà mình vẫn sử dụng thì có vi phạm không?
“Bản thân tôi ý thức việc không sử dụng điện thoại tại cây xăng nên luôn chuẩn bị sẵn tiền mặt. Nhưng giờ đây, mỗi khi đi đổ xăng tôi đều cảm thấy nơm nớp lo bởi nhiều người xung quanh thanh toán bằng điện thoại. Tôi cảm thấy rất khó hiểu khi có quy định cấm nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác”, anh Quang bày tỏ.
Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, theo QCVN 01:2020-BCT về phòng chống cháy nổ, trong khu vực cây xăng đã quy định rõ hai khu vực nguy hiểm chính gồm: Các cột bơm và khu vực bể chứa xăng dầu. Đây là khu vực tích trữ nhiều nhiên liệu, có mật độ ion tích điện cao do hiện tượng bốc hơi của nhiên liệu. Khi những ion tích điện này gặp sóng điện thoại có thể gây cháy nổ với hậu quả rất nghiêm trọng. Vì thế, điện thoại di động bị cấm ở các khu vực này.
Đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cũng cho biết, trường hợp các cơ sở kinh doanh xăng dầu áp dụng hình thức thanh toán bằng chuyển khoản hoặc quét mã QR, cần phân định rõ khu vực an toàn và khu vực nguy cơ. Khu vực nguy cơ phải là nơi cách xa trụ bơm hoặc khu vực bể chứa xăng dầu. Do đó, việc bố trí khu vực thanh toán chuyển khoản hoặc quét mã QR cần đặt xa trụ bơm và bể chứa.
Vị đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH khuyến cáo, các cơ sở kinh doanh xăng dầu cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn cho nhân viên cửa hàng về vùng an toàn và vùng nguy hiểm trong khu vực cây xăng, từ đó có hướng dẫn cụ thể cho khách hàng.
Đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cũng cảnh báo, người dân khi sử dụng phương pháp thanh toán bằng điện thoại tại các cây xăng cần ý thức được khu vực nguy cơ cao, tuyệt đối không sử dụng điện thoại tại khu vực gần trụ bơm hoặc khi đang bơm xăng.