Đô thị ngập nặng
Theo thống kê cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn thành phố có 735 tuyến đường trục chính, trong đó có 15 tuyến đường có thể bị ngập sau khi mưa kết thúc và 24 tuyến đường bị ngập trong lúc mưa, 9 tuyến đường bị ngập do triều cường.
Những tuyến đường bị ngập bởi triều cường đã đành. Nội thành ngập sau trận mưa, nước lênh láng trên các đường Lê Lợi, Lê Lai, Cống Quỳnh, Bùi Viện, Cô Bắc, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm... Ngoại thành cũng ngập đường Hiệp Bình, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá, Tân Hòa Đông… Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn ngập nước các đường Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng… Chưa giải quyết xong điểm ngập cũ đã phát sinh điểm ngập mới. Quận Gò Vấp có địa hình cao nhất thành phố cũng có các tuyến đường bị ngập như Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ.
Tình trạng ngập nước đến nỗi những lời ca khúc trong bài hát được chế thành “Sài Gòn ngập lắm...Sài Gòn ơi!”, "Dừng chân trên phố nhưng mà ngỡ trên sông...". Một thành phố lớn đang xây dựng đô thị thông minh và làm đầu tàu kinh tế cho cả nước lẽ ra cần có hệ thống thoát nước nhanh chóng khi mưa lớn hay nhỏ.
Thực tế đã có hàng chục ngàn tỉ đồng được chi ra cho công tác chống ngập nhưng hiệu qua đem lại chưa tương xứng. Sở Xây dựng TP.HCM vừa cho biết cần hơn 101.000 tỉ đồng cho 120 dự án giảm ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025.
Rất nhiều cuộc hội thảo, họp bàn các giải pháp chống ngập, không biết bao nhiêu phương án thoát nước được đưa ra. Tiền chống ngập cứ mỗi năm lại tăng lên dần theo mực nước, lan rộng theo những khu vực, diễn biến ngập ngày càng nặng. Đến nay chưa có cơ quan chức năng, cá nhân nào đứng ra cam kết có thể giải quyết hết ngập cho thành phố.
Nghịch lý hơn là TP.HCM có địa hình tự nhiên tương đối thuận lợi, sông rạch len lỏi khắp nơi càng dễ dàng thoát nước. Dọc sông Sài Gòn trước đây là quỹ đất trống tự nhiên với cây xanh, nơi tôi thường đến mỗi chiều cuối tuần, khi đó hai bên bờ sông thu hút nước nên không bị ngập dù trời có mưa lớn và dẫn dòng thoát nước tự nhiên cho các khu vực đường Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Võ Duy Ninh, Ngô Tất Tố, Tôn Đức Thắng…
Những tuyến đường này nối tiếp dẫn nước thoát cho một số khu vực nội thành. Từ khi quỹ đất dọc bờ sông Sài Gòn hình thành hàng loạt dự án bất động sản, nhà cao tầng đã trở thành những con đê chắn ngang bờ sông thì xảy ra tình trạng ngập nặng dọc hai bên và các khu vực lân cận.
Khó có thể hình dung nỗi với khu vực quận Gò Vấp là vùng cao có địa hình tự nhiên từ trên xuống rất thuận lợi cho thoát nước nhưng lại xảy ra ngập nặng. Hóa ra không có gì lạ, bất ngờ hay ngạc nhiên khi chứng kiến bây giờ những nơi đây không chỉ là khu dân cư san sát nhau mà còn có các dãy nhà phố kinh doanh buôn bán dọc kín hai bên đường Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ.
Có rất nhiều nguyên nhân được các cơ quan, đơn vị quản lý đưa ra lý giải cho tình trạng ngập nước nào là vướng giải phóng mặt bằng nên các dự án chống ngập chưa thi công xong, thiếu kinh phí đầu tư chống ngập nên các hồ điều tiết chưa triển khai, nhiều công trình lớn đang thi công ảnh hưởng hệ thống thoát nước hiện hữu.
Đô thị hóa quá nhanh
Cần thẳng thắn nhìn nhận đúng thực tế để có giải pháp hiệu quả. Phối hợp thi công chưa tốt dẫn đến trì trệ khéo dài dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, cải tạo rạch Hàng Bàng và xây dựng các cống thoát nước giải quyết giảm ngập cho lưu vực, giai đoạn 2 dự án vệ sinh môi trường TP (Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và cải thiện môi trường nước TPHCM. Điều này còn ảnh hưởng dân sinh, tác động ô nhiễm môi trường, đội vốn dự án. Thực trạng hệ thống cống chưa đồng bộ về kích cỡ, cao độ. Nhiều nơi chống ngập xử lý chắp vá như nâng đường, nâng hẻm gây phát sinh các điểm ngập mới.
Hơn nữa, công tác quy hoạch đô thị hóa tràn lan mất kiểm soát. Dễ thấy mạng lưới đường giao thông được bố trí thuận tiện cho chia nhỏ các lô đất, nền nhà phố, đầu cơ các dự án bất động sản. Những ngõ, hẻm trước đây kết nối xuyên qua các trục đường chính thì nay đã lấp đầy bởi các dãy nhà liên kế. Kể cả phần không gian còn sót lại như vỉa hè, sân trước xem như khoảng lùi cũng được tận dụng xây dựng.
Không biết bao nhiêu rạch thoát nước đã bị lấp trên đường Phạm Huy Thông (Q.Gò Vấp), rạch Phan Văn Hân (Q.Bình Thạnh), rạch Hiệp Tân và một đoạn kênh Tân Hóa (Q.Tân Phú), rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh)… Nhiều khu đô thị, khu dân cư, nhà cao tầng hình thành đã lấp rạch và ao hồ thay thế bằng các tuyến cống đâu đủ khả năng bù đắp thu hút nước, thẩm thấu xuống lòng đất, trữ nước và thoát lũ.
Kiến trúc sư thời Pháp thuộc ở thế kỷ trước, chú trọng bảo vệ sông rạch hẳn là có nguyên nhân. Quy hoạch và thiết kế đô thị luôn lấy địa hình tự nhiên làm phông nền, nhà ở và công trình xây dựng khá thấp nhưng lại có khoảng lùi cách sông rạch hàng chục mét không phải là yếu kém trong quy hoạch mà tôn trọng môi trường nhằm cân bằng sinh thái, không tác động xấu đến thiên nhiên. Ngoài ra, giữ địa hình cho nước tự thoát ra sông, rạch không gây ngập ảnh hưởng đời sống và ô nhiễm môi trường.
Liệu có giải pháp chống ngập khả thi?
Một kiến trúc sư người Nhật Bản từng nói rằng, TP.HCM được tự nhiên ban tặng sông rạch có cảnh quan đẹp vừa tạo tầm nhìn cho đô thị, nơi chứa nước và thoát lũ. Hãy thận trọng quá trình phát triển nên giữ lại hiện trạng làm công viên dọc sông rạch vừa thoát nước và phục vụ cộng đồng, hạn chế san lấp tôn nền xây dựng kiên cố.
Sẽ còn cảnh cứ mưa là ngập nếu công tác quy hoạch, thiết kế phát triển đô thị, sử dụng đất chạy theo kinh doanh thương mại mà chưa chú trọng đúng mức đến mục tiêu giá trị bền vững với cuộc sống người dân, môi trường và chống ngập nước.
Trong chỉnh trang đô thị cần tạo ra hệ thống đường phố rộng rãi, không gian mở công cộng, khoảng lùi xung quanh các công trình riêng lẻ. Thiết kế thoát nước phải căn cứ đầy đủ các dữ liệu về lưu lượng mức cao nhất, phân bổ dân cư và tính toán sao cho đồng bộ với khu vực chứ không chỉ cục bộ trên một đoạn đường nào đó.
Quy hoạch tổng thể thành phố có vai trò quan trọng, kèm với kế hoạch sử dụng đất ưu tiên cho thoát nước, thoát lũ rồi sau đó mới nghĩ đến kinh doanh thương mại, xem như một bản thiết kế lớn đồng bộ về cơ sở hạ tầng và phân bổ dân cư. Với các dự án đô thị, khu dân cư cho thấy mạng lưới ô vuông hình chữ nhật có vẻ hiệu quả hơn. Bản vẽ các hạng mục xây dựng đòi hỏi điều chỉnh phù hợp địa hình thoát nước chẳng hạn tạo ra sự kết nối dẫn dòng chảy đến hệ thống cống lớn, sông, kênh rạch.
Xây dựng hệ thống cống có chức năng vừa thoát nước mưa, thoát lũ có kích cỡ đủ lớn để một công nhân có thể vào bên trong sửa chữa khai thông dòng chảy khi phát hiện các dấu hiệu tắc ngẽn.
Trong quá trình lập dự án mở rộng, nâng cấp đường phố nếu thiết kế cống có kích thước quá nhỏ thì khi mưa xuống lượng nước nơi khác đổ về không đủ khả năng chuyển tải sẽ liên tục ngắt quãng. Trường hợp cao độ thấp hơn hệ thống thoát nước lân cận quá nhiều sẽ trở thành bể phốt kéo dài, tràn cống.
TP.HCM sẽ còn tình trạng cứ mưa là ngập nếu các bất cập đã nêu chưa được khắc phục và vẫn tái diễn lấn sông, lấp rạch, nâng đường, nâng hẻm, xây dựng cống thoát nước thiếu đồng bộ về kích cỡ và cao độ, các dự án chống ngập trì trệ kéo dài.
Kỹ sư Trần Văn Tường